Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Chủ Nhật, 17/2/2019 9:3'(GMT+7)

Sức xuân nơi biên cương

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 (Quân khu 1) vui đón Tết Kỷ Hợi 2019 cùng đồng bào các dân tộc xã Quốc Khánh (Tràng Định, Lạng Sơn). (Ảnh: Hồng Sáng)

Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 (Quân khu 1) vui đón Tết Kỷ Hợi 2019 cùng đồng bào các dân tộc xã Quốc Khánh (Tràng Định, Lạng Sơn). (Ảnh: Hồng Sáng)

Trở lại huyện Vị Xuyên (Hà Giang) hôm nay, nhiều cựu chiến binh ngỡ ngàng trước những thay đổi của cảnh vật và con người. Vị Xuyên giờ đã phủ một màu xanh ngút ngàn của rừng cây, đồng ruộng, phố sá mọc lên san sát, nhịp sống huyện lỵ tấp nập đông vui, trở thành huyện trọng điểm về phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hà Giang. Về Vị Xuyên hôm nay, chúng ta thấy những mô hình kinh tế mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật xuất hiện ngày càng nhiều, như: Mô hình trồng rau trong nhà lưới; xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cam sành, trồng thảo quả; phát triển vùng chăn nuôi cá… Không chỉ Vị Xuyên mà toàn tỉnh Hà Giang giờ đã đổi khác. Năm 2018, kinh tế của Hà Giang tiếp tục tăng trưởng khá; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 8%. Toàn tỉnh Hà Giang có 7.010 hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 31,17%. Mức thu nhập bình quân đầu người đã đạt 26,2 triệu đồng/người/năm, tăng 3,8 triệu đồng so với năm 2017. Hà Giang còn là một điểm đến du lịch hấp dẫn bậc nhất của miền núi phía Bắc.

Không chỉ Hà Giang khởi sắc, mà trong những năm gần đây, các tỉnh biên giới phía Bắc đều có những bước phát triển ngày càng nhanh. Năm 2018, kim ngạch hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai đạt 2,1 tỷ USD, thu ngân sách đạt 1.868 tỷ đồng. Lào Cai trở thành một địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh biên giới phía Bắc.

Đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu chia sẻ với chúng tôi, năm 2018 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh bình quân đầu người đạt 32,92 triệu đồng; thu ngân sách Nhà nước đạt 2.246,8 tỷ đồng; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 30,21% tổng số xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,98%. Hai huyện Than Uyên và Tân Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo… 

Rời tỉnh Lai Châu, chúng tôi sang phía bên kia bờ sông Đà là huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, một địa bàn chiến lược thuộc khu vực biên giới phía Tây của Tổ quốc giáp với hai quốc gia Lào và Trung Quốc. Theo đồng chí Pờ Diệu Ninh, Phó chủ tịch UBND huyện, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng, như: Điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa... đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người dân trong sinh hoạt, chăm sóc y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua rà soát sơ bộ, ước tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2018 là 64,16% giảm 5,18% so với năm 2017...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh, năm 2018, địa phương tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, đã góp phần vào kết quả thực hiện đạt và vượt 17/17 chỉ tiêu được giao. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt cao nhất trong 10 năm gần đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,15%; GRDP bình quân/người ước đạt 26,9 triệu đồng, tăng 3,6 triệu đồng so với năm 2017; thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 1.891 tỷ đồng, vượt xa dự toán đề ra. Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư dự án con đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh trước năm 2025. Cùng với dự án của Tập đoàn Đèo Cả, cam kết tài trợ vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và nhiều doanh nghiệp biến khát vọng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng về con đường cao tốc phục vụ sự bứt phá của tỉnh trở nên hiện thực.

Không chỉ Cao Bằng, với các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh việc kết nối các tuyến đường cao tốc với Hà Nội và các tỉnh đồng bằng thời gian qua thực sự là động lực để kinh tế vùng biên chuyển mình. Sau hai năm thực hiện, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc đã tạo điều kiện để các tỉnh biên giới khai thác và phát huy thế mạnh tiềm năng, kết hợp nội lực và ngoại lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý hơn. Hiện tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc có 32 cặp cửa khẩu (7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính và 19 cửa khẩu phụ). Cơ sở hạ tầng, như bến bãi, kho hàng tại các cửa khẩu; nhất là hệ thống giao thông kết nối được nâng cấp mở rộng (như Lũng Pô-Lào Cai, Trà Lĩnh-Cao Bằng, Chi Ma-Lạng Sơn, Hoành Mô-Quảng Ninh...), tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế phát triển. Thông qua hoạt động thương mại biên giới, các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Năm 2018, xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 41,9 tỷ USD, tăng 18,5%. Thông qua hoạt động thương mại biên giới, Việt Nam đã nhập khẩu được một số nguyên, nhiên vật liệu, vật tư cần thiết từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất trong nước. Hầu hết hàng hóa xuất khẩu qua Trung Quốc đều qua hai Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Móng Cái (Quảng Ninh). Việc thành lập hai khu kinh tế cửa khẩu này đã thúc đẩy hàng hóa xuất nhập khẩu không chỉ riêng hai tỉnh mà cho cả nước.

Theo bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện nay, quan hệ thương mại Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Trung Quốc tăng trưởng ổn định với kim ngạch thương mại hai chiều trong 5 năm gần đây tăng trung bình hơn 20%/năm.

Diện mạo dải đất biên cương phía Bắc hôm nay ngày càng khởi sắc, màu xanh no ấm phủ khắp núi rừng, ánh điện về từng bản làng, đường giao thông rộng mở đến từng xã, học sinh được đến trường, người ốm được đi bệnh viện… Cấp ủy, chính quyền, quân và dân 7 tỉnh biên giới phía Bắc đã, đang và sẽ tiếp tục cùng nhau chung tay, góp sức để xây dựng kinh tế các tỉnh biên giới, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc./.

Hoài Giang-Vũ Dung (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất