Hôm nay (23/9), NXB Kim Đồng chính thức ra mắt ấn phẩm bộ sách
Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc và tổ chức tọa đàm “Còn mãi những cánh
buồm đỏ thắm” với sự tham gia bày tỏ ý kiến của rất nhiều dịch giả, nhà
phê bình văn học. Không ai có thể phủ nhận, sức sống những tác phẩm văn
học thiêu nhi đến từ xứ sở Bạch Dương đến nay vẫn còn mang nhiều giá trị
và có ý nghĩa với văn hóa đọc của Việt Nam.
Vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng đã ra
mắt ấn phẩm mới bộ sách Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc, gồm các tựa
sách từng gắn liền với những ước mơ, hoài bão, nuôi dưỡng biết bao tâm
hồn thanh thiếu niên và bạn đọc đọc trẻ Việt Nam. Đó là “Chiếc nhẫn bằng
thép” của K. Paustovky, “Dagestan của tôi” của Rasul Gamzatov, “Thép đã
tôi thế đấy” của Nikolai A. Ostrovsky, Maximka của K.M Stanyukovich,
“Người cá và Bột mì vĩnh cửu” của Alexander R. Belyaev, “Timur và đồng
đội” và “Số phận chú bé đánh trống” của Arkady Gaidar…
Bạn đọc được gặp lại những truyện ngắn giàu chất thơ, nhiều truyện đẹp
như một bài thơ cổ điển. Không khí “thơ” ấy thấm vào hồn người thật tự
nhiên, nhẹ nhàng, tinh tế để sau mỗi câu chuyện, độc giả lại cảm giác
như tìm lại được một phần kí ức nào đó rất đẹp của tuổi thơ, một niềm
vui nho nhỏ, một khoảnh khắc lắng đọng, thanh thản và bình yên cho tâm
hồn.
Bộ sách Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc còn là cuộc gợi nhớ về đội ngũ
dịch giả một thời hùng hậu, với những bản dịch làm sang, làm đẹp cho
nguyên tác, với Phan Hồng Giang, Lê Khánh Trường, Nguyễn Thụy Ứng, Đỗ Ca
Sơn, Thúy Toàn… Sách tái bản được chăm chút kĩ lưỡng về mĩ thuật và
công nghệ in ấn. Một số cuốn có sử dụng lại minh họa của bản in lần đầu
với mong muốn lưu lại kỉ niệm của những năm tháng đã qua, những ước mơ
không cũ và hứa hẹn sẽ gây hiệu ứng thú vị với bạn đọc hôm nay.
|
Những
cuốn sách này chứa đựng tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam, cho
thấy sức sống mãnh liệt của văn học Nga tới văn học Việt Nam |
Văn học thiếu nhi Nga đã có những tác động nhất định tới tuổi thơ của
rất nhiều thế hệ người Việt Nam nhưng đến thời hiện đại, sự tiếp nhận
văn học thiếu nhi Nga ở Việt Nam thay đổi theo thời gian như thế nào?
Liệu các tác phẩm Văn học Nga chọn lọc từng đi cùng năm tháng với nhiều
thế hệ thiếu nhi Việt Nam trước đây có còn thu hút độc giả hiện nay?
Buổi tọa đàm “Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm” diễn ra sáng nay (23/9)
diễn ra với nhiều ý kiến sôi động. Không ai phủ nhận giá trị to lớn của
văn học Nga tới tuổi thơ, ký ức của độc giả Việt Nam thậm chí là ảnh
hưởng đến cách viết của rất nhiều thế hệ nhà văn của Việt Nam, nhưng các
nhà phê bình cũng chỉ ra những khó khăn mà các tác phẩm văn học Nga
đang gặp phải khi mà các độc giả nhí thời hiện đại có quá nhiều lựa
chọn.
PGS.TS Đào Tuấn Ảnh cho biết, mặc dù các tác phẩm tái bản văn học Nga
được NXB Kim Đồng phát hành rất đẹp, hấp dẫn và là một việc làm ý nghĩa
nhưng câu hỏi đặt ra là liệu trẻ con giờ có thích không? “Chúng ta không
thể ăn theo quá khứ mãi được mà cần quan tâm đến tâm lý của trẻ em hiện
nay. Chúng ta chỉ có thể làm bằng cách phải làm mới và dựng các tác
phẩm thật hay, thật hấp dẫn con trẻ bằng cả hình thức và nội dung tác
phẩm”, PGS.TS – dịch giả Đào Tuấn Ảnh nêu ý kiến. TS Đào Tuấn Ảnh cũng
chỉ ra khó khăn chính của việc thiếu những tác phẩm hay hiện nay là
thiếu những dịch giả đủ tầm khi mà kinh phí chi trả cho các dịch giả
đang là quá thấp.
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi cũng bình luận về giá trị to lớn của văn học
thiếu nhi Nga tới văn hóa đọc của thiếu nhi Việt Nam. Ông cho rằng “Văn
học thiếu nhi Xô Viết - một kho vàng 10”. Ông bày tỏ sự lo lắng về số
lượng sách thiếu nhi tràn lan ngoài thị trường nhưng không được kiểm tra
kỹ về chất lượng. Trong số đó có rất nhiều có rất nhiều cuốn truyện
tranh mang tính chất bạo lực, có nội dung người lớn mà đáng ngại hơn là
rất nhiều cuốn sách do những NXB Quốc gia phát hành. Chính vì những lo
lắng này nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi đánh giá cao việc làm của NXB Kim
Đồng khi tăng cường giới thiệu những cuốn sách văn học Nga tái bản tới
bạn đọc nhỏ tuổi.
Nhà văn Trần Quốc Toàn cũng khẳng định, trong thời buổi thị trường sách
nói chung và sách cho thiếu nhi nói riêng đang bát nháo như hiện nay thì
nên tăng cường sự hiện diện của văn học Nga.
Rõ ràng, với việc tái bản, phát hành và thúc đẩy việc quảng bá sâu rộng
những đầu sách văn học Nga tới độc giả nhí Việt Nam, NXB Kim Đồng đã
“ghi điểm” tới nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Thiết nghĩ, để những “cuốn
sách vàng” một thời của văn học Nga chạm tới trái tim của những độc giả
nhí thời hiện đại thì không chỉ là nỗ lực của các NXB, các dịch giả mà
ngay cả phụ huynh cần tham gia đọc sách cùng con để định hướng cho con
trẻ tìm về những giá trị đích thực của văn hóa đọc.
Hoàng Lân (Hà Nội Mói)