Thứ Sáu, 20/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 15/6/2013 16:10'(GMT+7)

Sửa đổi Luật Kế toán: Đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và hội nhập

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Sau 10 năm Luật Kế toán được ban hành (có hiệu lực từ 1/1/2004) đã tạo lập được một nền tảng phục vụ cho công tác quản lý và thúc đẩy phát triển ngành kế toán nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Song, ông Bùi Văn Mai, Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cho rằng: Các nội dung trong Luật Kế toán 2003 mới phù hợp với từng đơn vị kế toán riêng lẻ. Nền kinh tế đang phát triển mạnh theo cơ chế thị trường với các hoạt động đầu tư, liên doanh, liên kết đa dạng, đa chiều, đa ngành, nhiều thành phần kinh tế tham gia. Vì vậy, các nguyên tắc và nội dung của Luật Kế toán hiện hành đang tỏ ra chưa đủ cơ sở pháp lý cho công tác quản lý phát triển lĩnh vực kế toán trên thực tiễn.

Là một thành viên trong tổ rà soát Luật Kế toán, ông Vũ Xuân Tiền cho biết, bộ luật này hiện có khoảng 28 nội dung liên quan đến các quy định về hoạt động nghề nghiệp kế toán; phân biệt giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị, giữa người làm kế toán và người hành nghề kế toán; yêu cầu và nguyên tắc kế toán; các hành vi bị nghiêm cấm; hóa đơn bán hàng; hệ thống tài khoản kế toán; lựa chọn và áp dụng hệ thống sổ kế toán; sửa chữa sổ kế toán khi ghi sổ kế toán bằng máy vi tính; lập báo cáo tài chính tổng hợp và báo cáo tài chính hợp nhất; hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính; kiểm tra kế toán; trách nhiệm, quyền hạn của kế toán trưởng; điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp hành nghề kế toán; chứng từ điện tử… còn thiếu tính minh bạch, thiếu thống nhất, không phù hợp và thiếu tính khả thi cần được bổ sung, sửa đổi.

Luật Kế toán 2003 ban hành trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng thể chế kinh tế thị trường và hành lang pháp lý tiếp cận với các thông lệ quốc tế gia nhập WTO. Sau 10 năm thi hành, nền kinh tế đã có những chuyển biến lớn, hoạt động kế toán cũng cần phải có những điều chỉnh phù hợp, trong khi đó phạm vi bao quát điều chỉnh của Luật Kế toán hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp.

Vấn đề đối với các nhà lập pháp khi sửa đổi bộ luật này là cần phải xem xét, cân nhắc đưa ra những qui định thống nhất, đúng chuẩn mực kế toán, đảm bảo quản lý hiệu quả song vẫn phải tạo điều kiện thuận lợi cho ngành kế toán phát triển, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kế toán Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030. Các quy định sửa đổi phải khắc phục được những hạn chế đã nêu, phải minh bạch, rõ ràng, cụ thể, không chồng chéo, có tính thống nhất và khả thi cao, góp phần làm minh bạch hệ thống thông tin về phát triển kinh tế, tài chính thông qua các số liệu từ công tác kế toán.

Lĩnh vực kế toán, kiểm toán Việt Nam đến nay gần như đã mở cửa thị trường hoàn toàn theo các cam kết quốc tế. Vì vậy, việc sửa đổi cũng phải tiếp cận và phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế về kế toán, phải hướng đến mục tiêu kế toán Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và phải được quốc tế công nhận./.

Thiện Minh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất