Trung tâm Hội nghị tỉnh với sức chứa gần 1.000 người, mới được đầu tư xây dựng rất hiện đại, đã được đẩy nhanh tiến độ để kịp khánh thành trước khi diễn ra Hội thi đúng 1 tuần. Trong 3 ngày diễn ra Hội thi, lượng khán giả đến tham dự, cổ vũ và nghe kể chuyện về Bác rất đông đảo, trong không khí sôi nổi mà vẫn trang nghiêm và tràn đầy xúc động.
Không chỉ có cổ động viên đến từ các tỉnh có thí sinh dự thi, mà đông đảo nhân dân và các khán giả là học sinh-sinh viên, lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên thường xuyên có mặt tại các buổi thi để cổ vũ cho các thí sinh và chăm chú lắng nghe những câu chuyện họ kể.
Bên ngoài Hội trường (tại trung tâm Thành phố), Ban tổ chức đã bố trí loa phát thanh để nhân dân được nghe trực tiếp những nội dung đang diễn ra trong hội trường. Chúng tôi rất xúc động khi chứng kiến những người lái xe ôm và người dân quanh đó, vì không có điều kiện vào trong hội trường nhưng vẫn luôn chú tâm theo dõi qua loa phát thanh và sôi nôi bàn luận sau mỗi phần liên hệ của thí sinh...
Có những khán giả cao tuổi hầu như buổi thi nào cũng đến dự, không sôi nổi bàn luận như lớp khán giả trẻ, các bác luôn lắng nghe và suy ngẫm, trân trọng từng câu chuyện kể.
Bác Hoàng Thị Chín, 72 tuổi, nhà ở tổ 2, phường Trưng Vương, TP.Thái Nguyên
luôn đưa khăn lên chấm những giọt lệ khi nghe câu chuyện "Bác Hồ về thăm quê". Rưng rưng xúc động, bác tâm sự: Tôi thương Bác quá, cả một đời bôn ba, vất vả vì dân vì nước, mất mẹ từ khi còn nhỏ, anh em ruột thịt chẳng được gần nhau, quá nửa đời người mới về thăm lại nơi "chôn rau cắt rốn" thì cha mẹ, anh chị em ruột thịt đã không còn.
Tôi hỏi có phải bác đến cổ vũ cho người nhà dự thi ở đây không?, Bác Chín nói: Không, tối hôm qua xem trên ti-vi của tỉnh tôi mới biết, nên hôm nay tôi đến nghe. Tôi rất tiếc vì ngày hôm qua tôi không biết. Hôm nay tôi đến từ rất sớm, đã nghe cả buổi sáng. Với tôi, những câu chuyện như thế này rất có tác dụng trong việc dạy bảo con cháu. Tôi có 4 cháu nội ngoại, tự mình tôi cũng ngẫm ra và học được nhiều điều, tôi sẽ lấy đó để răn dạy con trẻ.
Các cháu trẻ tuổi ở đây kể về Bác Hồ rất hay và xúc động, nhiều câu chuyện đã khiến tôi rưng rưng, rơi nước mắt. Hầu hết các câu chuyện ở đây đều là lần đầu tiên tôi được nghe, tôi thấy bất ngờ và càng thêm kính phục Cụ Hồ, tại sao cuộc đời của một người ở chức vị tối cao như thế lại có thể có những suy nghĩ và hành động gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân như vậy. Ngày xưa chúng tôi chỉ biết về Cụ Hồ là một vị lãnh tụ, người có công lao to lớn với dân với nước, có tài năng và đức độ như một vị thánh, nhưng đến đây tôi biết rằng, Cụ Hồ cũng là một người ông, người bác rất giản dị và gần gũi, thân thiết với dân.
Đại tá Phạm Tiến Dũng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Ninh
tâm sự: Tôi thường xuyên theo dõi các cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ trong tỉnh và qua những chương trình phát trên đài truyền hình. Đối với tôi đây không chỉ là tình cảm biết ơn và lòng kính trọng của bản thân đối Bác, mà còn là nhiệm vụ chính trị đối với một người chỉ huy, bởi cần phải hiểu hơn, hiểu thêm về Bác để từ đó rút ra những kinh nghiệm và bài học phục vụ công tác giáo dục chính trị cho chiến sĩ trong đơn vị. Thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", bên cạnh các việc làm và mục đích đặt ra cho việc rèn luyện, học tập đối với cán bộ, sỹ quan và chiến sỹ, đơn vị tôi cũng đã tổ chức Cuộc thi "kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và tham gia Hội thi cấp tỉnh do Tỉnh uỷ Thái Nguyên tổ chức đạt kết quả tốt.
Đây là cuộc thi rất có ý nghĩa, cán bộ chiến sĩ LLVT Thái Nguyên đến theo dõi Hội thi này cũng là một dịp học tập chính trị đầy ý nghĩa và bổ ích, mỗi ngày đơn vị quân sự tỉnh cử 50 cán bộ chiến sỹ đến theo dõi Hội thi. Hội thi đầu tiên của vòng sơ khảo toàn quốc này được tổ chức rất chu đáo, chặt chẽ, các thí sinh tham gia cũng như những người có trách nhiệm đã có sự chuẩn bị rất kỹ và công phu. Tôi tin rằng kết quả của Hội thi sẽ rất tốt.
Thượng uý Lưu Xuân Đông, Cục X15, Tổng cục 3 - Bộ Công an
cũng khẳng định: Hội thi có ý nghĩa chính trị to lớn đối với các tầng lớp nhân dân. Đây là dịp để mỗi chúng ta hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách vĩ đại của Bác, để từ đó mỗi người tự soi lại mình, tự giác phấn đấu rèn luyện và hoàn thiện hơn nữa bản thân.
Những câu chuyện, những lời dạy của Bác thông qua phần dự thi của mỗi thí sinh đều sâu sắc và dễ hiểu. Phần minh hoạ và liên hệ của nhiều thí sinh rất sinh động, tạo được ấn tượng và sự cảm phục đối với người nghe. Nhiều thí sinh kể chuyện về Bác thật cảm động. Các thí sinh người dân tộc thiểu số để lại trong tôi những hình ảnh rất đẹp.
Tuy nhiên, về công tác tổ chức, nếu bố trí tăng phần văn nghệ xen kẽ vào thì sẽ đỡ căng thẳng, chương trình sẽ "nhẹ" hơn đối với người nghe, đồng thời sẽ đảm bảo cho phần "hội" cân bằng được với phần "thi". Và nếu các thí sinh ở phần liên hệ tới địa phương, đơn vị và bản thân thông qua nhiều câu chuyện, tấm gương sáng đời thường làm theo Bác hơn nữa thì Hội thi còn có sức lan toả hơn nữa.
Học sinh Đào Thị Phương Thảo và các bạn trong lớp Sử 12,
Trương THPT Chuyên Thái Nguyên, vừa theo dõi và chăm chú ghi chép. Khi trao đổi với các em, chúng tôi nhận được những lời bộc bạch khá đời thường: Đối với chúng em, Hội thi này thực sự rất bổ ích và thú vị, bởi qua những câu chuyện và phần liên hệ của các bác, các cô chú, anh chị thí sinh sẽ giúp cho những học sinh chuyên sử chúng em có thêm nhiều "tư liệu" sinh động phục vụ cho việc học tập.
Là những học sinh chuyên sử, chúng em cũng đã được tìm hiểu về cuộc đời và con người của Bác-một lãnh tụ vĩ đại, một nhân cách vô cùng cao đẹp, tưởng chừng như không dễ gì để có thể "học tập và làm theo" được, nhưng khi nghe về những bài học mà mỗi thí sinh rút ra qua câu chuyện kể, chúng em hiểu rằng: thật sự không khó nếu mỗi người đều có ý thức và cố gắng rèn luyện theo những lời chỉ dạy của Bác. Bởi những việc Bác làm, những điều Bác dạy đều rất gần gũi và giản dị, ai cũng có thể học và làm theo được trong từng hoàn cảnh và công việc của mình. Nếu mỗi người đều quyết tâm làm theo và học tập được một một phần tư cách đạo đức của Bác, thì chúng em tin rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều, mỗi người trở nên hoàn thiện hơn. Chúng em luôn mong muốn có những Hội thi như thế này được tổ chức.
|
Tại ngày thi thứ hai (12-9), nhiều khán giả đều bất ngờ khi thấy trong khán phòng có một "ông Tây" rất chăm chú theo dõi các thí sinh kể chuyện. Một cô gái ngồi bên cạnh ông liên tục giải thích và dịch lại cho ông nghe những đoạn ông không hiểu. Khi tôi đến gần để chụp ảnh, ông chủ động bắt tay tôi và nói "rất tuyệt!". Tôi ngạc nhiên và hỏi cô phiên dịch, được biết "ông Tây" này tên là Fouad A Abdul Rahman, một chuyên gia đến từ đất nước I-rắc. Ông đến Hội thi với tư cách là cổ động viên cho thí sinh của Công ty Chè Phú Đa (Phú Thọ).
Tôi hỏi: Ông có biết ở Việt Nam chúng tôi đang có một cuộc vận động lớn trong toàn dân và toàn xã hội học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không? F.A.Rahman trả lời rất tự nhiên: Có, tôi có biết điều này từ mấy tháng nay, khi Công ty tôi đang làm việc có nhân viên tham gia thi kể chuyện về Hồ Chí Minh. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được ngồi dự trực tiếp một chương trình như thế này. Thật tuyệt, ở nước tôi và chắc chắn là nhiều nước trên thế giiới chưa bao giờ có một cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương những người có tài đức như thế này. Một Chương trình lớn của quốc gia để mọi người dân tham gia kể chuyện và ca ngợi công ơn của lãnh tụ thì lại càng đặc biệt. Những chương trình như thế này đã đưa mọi người đến gần với nhau hơn, đoàn kết và thân ái với nhau hơn. Việt Nam các bạn thật tự hào vì có Hồ Chí Minh.
Dù chưa hiểu nhiều về tiếng Việt, và qua mỗi phần thi của các bạn trên sân khấu tôi đều phải nhờ phiên dịch giải thích thêm, nhưng tôi cảm nhận được tình cảm, sự kính trọng, ngưỡng mộ của họ, cũng như tình cảm của những người đang ngồi nghe trong hội trường này dành cho Hồ Chí Minh. Tôi rất thích xem những hình ảnh về ông Hồ Chí Minh qua các đoạn phim tư liệu, thí sinh nào cũng có những phần minh hoạ như vậy, tôi ít được xem những phim về ông Hồ Chí Minh ở Việt Nam, nhưng qua những đoạn phim tư liệu tôi thấy ông ấy thật tuyệt, ông ấy đến với mọi nơi, đến với mọi người.
Tôi ngạc nhiên khi thấy các cô gái rất trẻ đẹp kể chuyện về lãnh tụ Hồ Chí Minh rất say xưa và tôi thật khâm phục khi thấy họ đã khóc. Không có một lãnh tụ nào trên thế giới lại được tất cả mọi người dân trong nước yêu kính và tôn thờ như Chủ tịch Hồ Chí Minh của các bạn. Tôi coi ông Hồ Chí Minh như mãi là lãnh tụ của các thế hệ.
-Vậy ông biết gì về Hồ Chí Minh của Việt Nam?
- Tôi biết ông Hồ Chí Minh là tấm gương của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho đất nước Việt Nam. Hồ Chí Minh xứng đáng là người thầy vĩ đại cho tất cả mọi người. Hồ Chí Minh còn được tất cả mọi người trên thế giới biết đến và yêu mến vì sự hy sinh đời tư cho Tổ quốc. Và Hồ Chí Minh sẽ sống mãi, ông như người trồng cây và bây giờ đã kết trái.
Mỗi khán giả ngồi nghe kể chuyện về Hồ Chí Minh đều có những cung bậc tâm trạng, những suy ngẫm và tự rút ra cho bản thân những bài học khác nhau, nhưng chắc chắn mọi người đều có chung một tình cảm kính trọng, yêu mến đối với tâm hồn và nhân cách vĩ đại của Bác. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi mọi người đến đây đều muốn bày tỏ sự thân ái, chia sẻ, đoàn kết với nhau - đúng như lời nhận xét của vị khán giả nước ngoài đã nói ở trên. Điều này thật khác hẳn với không khí của những cuộc thi khác. Mỗi câu chuyện kể, mỗi phần liên hệ, mỗi phong cách biểu diễn... của các thí sinh đều để lại những ấn tượng tốt đẹp và ý nghĩa đối với mọi người. Chắc chắn sau Hội thi này, hiệu ứng lan toả của nó sẽ đến với nhiều người hơn nữa.
Còn nhiều người chưa có điều kiện được nghe, được biết về Hội thi, nhưng với hệ thống truyền thông của cả nước, điều đó sẽ được khắc phục - như là lời tâm sự của một đảng viên lão thành.
Xin lấy một chi tiết cảm động bên lề Hội thi để khép lại bài viết này, đó là những ngày diễn ra Hội thi, cán bộ công an của trại giam Phú Sơn (Thái Nguyên) đã chờ đợi và thuyết phục bằng được Ban tổ chức cho mượn lại toàn bộ đề cương của các thí sinh để đi photocoppy. Những đề cương này sẽ được Trại giam Phú Sơn sử dụng làm tài liệu học tập cho cán bộ, chiến sỹ đang làm việc tại đây. Đồng thời cũng coi đó là một trong những tài liệu giáo dục, cảm hoá đối với phạm nhân của Trại./.
Minh Thế, từ Thái Nguyên