Chủ Nhật, 6/10/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 23/4/2009 21:32'(GMT+7)

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phải đổi mới căn bản, toàn diện

Tại phiên họp ngày 5-3-2009, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết TW 2 (khóa VIII) về giáo dục và đào tạo (Tờ trình số 97-TTr/BTGTW, ngày 3-3-2009) và ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và ra Kết luận số 242-TB/TW ngày 15-4-2009.

Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8, phương hướng phát triển GD-ĐT đến năm 2020 đã khẳng định, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết TW 2 (khóa VIII), sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng. Giáo dục và đào tạo đã giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong nội dung, chương trình và các chính sách giáo dục; hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện hơn với các cấp, bậc học, trình độ đào tạo, các loại hình và phương thức giáo dục. Quy mô giáo dục tăng nhanh, nhất là ở bậc đại học và đào tạo nghề; việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo trình ở phổ thông, dạy nghề và đại học đang được tích cực thực hiện; ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh, đạt chỉ tiêu đề ra; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục.

Tuy nhiên, Kết luận cũng chỉ rõ: so với yêu cầu của nghị quyết và yêu cầu phát triển của đất nước, vẫn còn nhiều nội dung chưa đạt được. Giáo dục và đào tạo chưa thật sự là quốc sách hàng đầu. Mặc dù được tăng đầu tư tài chính nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao; công tác tổ chức, cán bộ, chế độ, chính sách chậm đổi mới. Chất lượng giáo dục còn thấp và không đồng đều giữa các vùng, miền; quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng; chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa. Công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác; định hướng liên kết đào tạo với nước ngoài để xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, dân tộc, xã hội chủ nghĩa còn nhiều lúng túng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về công tác xã hội hóa giáo dục, làm hạn chế khả năng thu hút các nguồn lực để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo...

Phấn đấu đến năm 2020 nước ta có một nền giáo dục tiên tiến

Trước tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Ðảng trong Nghị quyết TW 2 (khóa VIII), phấn đấu đến năm 2020 nước ta có một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bộ Chính trị đã nêu ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện tốt để phát triển giáo dục đến năm 2020 là:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý.

Cần coi trọng cả ba mặt giáo dục: dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; đặc biệt chú ý giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, giáo dục về Ðảng. Phát triển năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm cho thế hệ trẻ có đủ khả năng và bản lĩnh thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thế giới. Bồi dưỡng cho thanh, thiếu niên lòng yêu nước nồng nàn, tự hào, tự tôn dân tộc và khát vọng mãnh liệt về xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phát triển quy mô hợp lý cả giáo dục đại trà và mũi nhọn, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời; rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc học phổ thông. Tăng nhanh quy mô đào tạo công nhân và cán bộ kỹ thuật lành nghề ở những lĩnh vực công nghệ cao, tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo.

Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp, vai trò của ngành giáo dục và đào tạo để phát triển sự nghiệp giáo dục. Ðổi mới căn bản chính sách sử dụng cán bộ theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực thực tế.

Chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng; đội ngũ cán bộ giảng dạy, về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đầu vào của sinh viên; không duy trì các trường đào tạo có chất lượng kém. Thật sự coi trọng vai trò của khoa học giáo dục. Ðẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục, giải quyết tốt những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình đổi mới giáo dục.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Ðổi mới mạnh mẽ phương pháp và nội dung đào tạo của các trường và khoa sư phạm; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục. Rà soát lại toàn bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Sớm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa khuyến khích đúng mức tính sáng tạo của người học; chuẩn bị kỹ việc xây dựng và triển khai thực hiện bộ chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng hiện đại, phù hợp và có hiệu quả. Ðổi mới, hiện đại hóa chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, khắc phục cơ bản lối truyền thụ một chiều.

Thứ năm, tăng cường nguồn lực cho giáo dục. Tăng đầu tư nhà nước cho giáo dục và đào tạo; ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia, khắc phục tình trạng bình quân, dàn trải; đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo nhằm góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và bảo đảm công bằng trong giáo dục.

Thứ sáu, bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục.

Nhà nước tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền. Ðặc biệt chú ý đến con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh khuyết tật thông qua phát triển các loại quỹ khuyến học, khuyến tài trong các tổ chức xã hội, trong các cộng đồng dân cư.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế càng cần phải bảo đảm phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới. Mở rộng hợp tác đào tạo đa phương gắn với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta phải đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ

Bộ Chính trị  nhấn mạnh: Ðể đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta phải đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ.

Bộ Chính trị giao Ban cán sự Ðảng Chính phủ thực hiện chủ trương về cải cách giáo dục trong các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành T.W lần thứ tư, bảy và chín (khóa X), xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 (phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, trình Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI) và hoàn chỉnh Ðề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, trình Quốc hội xem xét quyết định.

Bộ Chính trị cũng giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, cùng với Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT làm đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nêu trên.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất