Thứ Năm, 3/10/2024
Thế giới
Thứ Hai, 9/7/2012 22:33'(GMT+7)

Tái cấu trúc nền kinh tế: Cần tiếp cận theo quan điểm hệ thống

 I - Báo cáo chính trị tại Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) đã đề ra chủ trương “Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Tạo chuyển biến mạnh về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người” (1).

Sau hơn 10 năm kể từ Đại hội IX, tháng 10-2011, tại Hội nghị Trung ương 3, khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận “yếu kém của nội tại nền kinh tế với mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế lạc hậu, kém hiệu quả, tích tụ, kéo dài từ lâu, chậm được khắc phục” (2).

Vì sao chủ trương đúng đắn đó của Đảng đã triển khai chậm?

Nguyên nhân chủ yếu là từ đầu thiên niên kỷ thứ hai khi nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới của quá trình phát triển thì vấn đề tái cơ cấu kinh tế chưa được đặt đúng tầm quan trọng của nó, nên tư duy phát triển, thể chế, luật pháp, quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp đã không được đổi mới để thích ứng với đòi hỏi cao hơn của kinh tế - xã hội nước ta và hội nhập kinh tế quốc tế.

Không nên đánh giá thấp những thành quả của công cuộc đổi mới đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt đất nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nhưng cũng phải nhìn thẳng vào sự thật, do mô hình tăng trưởng lạc hậu gây ra lãng phí nghiêm trọng việc sử dụng nguồn lực phát triển, dẫn đến hậu quả là tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xã hội thấp, lạm phát cao với tần suất nhanh hơn, đời sống vật chất của tầng lớp thu nhập thấp rất khó khăn. Xin nêu lên một vài dẫn chứng để minh họa cho thực trạng đó.

Cơ cấu tổng sản phẩm trong nước thay đổi chậm chạp trong thời kỳ 2001 - 2005, tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản (KVI) giảm 3,3% (từ 24,3% năm 2001 xuống 20,97% năm 2005), tỷ trọng công nghiệp và xây dựng (KVII) tăng 4,3%  (từ 36,73% lên 41,02%), tỷ trọng dịch vụ (KVIII) giảm 1%. Giai đoạn 2005 - 2010, cơ cấu kinh tế của nước ta không có chuyển biến tích cực, tỷ trọng giữa ba khu vực năm 2010 hầu như không thay đổi so với năm 2005; do vậy có sự khác biệt rõ rệt so với nhiều nước trong khu vực.                                              

Tỷ trọng giữa ba khu vực của một số nước châu Á năm 2009  (%)


KVI

KVII

KVIII

Hàn Quốc

2,6

36,5

60,9

Trung Quốc

10,3

48,3

43,4

Thái Lan

11,6

43,3

45,1

Ma-lai-xi-a

9,5

44,3

46,2

Việt Nam

20,9

40,2

38,9

Trong khu vực công nghiệp, trừ một vài ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh và đi thẳng vào công nghệ hiện đại, như công nghệ thông tin, viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí thì nhiều ngành khác đang tồn tại những vấn đề có liên quan đến định hướng và quy hoạch phát triển.

Công nghiệp ô-tô, sau gần 20 năm, từ khi có dự án liên doanh với nước ngoài đầu tiên vào năm 1993, vẫn dừng lại ở lắp ráp, chủ trương tăng dần tỷ lệ nội địa hóa phụ tùng, linh kiện xem ra không được thực hiện nghiêm túc.

Công nghiệp gang thép được phát triển khá nhanh trong những năm gần đây, nhưng là nước đi sau Việt Nam lại đi vào “vết xe đổ” của các nước công nghiệp hóa trước, đó là những lò cao cổ điển tiêu hao nhiều năng lượng, ô nhiễm môi trường, không có cơ cấu sản phẩm thích ứng với thị trường trong nước và thế giới, tình trạng đầu tư không theo quy hoạch đã làm cho nhiều loại thép phải nhập khẩu thì không có dự án đầu tư, trong khi thép xây dựng dư thừa; năm 2010 nhập siêu của ngành thép là 6 tỉ USD.

