Sudan ngày 9/6 đã tuyên bố ngừng 9 thỏa thuận an ninh và kinh tế, trong đó có
thỏa thuận dầu mỏ mà nước này ký với Nam Sudan hồi tháng 3 vừa qua.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng Thông tin Sudan Ahmed Bilal Osman nói:
"Chúng tôi sẽ chấm dứt toàn bộ 9 thỏa thuận, không chỉ liên quan đến dầu mỏ
với Nam Sudan," song khẳng định Khartoum tiếp tục cam kết có quan hệ tốt đẹp với
nước láng giềng thù địch và "có thể sẽ khôi phục quan hệ hợp tác nếu Juba nghiêm
túc trong việc thực hiện 9 thỏa thuận nói trên."
Cùng ngày, Giám đốc Cơ
quan Tình báo Sudan Mohammed Atta đã cáo buộc Nam Sudan tiếp tục hậu thuẫn lực
lượng phiến quân Mặt trận Cách mạng, lần gần đây nhất là hôm 7/6 khi các xe chở
nhiên liệu tiếp tế cho nhóm phiến quân Phong trào Giải phóng Nhân dân Bắc Sudan
(SPLM-N) tại bang Nam Kordofan xuất phát từ Nam Sudan.
Ông Atta cũng cho
rằng quân nổi dậy Sudan có các trại huấn luyện tại Nam Sudan và được nước láng
giềng này cung cấp vũ khí, đạn dược, chăm sóc y tế và giấy thông hành.
Theo các quan chức Sudan, lệnh đóng cửa tuyến đường ống xuất khẩu dầu có
thể sẽ kéo dài 60 ngày.
Tuy nhiên, ông Atta cho biết Nam Sudan có toàn
quyền bán số dầu đã được vận chuyển tới cảng Sudan sau khi hoàn trả lệ phí trung
chuyển còn nợ cho Khartoum.
Trước đó, tại một cuộc họp báo diễn ra cùng
ngày, Nam Sudan cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với nước láng giềng phía Bắc bất
chấp việc đóng cửa tuyến đường ống xuất khẩu dầu mỏ của Nam Sudan theo mệnh lệnh
ngày 8/6 của Tổng thống Sudan Omar al-Bashir.
Bộ trưởng Thông tin Nam
Sudan Barnaba Marial Benjamin khẳng định nước này sẽ "tiếp tục thực hiện các
điều khoản của thỏa thuận hợp tác," đồng thời cảnh báo Khartoum về nguy cơ nổ
đường ống dẫn dầu chính từ mỏ dầu Palouge nếu đóng cửa quá nhanh.
Trong
khi đó, người phát ngôn các lực lượng vũ trang Nam Sudan đã cáo buộc quân đội
Sudan đã vượt qua khu phi quân sự giữa hai nước và tiến vào bang Thượng Nile của
Nam Sudan.
Khartoum và Juba đã nhất trí nối lại hoạt động xuất khẩu dầu
mỏ của Nam Sudan thông qua các đường ống dẫn dầu của Sudan như một phần của việc
thực hiện các thỏa thuận hợp tác, được ký tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia
năm 2012.
Trong cuộc đàm phán tại Ethiopia cuối tháng 3 vừa qua, hai
nước đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch nối lại hoạt động xuất khẩu dầu cũng như
thực hiện tám thỏa thuận quan trọng khác.
Kể từ khi hai nước nối lại các
hoạt động dầu khí hồi tháng 5 vừa qua, khoảng 6 triệu thùng dầu đã được bơm
qua hệ thống đường ống dẫn của Sudan.
Nếu hoạt động xuất khẩu dầu mỏ
được khôi phục bình thường, mỗi ngày sẽ có từ 250.000 đến 350.000 thùng dầu được
bơm từ Nam Sudan qua Sudan, đem lại hàng tỷ USD doanh thu cho hai quốc gia đang
gặp nhiều khó khăn về kinh tế này.
Tuy nhiên, Khartoum lâu nay vẫn cáo
buộc Nam Sudan huận thuẫn phiến phân tại các bang Nam Kordofan, Blue Nile và
Dafour, điều mà Juba luôn bác bỏ./.
(TTXVN)