Ngày 11/9, Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) và Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương đã có cuộc khảo sát tại các công ty dệt may trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu của cuộc khảo sát nhằm nắm bắt tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về thay đổi trong phân bố nguồn nhân lực sản xuất, cơ hội việc làm của người lao động, cách thức sản xuất và tiêu dùng của xã hội.
Theo bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn, cuộc cách mạng 4.0 sẽ tác động trực tiếp đến giai cấp công nhân Việt Nam, đặc biệt là lao động ngành dệt may, giày da, điện tử. Dự báo, cuộc cách mạng 4.0 sẽ làm 86% lao động trong ngành dệt may mất việc. Việc nắm bắt tình hình công nhân trong các khu công nghiệp giúp Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn tham mưu cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề ra chủ trương, chính sách phù hợp, đảm bảo quyền lợi của công nhân.
Theo ông Phan Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty may Bình Dương - Công ty chuyên sản xuất áo sơ mi xuất khẩu gần 30 năm, trước đây, đa phần các công đoạn sản xuất đều sử dụng sức người nhưng nhờ đầu tư máy, trang thiết bị nên đến nay, khoảng 40% công đoạn sản xuất đã được tự động hóa. Việc đầu tư trang thiết bị mới, hiện đại tốn chi phí ban đầu, còn đầu tư vào nguồn lao động (con người) chi phí ban đầu thấp nhưng năng suất không cao, về lâu dài sẽ tốn nhiều chi phí. Ngoài ra, có thể phát sinh những vấn đề như khan hiếm nguồn nhân lực, chi phí đào tạo, biến động tiền lương; doanh nghiệp đối mặt với rủi ro người lao động sẽ chuyển chỗ làm. Khi đầu tư vào công nghệ, doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn và sau 5 năm mới bắt đầu có lãi.
Ông Phan Văn Đức nêu rõ: Đa phần người lao động chưa thích ứng với việc công ty chuyển đổi công nghệ, đầu tư máy móc mới, tuy nhiên, cùng với thời gian, công nhân sử dụng thành thạo máy, năng suất lao động tăng lên, mức lương người lao động được hưởng cũng cao hơn nên nhận thấy việc chuyển đổi là cần thiết.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Ban chính sách và Pháp luật (Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương) cho rằng, khi mức độ tự động hóa trong sản xuất được đẩy lên tối đa, ngành dệt may Việt Nam sẽ mất lợi thế về nhân công giá rẻ và tay nghề cao. Khi lợi thế này mất đi, nhiều khả năng doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển nhà máy về các quốc gia phát triển. Điều này xảy ra, lao động phổ thông sẽ phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn, họ phải nỗ lực, học hỏi rất nhiều để trở thành lực lượng lao động tri thức. Quá trình đó, không thể không nói tới vai trò của doanh nghiệp trong việc giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn./.
Theo TTXVN