(TG)- Bệnh bạch hầu là bệnh có vắc xin, gần như không còn xuất hiện do đó bác sĩ ít gặp, nhạy cảm lâm sàng không tốt sẽ dẫn đến chẩn đoán, điều trị sai. Do vậy, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mới sẽ được xây dựng, bổ sung theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành để bác bác sĩ phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế trường hợp tử vong.
Ngày 9/7, Hội đồng chuyên môn bệnh truyền nhiễm họp trực tuyến sửa đổi, bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì cuộc họp.
Hội đồng chuyên môn gồm 30 thành viên do GS.TS Nguyễn Văn Kính - Nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm chủ tịch Hội đồng chuyên môn. Các thành viên Hội đồng chuyên môn tham dự tại điểm cầu BV Bạch Mai; BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh; BV Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh.
Tính tới ngày 8/7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với bạch hầu. Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên, Đắk Nông có 27 ca; tỉnh Gia Lai có 16 ca; Kon Tum có 24 ca; Đăk Lăk 1 ca. Đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong. Đây là những người sống ở vùng sâu, vùng xa. và là những ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại địa bàn (16 năm không xuất hiện ca bệnh bạch hầu) và được phát hiện muộn.
Về độ tuổi của người mắc bạch hầu: dưới 1 tuổi có 3 trường hợp; từ 1-7 tuổi có 8 trường hợp; trên 7 tuổi đến 40 tuổi là 37 trường hợp, trên 40 tuổi có 5 trường hợp.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn, bệnh bạch hầu là bệnh có vắc xin, gần như không còn xuất hiện do đó bác sĩ ít gặp, nhạy cảm lâm sàng không tốt sẽ dẫn đến chẩn đoán, điều trị sai. Do vậy, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị mới sẽ được xây dựng, bổ sung theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hành để bác bác sĩ phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hạn chế trường hợp tử vong.
GS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, cuộc họp này đóng vai trò quan trọng nhằm cập nhật, sửa đổi hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Sau khi Hướng dẫn được sửa đổi, cập nhật, Cục quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn sẽ tiến hành tập huấn cho các cán bộ y tế.
Trước đó, ngày 8/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã hai Công văn khẩn số 842/NV-KCB và 843/NV-KCB gửi ba bệnh viện tuyến Trung ương và các Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk về việc tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk tiếp tục triển khai tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh, bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân. Các cơ sở y tế tăng cường phát hiện sớm, cách ly kịp thời, điều trị và theo dõi người bệnh bạch hầu hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát và bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, kháng huyết thanh điều trị bệnh bạch hầu theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, kịp thời báo cáo các vướng mắc, khó khăn về Bộ Y tế.
Các cơ sở điều trị chủ động liên hệ, phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống bệnh truyền nhiễm như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 để được hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng có công văn gửi Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh là các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị bệnh truyền nhiễm khẩn trương phối hợp tổ chức tránh trùng lắp các đoàn công tác đến làm việc, hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh Tây Nguyên. Triển khai tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho các cơ sở y tế.
Các bệnh viện trên cần thiết lập đường dây nóng và các hình thức hỗ trợ trực tuyến, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở y tế trong khu vực Tây Nguyên khi có yêu cầu để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, hỗ trợ khi cần thiết.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Lịch tiêm chủng vắc xin SII hoặc ComBe Five trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng
Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng
Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Phương Nguyên