Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 3/9/2013 20:35'(GMT+7)

Sức lan tỏa mạnh mẽ từ tập thơ "Nhật ký trong tù"



Thiết thực kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Kỷ niệm 70 năm tác phẩm Nhật ký trong tù”. Tọa đàm khoa học sẽ làm rõ hơn sức sống bất diệt, sức lan tỏa kỳ diệu của tập thơ “Nhật ký trong tù” sau 70 năm ra đời.

Ra đời trọn 70 năm, nhưng thực chất công chúng nước ta mới biết đến tác phẩm thơ đặc biệt của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh mới hơn 50 năm, kể từ khi Viện Văn học dịch từ tiếng Hán ra tiếng Việt và cho xuất bản. Tác phẩm đã được dịch ra các bản dịch bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài, như Pháp, Nga, Anh, Tây Ban Nha, Arập, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản, Séc... 

Tập thơ “Nhật ký trong tù” gồm 133 bài thơ chữ Hán, viết theo thể tứ tuyệt. Tuy chỉ là ghi chép sự kiện hàng ngày bằng thơ, nhưng tập thơ “Nhật ký trong tù” không những là một văn kiện lịch sử vô giá mà còn là một tác phẩm văn học lớn thể hiện bức chân dung tinh thần tự họa của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Đó là lòng yêu nước cháy bỏng; tinh thần cách mạng sục sôi dù trong mọi cảnh ngộ, dẫu phải chịu biết bao đau khổ và cay cực. Tinh thần tự do cao cả thể hiện trong thái độ, khí phách, cách ứng xử, lối sống...của một con người mà gông cùm, song sắt không trói buộc, không khóa cột được tự do. Hơn nữa, Nhật ký trong tù là niềm mong mỏi giải phóng đất nước, khát vọng thiết tha nhất của dân tộc, một thời đại là Ðộc lập và Tự do. 

Hiện Ban Tổ chức Tọa đàm khoa học đã nhận được nhiều tham luận của những nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà báo có tên tuổi, như: GS Hà Minh Đức, GS Phong Lê, nhà thơ Hữu Thỉnh, GS. Trần Đình Sử, GS. Trần Văn Bính, GS. Trần Thành, PGS.TS NGND Nguyễn Văn Long, PGS Nguyễn Hữu Sơn, PGS Lưu Khánh Thơ, nhà thơ Vũ Quần Phương, TS  Lê Thành Nghị, nhà văn Hoàng Quảng Uyên, nhà văn Lê Xuân Đức, TS Nguyễn Sỹ Đại, đại tá-nhà thơ Nguyễn Hữu Quý...Các bài tham luận dù đề cập đến nhiều góc độ khác nhau, như: Nhật ký trong tù tròn 70 năm, Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa qua các tác phẩm “Nhật ký trong tù”, Vẻ đẹp của “Nhật ký trong tù” dưới ánh sáng sử thi, Chiến hào tư tưởng trong tập “Nhật ký trong tù”…nhưng trên hết vẫn thống nhất trong cách đánh giá giá trị tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật; ở khát vọng tự do, ý chí cách mạng kiên cường; ở lòng yêu nước thiết tha; ý thức tự tu dưỡng bản thân trong nghịch cảnh; tinh thần nhân đạo bao la, lòng yêu thiên nhiên; tính hài hước thâm thúy, hóm hỉnh…Lòng yêu tự do, khát vọng tự do đã giúp Bác không chùn bước trước cam go, không sa ngã trước cám dỗ, không nghiêng ngả trước thử thách để Bất động dao tinh thần luôn giữ vững khí tiết, phẩm giá của mình. Tất cả là những phẩm chất cao đẹp khiến tập thơ nhận được sự mến mộ, yêu chuộng phổ biến cả trong và ngoài nước. 

Đã 70 năm qua đi, “Nhật ký trong tù” vẫn vẹn nguyên xúc cảm, sức lan tỏa và nhất là tầm ảnh hưởng của tác phẩm đối với công chúng trong và ngoài nước kể từ khi tập thơ ra đời. Từ tập thơ bất hủ này, mỗi người tự soi chiếu, nhìn lại bản thân để rèn luyện đạo đức, lối sống đẹp, lành mạnh.

Hơn nữa, cần phát huy giá trị và ảnh hưởng to lớn của tập thơ trong việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…

Đọc “Nhật ký trong tù”, nghĩ về cuộc đời Bác, chúng ta được tiếp thu một di sản quý giá đó là Tư tưởng Hồ Chí Minh với tinh thần “đào núi lấp biển”, một lòng “thờ dân tròn đạo hiếu, thờ nước vẹn lòng trung”, một tư tưởng đoàn kết sâu sắc, một tác phong bình dị, trong sáng, mẫu mực về đạo đức lối sống và trên hết là một chủ nghĩa lạc quan cách mạng sản sinh từ trong một cuộc chiến đấu dài lâu và gian khổ. 

Tọa đàm sẽ khai mạc lúc 8h ngày 06/9/2013 tại Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng.

 “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) là tập thơ chữ Hán của Lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ ở thôn Túc Vinh, huyện Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và bị giam cầm hơn 13 tháng ở nhiều nhà tù của tỉnh Quảng Tây từ 29/8/1942 đến 10/9/1943. 


Lê Thu Nguyệt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất