Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Tư, 15/8/2012 21:46'(GMT+7)

Sửa đổi tiêu chí thu nhập, cơ cấu lao động

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

 Đề xuất tiêu chí thu nhập bình quân đầu người/năm là 22 triệu đồng

Trao đổi với phóng viên, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với việc điều chỉnh tiêu chí về thu nhập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Chính phủ sửa tiêu chí này thành thu nhập bình quân đầu người/năm là 22 triệu đồng.

Lý giải vì sao phải điều chỉnh tiêu chí về thu nhập, ông Lộc cho biết: Quyết định 491/QĐ-TTg trước đây quy định chỉ tiêu chung để đạt được tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới là thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh là 1,4 lần. Thực tiễn cho thấy, tiêu chí này có nhiều điểm chưa phù hợp.

Cụ thể, mục tiêu thu nhập 1,4 lần so với mức bình quân chung của tỉnh mang giá trị tương đối, thay đổi theo từng năm, dẫn tới các nhóm có mức thu nhập ban đầu thấp sẽ không có cơ hội vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới. Người dân và cán bộ cơ sở không hình dung ra mức cụ thể phải phấn đấu là bao nhiêu. Do đó khó cho họ trong việc bàn bạc, xây dựng kế hoạch phát triển.

Mặt khác, nếu tính chuẩn thu nhập theo phương pháp tương đối, cả nước sẽ có rất nhiều mốc đạt tiêu chí về thu nhập khác nhau, sẽ xảy ra tình trạng một số tỉnh cùng đạt nông thôn mới nhưng thu nhập có thể chênh lệch nhau tới 2 - 3 lần.

Điều này cũng dẫn tới không xác định được mặt bằng chung để đánh giá thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước để có giải pháp chỉ đạo, điều chỉnh chính sách đầu tư hỗ trợ phù hợp.

Vả lại tiêu chí này cũng chưa phù hợp theo thông lệ chung của quốc tế và nước ta hiện nay trong tính thu nhập quốc dân và chuẩn nghèo, điều tra mức sống (đều dùng số tuyện đối, các tiêu chí cũng thường được điều chỉnh theo từng giai đoạn để tránh trượt giá và phù hợp với từng giai đoạn phát triển).

Về căn cứ đưa ra con số 22 triệu đồng, ông Lộc cho biết: Yêu cầu đặt ra là, một xã đạt chuẩn về tiêu chí thu nhập thì nhất thiết phải có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn so với mức bình quân chung trên địa bàn nông thôn trên cả nước. Mục tiêu phấn đấu về tăng trưởng thu nhập của dân cư nông thôn nêu trong Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa X) thì đến năm 2020 thu nhập của cư dân nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay (thời điểm ban hành Nghị quyết năm 2008 thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn là 9,1 triệu đồng).

Như vậy nếu đạt mục tiêu tăng gấp 2,5 lần như Nghị quyết thì đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn phải đạt khoảng 22 triệu đồng/người/năm. Điều đó có nghĩa là đối với xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới thì chỉ tiêu chung đặt ra về thu nhập bình quân tối thiếu phải là 22 triệu đồng/người/năm.

Mặt khác, đối chiếu với số liệu điều tra thu nhập năm 2010 của Tổng cục Thống kê, tại 20% số xã thuộc nhóm thu nhập cao nhất cả nước đã đạt khoảng 16,1 triệu đồng/người/năm. Giả sử tốc độ tăng trưởng bình quân 7% năm như giai đoạn 2006-2010 thì đến năm 2015, thu nhập của nhóm xã này đạt khoảng 22,5 triệu đồng/năm.

Chính bởi vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Chính phủ sửa đổi tiêu chí này thành thu nhập bình quân đầu người/năm là 22 triệu đồng.

Chuyển tiêu chí cơ cấu lao động thành tỷ lệ người làm việc/dân số trong độ tuổi lao động

Đối với tiêu chí số 12 về cơ cấu lao động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất thay thế tiêu chí “Cơ cấu lao động” bằng tiêu chí “Tỷ lệ người làm việc trên dân số trong độ tuổi lao động” với chỉ tiêu chung là 90%.

Quy định hiện hành đặt chỉ tiêu chung là tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là <30%. Ông Lộc cho rằng, tiêu chí này phù hợp với cấp vùng và cả nước, nhưng không sát với các xã thuần nông, chưa thiết thực với mong muốn thường nhật của người dân về việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời tiêu chí này cũng không khuyến khích từng hộ gia đình, lao động các xã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng dựa vào lợi thế vùng để tăng thu nhập phù hợp với thực tế hiện nay và tạo tiền đề cho thúc đẩy phân công lao động xã hội.

Theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, có 19 tiêu chí như về giao thông, thủy lợi, chợ nông thôn, trường học, nhà ở dân cư,...

Trong đó tiêu chí về thu nhập là tiêu chí số 10; tiêu chí cơ cấu lao động là tiêu chí số 12.

Thực tiễn cho thấy ở nhiều nơi, khi đẩy mạnh phát triển sản xuất trên cơ sở phát huy lợi thế về nông nghiệp, tỷ lệ lao động nông nghiệp thậm chí còn tăng lên.

Tại những vùng có lợi thế sản xuất nông nghiệp hàng hóa như vùng rau, hoa Đà Lạt; các xã ven đô và vùng đồng bằng Sông Hồng; các xã khu vực Tây Nguyên sản xuất gắn với chế biến cây công nghiệp,… có tỷ lệ lao động nông nghiệp từ 65 – 80% nhưng có thu nhập bình quân 40-45 triệu đồng/người/năm. Người dân nông thôn ở những khu vực này có mức sống khá giả, nhưng theo tiêu chí về cơ cấu lao động thì không đạt chuẩn nông thôn mới.

Thực tế tại 11 xã điểm được Ban Bí thư chọn xây dựng nông thôn mới cũng cho thấy, sau 3 năm thực hiện, nhiều xã đã đạt 18 tiêu chí nhưng riêng tiêu chí “Cơ cấu lao động” vẫn không đạt, vì mỗi năm chỉ giảm được bình quân 3 – 5% lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp…

Mặc dù mục tiêu lâu dài là phải chuyển dịch cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp, nhưng ở giai đoạn trước mắt, đối với đa số xã giải quyết việc làm vẫn là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, Bộ đã đề xuất thay thế tiêu chí “Cơ cấu lao động” bằng tiêu chí “Tỷ lệ người làm việc trên dân số trong độ tuổi lao động” với chỉ tiêu chung là 90%.

Ông Lộc chia sẻ, đây mới là lần đầu tiên chúng ta xác định mô hình xây dựng nông thôn với 19 tiêu chí cụ thể để định hướng cho sự phát triển của các địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Do vậy, khi triển khai vào thực tế có những điểm cần thiết phải sửa cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương cũng như trên quy mô cả nước.

Xây dựng nông thôn mới “không phải là cuộc chạy đua" lấy thành tích mà là mục tiêu lâu dài để đảm bảo lợi ích thiết thực cho mỗi người nông dân. Để nông thôn thực sự được "lột xác" cần phải có một quá trình, không phải "muốn là được", làm 1 lần là xong.

Từ thực tiễn triển khai xây dựng nông thôn mới trên cả nước hiện nay và kết quả tổng hợp ý kiến phản ánh của cơ sở cho thấy, việc điều chỉnh một số tiêu chí cơ bản, đặc biệt là tiêu chí thu nhập, cơ cấu lao động cho phù hợp với thực tiễn là hết sức cần thiết./.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất