Sáng 5/3, bầu trời Hà Nội chìm trong sương mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế. Theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí ghi nhận với chỉ số AQI trung bình lúc 7 giờ là 241 đơn vị, thủ đô Hà Nội đang đứng đầu thế giới về tình trạng ô nhiễm không khí.
Sáng 5/3, theo kết quả số liệu quan trắc của hệ thống AirVisual (sản phẩm của tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp về không khí, có trụ sở chính đặt tại Thụy Sỹ), lúc 7 giờ 30 phút sáng, tại quận Tây Hồ, chỉ số đã ở mức 321 – ngưỡng rất xấu. Ở điểm đo tại quận Hoàn Kiếm, chỉ số này cũng ở mức 236. Các điểm “đỏ” khác bao gồm: Cầu Giấy, Đống Đa, Long Biên... với mức chỉ số đều trên 200.
Đây là nhóm chỉ số được AirVisual xếp vào các trường hợp có hại cho sức khỏe; đồng thời, khuyến cáo mọi người cần hạn chế ra ngoài vì có thể bị tác động xấu đến sức khỏe, những người nhạy cảm có thể gặp vấn đề với sức khỏe.
Trong khi đó, cùng thời điểm, theo hệ thống quan trắc PAM Air, các điểm đỏ cũng liên tục xuất hiện. Điển hình, tại điểm đo tại khu vực Trâu Quỳ, chỉ số AQI (một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) lên tới 404. Thậm chí tại một số khu vực như đường Trần Hưng Đạo, Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh... chỉ số AQI còn chuyển sang màu tím (cao trên 200, ở mức xấu).
Bộ Y tế đã đưa ra các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe khi chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu (AQI ở mức 200 - 300) như sau:
Đối với người bình thường: Tránh các hoạt động ngoài trời trong thời gian dài hoặc tham gia các hoạt động vận động cần gắng sức, khuyến khích các hoạt động trong nhà; tránh các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao, nếu phải hoạt động nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn ngừa bụi mịn.
Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Theo dõi sức khoẻ, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt... cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Theo Báo Tin tức