Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Ba, 28/4/2015 21:17'(GMT+7)

Sự vô giá của hòa bình, thống nhất

Xe tăng của Bộ đội giải phóng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975.( Ảnh tư liệu)

Xe tăng của Bộ đội giải phóng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975.( Ảnh tư liệu)

1. Những ngày gần đây, một bức ảnh chụp tại vùng chiến sự ở Xy-ri đã khiến cả thế giới ứa nước mắt. Đó là bức ảnh em bé 4 tuổi có tên là Hudea giơ tay "đầu hàng". Em bé có đôi mắt sáng, to tròn, thơ ngây ấy đã vô cùng sợ hãi vì nhầm tưởng chiếc máy ảnh có ống kính dài của phóng viên là khẩu súng trường đang hướng về mình. Theo phản xạ sinh tồn của những em bé trong vùng chiến sự, Hudea đã lập tức giơ hai tay lên cao giống như động tác của một hàng binh. Đó có lẽ sẽ là một trong những bức ảnh xót xa nhất tố cáo tội ác của chiến tranh.

Mỗi ngày, chỉ cần mở ti vi hay lướt internet, chúng ta chứng kiến bao thảm cảnh của con người ở những quốc gia có nội chiến. Tại những vùng chiến sự ở Xy-ri, Li-bi, I-rắc, Y-ê-men hay U-crai-na…, cuộc sống của người dân và đặc biệt là trẻ em không khác nào địa ngục, tương lai vô cùng mờ mịt. Nhiều em bé đã chết vì bom đạn, vì đói khát. Những sinh linh bé bỏng ấy có thể được lớn lên xinh đẹp, giỏi giang nếu như được ra đời trong một môi trường hòa bình, một đất nước phát triển. Chiến tranh đã cướp đi những cơ hội sống, những niềm vui sống bình dị nhất của con người.

Mỗi lần chứng kiến những cảnh tượng đau thương trên, tôi lại nghĩ, dân tộc ta, đất nước ta cũng đã có giai đoạn lịch sử bị chia cắt, bị phân ly, phải chịu nhiều đau thương, tang tóc trong khói lửa chiến tranh. Và từ đó, tôi lại càng thấy ý nghĩa to lớn của ngày 30/4/1975 - Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc, tạo ra hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Đây là đỉnh cao chiến thắng của cả dân tộc sau 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đất nước từ chỗ bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17 sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đến ngày 30/4/1975 đã được thống nhất. Giang sơn, bờ cõi do tổ tiên khai phá, gây dựng đã được thế hệ người Việt Nam thế kỷ thứ 20 bằng tài năng, trí tuệ, bằng quyết tâm sắt đá, bằng mồ hôi và bằng máu xương của mình giành lại và giữ vững để trao cho thế hệ sau. Như còn mãi vang vọng trong không gian lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người nói chuyện với các chiến sĩ của Đại đoàn Quân Tiên Phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy ấy sẽ luôn luôn phải "khắc cốt ghi tâm" với mọi người con Việt Nam yêu nước.

Cảnh nước mất nhà tan, bao thế hệ người Việt Nam đã nếm trải và thấu hiểu. Thử hỏi, liệu Việt Nam có thể phát triển, nhân dân có thể bình yên, hạnh phúc khi đất nước bị chia cắt, khi mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đem hàng triệu tấn bom, đạn và hàng triệu lít chất độc hóa học đến để trút lên đất nước ta, giết hại nhân dân ta? Đất nước ta, nhân dân ta đã được gì từ thực dân, đế quốc ngoài nghèo khổ, bị áp bức, bị bóc lột, bị tù đày, chết chóc, đau thương? Hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống do dã tâm của thực dân, phát xít, đế quốc ngoại bang.

Vì thế, lối suy nghĩ của một số người cho rằng Việt Nam không cần độc lập, không cần thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, có thể dựa vào thực dân và đế quốc để phát triển là lối suy nghĩ thiển cận, ảo tưởng, vô trách nhiệm, là luận điệu cố tình bóp méo sự thật, xúc phạm đến xương máu của cha ông, có tội với nhân dân, có tội với tổ tiên và có tội với cả các thế hệ mai sau!

2. Có những ý kiến lại cho rằng, chúng ta không cần chiến tranh giải phóng mà thông qua đàm phán, thông qua bầu cử có thể thống nhất đất nước. Liệu đúng thế chăng? Liệu đất nước có cơ hội thống nhất bằng biện pháp hòa bình để bớt phải đổ xương máu mà chúng ta đã từ chối ư?

Không! Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo Đảng, Chính phủ ta đã không bỏ qua dù chỉ là những cơ hội nhỏ nhất để giành độc lập, để thống nhất đất nước mà tránh phải đổ máu. Trong hai năm 1945-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 bức thư và điện gửi Tổng thống Hoa Kỳ Ha-ri Tru-man (Harry Truman). Nội dung của các bức thư, bức điện này thể hiện rõ mong muốn được độc lập, hòa bình của Việt Nam và thiện chí của Việt Nam muốn được “hợp tác đầy đủ” với Mỹ vì hòa bình, tiến bộ và phát triển. Nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng!

Hội nghị Phông-ten-nơ-blô diễn ra suốt hơn hai tháng ròng (từ ngày 6/7 đến 10/9/1946). Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam còn sang Pháp trước đó hàng tháng trời để tìm mọi cơ hội đàm phán với Chính phủ Pháp, thuyết phục chính giới Pháp nhằm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam bằng hòa bình. Nhưng mọi nỗ lực và thiện chí của Chính phủ Việt Nam, của phái đoàn Việt Nam đều đã bị xem nhẹ vì nước Pháp vẫn mang tư tưởng thực dân, vẫn muốn chiếm đoạt nước ta. Giải pháp tổ chức một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu ở Nam Bộ để thống nhất Việt Nam đã bị phía Pháp phớt lờ.

Sau Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, tại Việt Nam, quân đội Pháp liên tục tấn công lực lượng vũ trang của ta, gây ra những vụ thảm sát đồng bào ta với dã tâm muốn chiếm nước ta một lần nữa. Quân và dân ta vẫn hết sức kiềm chế, để tiếp tục tạo cơ hội cho đàm phán hòa bình. Nhưng đến ngày 19/12/1946, quân Pháp đã gửi liên tiếp ba tối hậu thư đòi tước vũ khí của bộ đội và tự vệ Việt Nam để nắm quyền kiểm soát. Trước tình thế đó, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải quyết định kêu gọi Toàn quốc kháng chiến với câu mở đầu thể hiện rõ rằng, việc phải chiến đấu để giữ gìn nền độc lập tự do là giải pháp cuối cùng: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, theo nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, vĩ tuyến 17 được coi là ranh giới tạm thời chia đôi đất nước ta. Ranh giới ấy có thể đã được xóa bỏ, hai miền Nam-Bắc ruột thịt có thể đã được thống nhất chỉ sau 2 năm bằng một cuộc tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu (Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ ghi rõ, cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7/1956). Nhưng chính âm mưu của đế quốc Mỹ muốn thế chân thực dân Pháp ở miền Nam đã phá hỏng cơ hội thống nhất hai miền một cách hòa bình. Chính quyền Ngô Đình Diệm dưới sự hậu thuẫn của Mỹ đã vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ, không những phớt lờ tổng tuyển cử để thống nhất đất nước mà còn lê máy chém, sát hại dã man hàng vạn đảng viên Đảng Cộng sản và những người bị nghi ngờ ủng hộ Đảng Cộng sản, tạo ra những cuộc bắt bớ, giết hại tín đồ Phật giáo, gây mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo. Cả miền Nam thời điểm đó chìm trong biển máu, đau thương… Đất nước và nhân dân Việt Nam lại bị đẩy vào thế buộc phải cầm súng chiến đấu vì độc lập, thống nhất, vì hòa bình và hạnh phúc của mình.

Cuối năm 1972, đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng lá bài cuối cùng, đó là dùng máy bay chiến lược B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, do có sự cảnh giác cao độ và nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, nên quân và dân miền Bắc đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc tiến công đường không chiến lược của Mỹ, làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không” vang dội.

Đến năm 1973, sau khi thua trên chiến trường, chịu sức ép của dư luận trong nước và quốc tế bởi đang thực hiện một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri, rút quân khỏi nước ta. Nhưng Mỹ vẫn để lại một đội ngũ hùng hậu các sĩ quan và nhân viên, vẫn viện trợ quân sự để tiếp tục biến chính quyền Sài Gòn là con rối trong tay Mỹ. Trong Hiệp định Pa-ri có điều khoản về bầu cử, hiệp thương để thống nhất Việt Nam. Tuy nhiên, phía Mỹ-ngụy đã trắng trợn phá hoại hiệp định, xua quân nống lấn ra vùng cách mạng, đàn áp nhân dân ta. Tại chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng, chỉ hai giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Quân đội Sài Gòn đã tập trung càn quét các vùng tây Duy Xuyên, vùng B Đại Lộc và các vùng tranh chấp giữa hai bên.

Trước tình hình đó, tháng 7/1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 21, phân tích tình hình và đề ra Nghị quyết về: “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”, trong đó khẳng định, cách mạng miền Nam chỉ có thể giành thắng lợi bằng con đường bạo lực cách mạng.

Qua các giai đoạn lịch sử nêu trên, có thể thấy, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn khao khát độc lập, thống nhất và luôn trân trọng các giải pháp hòa bình để đạt được mục tiêu ấy. Thế nhưng, những giải pháp hòa bình luôn bị phá hỏng bởi dã tâm của các nước đế quốc và chính quyền tay sai. Chỉ đến khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta cuốn phăng mọi sức kháng cự của Quân đội chính quyền Sài Gòn, khiến những lực lượng cuối cùng của Mỹ phải rút chạy về nước, Quân Giải phóng của hai miền Nam-Bắc tiến vào dinh Độc Lập, bắt sống và buộc nội các Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào trưa 30/4/1975 thì dân tộc Việt Nam mới được hòa bình, thống nhất, non sông Việt Nam mới thu về một mối./.

Hồ Quang Phương

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất