Không thể nói thanh niên không có lý tưởng
Nhiều người đánh giá thanh niên ngày nay không có lý tưởng sống. Theo ông, điều đó có đúng không?
Đúng là có không ít người đã nghĩ thế. Phần lớn là những người cao tuổi. Tuy nhiên, theo tôi điều đó không đúng. Nghĩ như thế là đánh giá thấp về thanh niên.
Thanh niên ở thế hệ nào cũng có vị trí, vai trò và trách nhiệm đối với thời đại mà mình sinh ra. Các thế hệ trước đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Thanh niên ngày nay cũng thế, họ có đủ sức mạnh và tri thức để làm tốt điều đó. Cần phải tin ở họ và giúp họ tin vào chính mình.
Đấy là ông tin thế hay thực tế là thế?
Trong các điều tra xã hội học gần đây, khi trả lời câu hỏi điều bạn quan tâm nhất hiện nay là gì? 3 vấn đề được các bạn trẻ quan tâm nhiều nhất là việc làm, học tập, phấn đấu để phát triển đất nước... Còn vui chơi, giải trí, chỉ đứng ở hàng cuối thôi.
Như vậy, không thể nói thanh niên không có lý tưởng được. Tuy nhiên, cách xác định, phấn đấu cho lý tưởng của thanh niên thời nay cũng khác xưa. Trong chiến tranh cần sự hy sinh nhiều hơn, nhưng ngày nay thanh niên có thể phấn đấu bằng nhiều cách, đôi khi rất giản dị.
Trước đây lựa chọn lý tưởng dễ dàng hơn, còn ngày nay có quá nhiều sự lựa chọn.
Lý tưởng là cái chung nhất, là phấn đấu cho một xã hội tươi đẹp, công bằng, mỗi người đều được hạnh phúc... Tuy nhiên, để đạt được điều đó, mỗi thời kỳ lại đặt ra những mục tiêu khác nhau.
Ví dụ như, cho đến nay, mặc dù chủ nghĩa xã hội vẫn là lý tưởng cao nhất về sự công bằng, nhưng để đạt được điều đó, chúng ta vẫn buộc phải chấp nhận kinh tế thị trường, chấp nhận tư hữu, thuê mướn lao động, chấp nhận những sự phân phối bất hợp lý.
Mặt trái của kinh tế thị trường như Mác đã nói, sẽ dìm "mọi mối quan hệ giữa con người với con người vào lớp băng lạnh giá của sự tính toán vị kỷ". Điều đó, so với lý tưởng phấn đấu lâu dài là mâu thuẫn, nhưng để phát triển, chúng ta vẫn buộc phải chấp nhận.
Với những người mà mục đích sống chỉ là làm giàu cho bản thân thì liệu có lý tưởng không?
Chỉ biết làm giàu cho mình, sống theo kiểu "tôi trước, thiên hạ sau", thì rõ ràng là sống không có lý tưởng. Nhưng làm giàu cho bản thân với mục tiêu làm cho đất nước giàu hơn, mọi người hạnh phúc hơn, thì đó lại là chuyện khác.
Ngày nay có những bạn trẻ rất giàu có, nhưng họ vẫn sống giản dị, tìm mọi cách giúp đỡ người khác, tạo điều kiện để những người khác cùng phát triển. Chúng ta không thể nói họ là sống thiếu lý tưởng.
Nếu có bạn trẻ tâm sự với ông, họ không biết mục đích sống là gì ông sẽ nói gì?
Cuộc sống ngày nay thật khắc nghiệt. Không phải không có những thanh niên mất phương hướng. Có người chỉ biết dựa dẫm vào cha mẹ, vào người khác. Nhiều người không trụ vững được, thậm chí còn gục ngã.
Chúng ta không thể buộc thanh niên phải sống khắc khổ theo khuôn mẫu cũ. Trong nền kinh tế thị trường, đầy những sự cạnh tranh, nếu chỉ biết nhường nhịn, có thể anh sẽ thành người nghèo, sẽ thành "gã khờ" ngay. Phải phấn đấu hết mình, làm cho mình giàu có thì mới có điều kiện để giúp đỡ người khác tốt hơn.
Cần thay đổi cái nhìn về phong trào tình nguyện
Nếu nói thế thì những thanh niên tình nguyện là những gã khờ hay sao?
Nếu xã hội chỉ hướng vào việc làm giàu cho bản thân, vơ vét cho bản thân, thì những người tình nguyện có thể sẽ bị coi là "gã khờ" đấy. Làm sao chấp nhận được khi một số người khoác áo xanh tình nguyện cặm cụi đào mương, vét cống, còn số khác thì lúc nào cũng ăn mặc hàng hiệu, ném tiền vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng.
Một số người đi hiến máu nhân đạo còn một số người lại cầm dao, cầm búa đi gây đổ máu cho người khác... Rất may là trong xã hội ta còn nhiều người sống vì người khác, vì sự phát triển chung của cả cộng đồng. Cần phải làm thay đổi cái nhìn của xã hội đối với phong trào thanh niên tình nguyện.
Tức là xã hội chưa đánh giá đúng về phong trào này?
Ý nghĩa cao cả của phong trào thanh niên tình nguyện chính là ở chỗ nó làm thức tỉnh xã hội về tinh thần nhân đạo, biết hy sinh vì người khác.
Phong trào cho mọi người thấy trong cơ chế thị trường con người vẫn có thể giúp đỡ nhau tận tình chứ không phải chỉ là quan hệ "tiền trao cháo múc".
Nếu chỉ nhìn vào lợi ích vật chất mà phong trào tình nguyện mang lại, đo xem thanh niên làm được bao nhiêu cây số đường, dạy được bao nhiêu em nhỏ thoát mù chữ, làm lợi cho ngân sách được bao nhiêu tiền... tức là chúng ta đã chưa đánh giá đúng về phong trào này.
Theo tôi, phong trào thanh niên tình nguyện chính là liều thuốc để chống lại những mặt trái của kinh tế thị trường, là sự cứu giúp xã hội trước sự chi phối của đồng tiền.
Đấy là về lý thuyết, còn thực tế liệu có làm được như vậy không?
Sống tương thân tương ái là một trong những truyền thống tốt đẹp nhất của người Việt Nam. Để phong trào tình nguyện có thể thâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, trước hết chúng ta cần phải chống tư tưởng cá nhân, đặc biệt phải chống được tham nhũng.
Tình nguyện và tham nhũng đối lập với nhau như nước và lửa. Tình nguyện là hỗ trợ, giúp đỡ mọi người, còn tham nhũng là tìm cách ăn cắp, ăn cướp và móc túi người khác. Nếu không chống được tham nhũng thì sẽ không khuyến khích và mở rộng được tinh thần tình nguyện...
Ông nghĩ thế nào về hoạt động của Đoàn hiện nay?
Tôi có thể khẳng định rằng, Việt Nam nằm trong số những nước có phong trào thanh niên mạnh mẽ nhất trên thế giới.
Thanh niên các nước bị phân tán thành các nhóm này, nhóm khác, không thống nhất trong một tổ chức mạnh mẽ và có uy tín như ở Việt Nam.
Phong trào đoàn của chúng ta đã có trên 70 năm kinh nghiệm hoạt động. Chúng ta tích lũy được rất nhiều bài học trong việc đoàn kết tập hợp thanh niên, cán bộ đoàn của chúng ta lại có kiến thức, kỹ năng và nhiệt tình công tác.
Thử hỏi trên thế giới có tổ chức thanh niên nào huy động được hàng triệu thanh niên tham gia như chúng ta trong phong trào "Ba sẵn sàng" không?
Nhưng nhiều người vẫn cho rằng phong trào đoàn vẫn có cái gì đấy là bề nổi?
Điều đó là chính xác bởi vì phong trào Đoàn hiện nay có những mặt còn chưa đáp ứng được với tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Một số mặt trong hoạt động của Đoàn còn bị "hành chính hóa".
Có lẽ hiện nay, cái mà chúng ta gọi là "bề nổi" của phong trào thanh niên, một phần cũng chính là do hệ quả của kiểu làm việc xa cơ sở , làm việc theo lối hành chính của một bộ phận cán bộ và đoàn viên thanh niên. Để phong trào thanh niên phát triển chúng ta cần phải khắc phục những điểm hạn chế này.
Trân trọng cám ơn giáo sư.
GS.TS Đặng Cảnh Khanh sinh năm 1947, tốt nghiệp ngành xã hội học tại Hungary. Ông đã từng công tác tại Viện Xã hội học, Ban kinh tế Trung ương; Từ năm 1995 - 2008 là viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên. Hiện ông đang viết cuốn "Tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội: Những nét đẹp truyền thống và hiện đại" sẽ xuất bản nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. |
Theo Bee