Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 30/8/2013 21:37'(GMT+7)

Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam



Ngày 30/8/2013, tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội điện ảnh Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam và Hội đồng lý luận văn học nghệ thuật Trung ương đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam”. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có TS. Vũ Ngọc Hoàng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. 
 Ngoài báo cáo Đề dẫn của GS. Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam, Hội thảo đã nhận được có 21 tham luận của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, điện ảnh. Chủ đề của Hội thảo xoay quanh “Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam” với bức tranh thực trạng muôn màu kể từ khi bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam “Chung một dòng sông” ra đời đã hơn nửa thế kỷ. 
Tính dân tộc được hiểu là tinh thần, tính cách dân tộc, ý thức chủ thể dân tộc, hệ giá trị của dân tộc, gắn liền với sự quan tâm cá tính, sự sinh tồn và phát triển của dân tộc mình. Do đó, để minh chứng được tính dân tộc trong một bộ phim truyện, người sáng tác phải nêu bật lên được vấn đề của dân tộc mình, nhân dân mình và xử lý nó trong những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể của dân tộc, làm nổi lên được các tính cách của nhân vật qua những nét sâu đậm của tư tưởng, tâm lý, lối sống của dân tộc được cụ thể hoá trong những con người khác nhau. 
Trên cơ sở làm rõ khái niệm tính dân tộc, bản sắc dân tộc, các bản tham luận đều tập trung chứng minh, khẳng định bản sắc dân tộc, tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam 6 thập kỷ qua. 
Là một loại hình nghệ thuật hiện đại, điện ảnh Việt Nam đã đồng hành cùng với lịch sử dân tộc, phản ánh sâu sắc hiện thực đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, công cuộc đổi mới của đất nước và hội nhập quốc tế; ca ngợi những con người anh hùng thời đại Hồ Chí Minh ở mọi thành phần, giai cấp, lứa tuổi. Qua những bộ phim truyện, chúng ta nhận ra từng thời kỳ lịch sử và ẩn chứa trong đó tâm hồn Việt Nam yêu nước, yêu hòa bình và khát vọng nhân văn; lối sống, phong tục, tập quán của người Việt... Có thể kể đến những bộ phim đã có đời sống trong lòng công chúng như: “Lửa trung tuyến”, “Vợ chồng A Phủ”, “Con chim vành khuyên”, “Người chiến sĩ trẻ”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Nổi gió”, “Lửa rừng”, “Tiền tuyến gọi”, “Chị Nhung”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Bài ca ra trận”, “Đến hẹn lại lên”, “Em bé Hà Nội” , “Sao Tháng Tám, “Ngày lễ Thánh”,“Mối tình đầu”“Bến không chồng”, “Tâm hồn mẹ”, “Mùi cỏ cháy”  “Thời xa vắng”, “Sống trong sợ hãi”, “Chuyện của Pao”, “Chơi vơi”, “Áo lụa Hà Đông”, “Cánh đồng bất tận”, “Long Thành cầm giả ca”… 
Tính dân tộc không bất biến mà luôn thay đổi phù hợp với đất nước, dân tộc trong từng thời kỳ, nhất là phải đặt trong tính dân tộc với tính hiện đại. Chủ đề Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 “Vì một nền điện ảnh Việt Nam đổi mới và hội nhập”, gồm các phim “Cánh đồng bất tận”, “Cô dâu đại chiến”, “Công chúa teen và Ngũ Hổ Tướng”, “Để mai tính”, “Hoa đào”, “Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt”, “Khi yêu đừng quay đầu lại”, “Long thành cầm giả ca”, “Mùi cỏ cháy”, “Nhìn ra biển cả”, “Những bức thư từ Sơn Mỹ”, “Những nụ hôn rực rỡ”, “Tâm hồn mẹ”, “Tây Sơn hào kiệt”, “Thiên sứ 99”, “Vũ điệu đam mê”, “Vượt qua bến Thượng Hải” đã cho chúng ta thấy tính đa dạng trong cách thể hiện bản sắc dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
 Hơn 10 năm qua, việc hợp tác làm phim với nước ngoài hoặc mời các nhà làm phim gốc Việt định cư ở một số quốc gia có nền điện ảnh phát triển về nước tham gia làm phim đã được duy trì thường xuyên và đã có những bộ phim thành công như “Thời xa vắng”, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, “Hà Nội - Hà Nội”, “Mùa len trâu”, “Huyền thoại bất tử”, “Dòng máu anh hùng”... đã cho thấy điều đó.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố yêu nước, nhân văn, tại Hội thảo, với trách nhiệm và lòng yêu Điện ảnh nước nhà, các vị đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra  những hạn chế, bất cập của phim truyện Việt Nam, nhất là trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế khi chúng ta tham gia “sân chơi chung”. Đó là sự xuất hiện dòng phim thương mại, hiện tượng tiếp thu thiếu chọn lọc, sao chép một cách sống sượng, vội vàng đã dẫn đến nhiều nguy cơ biến dạng tính dân tộc cho phim truyện Việt Nam nói riêng và nền điện ảnh cách mạng Việt Nam vốn đã có có bề dày hơn 6 thập kỷ. Nội dung một số bộ phim (Bụi đời chợ lớn, Bẫy cấp ba, Khi tôi 20…) lố lăng, gợi dục, khơi dậy bạo lực trong giới trẻ. Chính điều đó đã tạo nên nguy cơ làm phai mờ bản sắc dân tộc. Thêm nữa, những phẩm chất được phản ánh trong phim liên quan đến đặc điểm của tính dân tộc và tính hiện đại, nhưng có điều phạm vi của nhiều tác phẩm, nhất là phim chiến tranh cách mạng của chúng ta mới dừng ở phạm vi nội địa, mà chưa vươn tầm ảnh hưởng quốc tế. Nhân vật xây dựng sơ lược, cứng nhắc, thường theo “mẫu số chung” đại diện cho cái chung, ít cá tính sáng tạo. Ở một số phim, sự kết hợp giữa tính hiện đại và tính dân tộc còn chưa nhuần nhuyễn, làm giảm sức mạnh của hình tượng và sự thuyết phục của tác phẩm. Nhiều khán giả lo lắng về sự thiếu vắng trầm trọng những bộ phim truyện mang tâm hồn dân tộc công chiếu trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc. Trong khi đó, khán giả đứng trước sự tấn công ồ ạt, tràn lan các bộ phim nước ngoài vào các rạp chiếu phim.
Hội thảo dành nhiều thời gian bàn về giải pháp vừa phát huy thành tựu đã đạt được của điện ảnh Việt Nam trong 60 năm qua, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập và bàn hướng tương lai cho cho phim truyện Việt Nam mang “thương hiệu” Việt. 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng đánh giá cao các cơ quan tổ chức Hội thảo. Đồng chí nhấn mạnh sức lan tỏa của những bộ phim truyện Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua đồng hành với lịch sử dân tộc. Đồng thời, đồng chí đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm hoàn thiện dự thảo đề án "Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" trình Chính phủ phê duyệt và trong đó nên quan tâm đến việc phân loại 4 loại rạp chiếu phim (phim miễn thuế hoàn toàn, đánh thuế mức trung bình, đánh thuế cao và phạt nặng về kinh tế)… 
Hội thảo “Tính dân tộc trong phim truyện Việt Nam” có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng cho phim truyện Việt Nam; tìm kiếm con đường phát triển riêng phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa truyền thống của đất nước, góp phần gìn gữ thuần phong mỹ tục, nhân rộng những giá trị nhân văn, đóng góp vào quá trình xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) và thiết thực đưa Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” đi vào cuộc sống vì một nền Điện ảnh Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 

Lê Xuân Thành
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất