Ðiểm nổi bật của thị trường lao động Việt Nam có số lượng khá dồi dào, đa số là lao động trẻ, đang ở "thời kỳ cơ cấu dân số vàng"... Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao rất thiếu hụt, thị trường phát triển khá tự phát, thiếu tổ chức, và chưa gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu thực tế, cũng như chưa kết nối, thu hút được các lao động trình độ cao ở nước ngoài vào phục vụ công cuộc tái cấu trúc kinh tế và CNH - HÐH đất nước.
Chất lượng chưa đáp ứng
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tri thức, vai trò của lao động trí thức với công nghệ hiện đại là yếu tố quyết định cho sự phát triển của các quốc gia. Các nước có thành tựu kinh tế cao cũng là những quốc gia sở hữu và thu hút được nhiều nhất lực lượng trí thức trên thế giới. Sự giàu có về tri thức đang góp phần tạo dựng thương hiệu quốc gia, đồng thời là cơ sở và cơ hội cho sự phát triển của mỗi cá nhân và đất nước bền vững. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện quan trọng xây dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tạo động lực phát triển và huy động các nguồn lực phát triển; góp phần hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh và bền vững, hình thành thế và lực mới có sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Vấn đề nguồn nhân lực càng có thêm ý nghĩa trong bối cảnh tái cấu trúc kinh tế ở Việt Nam hiện nay: Một mặt, tái cấu trúc là chuyển mạnh sang phát triển các ngành nghề, sản phẩm và dựa trên nền tảng công nghệ ngày càng hiện đại, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất luợng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của doanh nghiệp và quản lý nền kinh tế. Mặt khác, tái cấu trúc là giảm thiểu các ngành, nghề và sản phẩm có hàm lượng lao động cao và tỷ trọng chế biến thấp, từ đó sẽ làm gia tăng sự dôi dư đội ngũ lao động giản đơn, đồng nghĩa với tạo áp lực về thu nhập và việc làm, an sinh xã hội. Tăng cường đào tạo và tái đào tạo là nhu cầu ngày càng bức thiết trong thời gian tới để chuẩn bị điều kiện, cơ hội và phòng ngừa những rủi ro từ tái cấu trúc cả về kinh tế và xã hội.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân thật sự của tình trạng trì trệ của nền kinh tế hiện nay là bắt nguồn từ khuyết tật của bộ máy, ở chất lượng nguồn nhân lực nói chung và cả từ những con người nắm giữ những vị trí cụ thể. Nói cách khác, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu cả về lao động, quản lý, cũng như nghiên cứu khoa học theo yêu cầu tái cấu trúc kinh tế từ mô hình phát triển bề rộng sang bề sâu. Hơn nữa, trong Ðề án tái cấu trúc nền kinh tế do Chính phủ trình bày, chưa đề cập rõ nét đến vị thế nguồn nhân lực và đây cũng là lý do khiến nhiều đại biểu Quốc hội thẳng thắn nhấn mạnh: "Ðể tái cấu trúc nền kinh tế trước tiên hãy tái cấu trúc đội ngũ quản lý, điều hành nền kinh tế...".
Ở các nước phát triển, cấu trúc lao động đã qua đào tạo thường là 1 - 12 - 24 (tức là ứng với một lao động có trình độ cao đẳng trở lên thì cần có 12 lao động có trình độ trung cấp và 24 công nhân kỹ thuật). Trong khi đó, cấu trúc này ở Việt Nam là 1 - 0,8 - 3,7. Mục tiêu Chính phủ đã đặt ra đến năm 2010, cấu trúc lao động của cả nước phải là 1 - 4 -10 vẫn lỗi hẹn... Tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" vẫn diễn ra phổ biến. Ðào tạo nhiều nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế. Hơn nữa, đội ngũ lao động có trình độ cao lại đang bị già hóa rất nhanh và gây ra sự hụt hẫng lớn giữa các thế hệ. Số công nhân kỹ thuật bậc cao đa phần khoảng tuổi 50. Số tiến sĩ tuổi bình quân là hơn 51; giáo sư có độ tuổi 51 - 70 chiếm tới khoảng 96%. Ðiều đáng ngại là nhiều người có học vị, bằng cấp "đầy mình", nhưng trình độ thật sự và trách nhiệm xã hội rất thấp và ẩn danh dưới các chức vụ quản lý, cũng như ưa dùng "kỹ xảo" làm ra các sản phẩm khoa học "dưới chuẩn" hơn là tâm huyết với sự nghiệp, chuyên môn. Cơ cấu ngành nghề và lao động lạc hậu, khiến hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là sản phẩm thô hoặc có hàm lượng chế biến thấp...
Giải pháp tạo nguồn nhân lực
Nhằm phát triển thị trường lao động chất lượng cao, hỗ trợ thiết thực cho công cuộc tái cấu trúc và phát triển đất nước theo chiều sâu, cần tiến hành tổng điều tra, đánh giá lại nguồn nhân lực nói chung và nhân lực kỹ thuật nói riêng làm cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công nhân kỹ thuật (đặc biệt là bậc cao), cán bộ quản lý khoa học và quản lý doanh nghiệp ..., phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu KT-XH, gắn với yêu cầu thực tế sản xuất và thị trường lao động trong và ngoài nước; phấn đấu thực hiện mỗi năm tăng 2-3% tỷ lệ lao động qua đào tạo, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 65%-70% vào năm 2020. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo bài bản và đổi mới đội ngũ các nhà lãnh đạo và quản lý cao cấp về quản lý nhà nước và doanh nghiệp các cấp có kiến thức liên ngành về quản lý kinh tế, về văn hóa - xã hội, về chuyên môn và trình độ ngoại ngữ, phẩm chất chính trị và khả năng làm việc độc lập, đặc biệt là có bản lĩnh kinh doanh, dày dạn kinh nghiệm thương trường, hiểu biết luật pháp và thông lệ thương mại quốc tế...
Coi trọng phát hiện, bồi dưỡng, thu hút, sử dụng và đãi ngộ đội ngũ trí thức, chuyên gia trình độ cao, các nhân tài, phục vụ cho nhu cầu trong nước và để xuất khẩu, nhất là các chuyên gia đầu ngành về quản lý kinh tế; thiết kế, chế tạo, ứng dụng KH-CN; điện tử viễn thông; công nghệ sinh học; công nghệ thông tin; công nghệ vật liệu mới. Lấy các nhân tài, cán bộ KH-CN, chuyên gia trình độ cao thật sự có năng lực và đạo đức làm cán bộ đầu đàn và tâm điểm tập hợp, phối hợp, đoàn kết và tạo động lực phát triển đội ngũ trí thức và tài năng đất nước; hỗ trợ phát triển các Hiệp hội KH-KT, các câu lạc bộ doanh nghiệp, các Hiệp hội ngành nghề; phát triển hệ thống thông tin và các dịch vụ môi giới và thẩm định lao động nhân lực KH-CN trình độ cao có tổ chức, có uy tín trên phạm vi cả nước.
Ðổi mới, hiện đại hóa nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đào tạo; thúc đẩy chuẩn hóa các chương trình giảng dạy, đào tạo theo nội dung các tiêu chuẩn, giáo trình và thông lệ quốc tế; hiện đại hóa và đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH-CN và GD&ÐT. Nhất là hệ thống các trường đào tạo nghề của Nhà nước hướng vào đào tạo cơ bản, tập trung dài hạn theo hệ chuẩn và những ngành nghề mũi nhọn, công nghệ cao: cơ, kim khí, điện - điện tử, tin học...; khuyến khích các thành phần kinh tế khác đào tạo ngắn hạn; khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tự đào tạo lao động tại cơ sở của mình.
Theo Nhân Dân