Công nghiệp lọc dầu, hóa dầu chậm phát triển mặc dù nước ta đã khai thác và xuất khẩu dầu thô hơn ba thập niên, làm cho phần lớn nguyên liệu được sản xuất từ hóa dầu chủ yếu vẫn phải nhập khẩu, gây hệ quả là tình trạng nhập siêu với tỷ lệ khá cao diễn ra liên tục trong nhiều năm.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng trưởng từ 3,5% - 4,5%, khá cao so với nhiều nước, thỏa mãn nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân, nguyên liệu cho sản xuất và chiếm hơn 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011. Trong hai cuộc suy thoái gần đây, nhờ nông nghiệp mà kinh tế - xã hội nước ta không bị rơi vào khủng hoảng như một số nước khác. Tuy vậy, chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp và nông thôn chậm được đổi mới, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội như điện, đường, trường, trạm ở nhiều tỉnh, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa còn lạc hậu; khoảng cách về trình độ phát triển giữa các khu vực không những không được thu hẹp mà có xu hướng doãng ra. (3)

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng rất nhanh, từ 15,03 tỉ USD năm 2001 lên 32,45 tỉ USD năm 2005 và 72,2 tỉ USD năm 2010, tốc độ tăng bình quân trên 24%/năm, tuy vậy, hiệu quả kinh tế của thương mại quốc tế khá thấp do cơ cấu hàng hóa xuất khẩu thay đổi chậm, nhiều mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực, như quần áo, dày dép... chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng rất thấp.                        

Một nghịch lý ở nước ta là, vốn đầu tư càng nhiều thì tốc độ tăng trưởng kinh tế càng giảm và tỷ lệ lạm phát càng cao do đầu tư kém hiệu quả. Giai đoạn 2001 - 2010, tỷ lệ vốn đầu tư xã hội/GDP là 41% - 42%, vào loại cao nhất thế giới; năm 2001 tổng vốn đầu tư xã hội là 170.496 tỉ đồng thì năm 2010 là 830.278 tỉ đồng, tăng 4,86 lần. Trung bình hằng năm, vốn đầu tư của nước ta (tính theo giá năm 1994) tăng khoảng 15%, năm cao nhất là 2007 - tăng 27%, năm thấp nhất là 2008 - tăng 7,8%, trong khi tốc độ tăng GDP trung bình chỉ hơn 7%/năm, năm cao nhất là 2005 - tăng 8,44% và thấp nhất là năm 2009 - tăng 5,32%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2010 so với tháng 12-2005 là 173,87%; CPI năm 2011 của nước ta cao nhất trong khu vực.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã báo động về tình trạng phát triển kinh tế theo phong trào, bất chấp tín hiệu thị trường, gây lãng phí nghiêm trọng nguồn nhân lực và tài lực. Nước ta hiện có trên 260 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế, 27 khu kinh tế cửa khẩu, 650 cụm công nghiệp với hàng chục vạn héc-ta đất phần lớn được chuyển đổi từ đất nông nghiệp nhưng chỉ khoảng 40% được sử dụng, còn lại vẫn để trống; có 100 cảng biển, 22 cảng hàng không, trong đó có 8 cảng hàng không quốc tế, mặc dù nhiều cảng biển không đủ hàng hóa thông quan, phần lớn cảng hàng không bị lỗ, nhưng một số tỉnh vẫn muốn xây dựng thêm cảng biển, cảng hàng không của địa phương (!). Từ năm 2001 đến năm 2010, cả nước có thêm 233 trường đại học và cao đẳng, nhiều trường đào tạo nghề được “nâng cấp” thành trường cao đẳng, một số chuyên ngành hẹp ra đời đến mức trong kỳ tuyển sinh vừa qua có ngành chỉ có một thí sinh, có trường chỉ tuyển được vài chục học sinh kể cả nguyện vọng ba, dẫn đến nguy cơ một số trường đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng cơ sở vật chất sẽ phải đóng cửa và tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn chưa được giải quyết.

Những năm cuối của thế kỷ trước và đầu thập niên vừa qua đã nở rộ phong trào thành lập các ngân hàng thương mại, từ 4 ngân hàng quốc doanh ban đầu đã tăng lên gần 100 ngân hàng và tổ chức tín dụng, trong đó, các ngân hàng trong nước phần lớn là nhỏ, không có đủ vốn điều lệ, cơ sở vật chất, cán bộ quản trị và chuyên gia. Hầu hết các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân đều có ngân hàng, bảo hiểm riêng, huy động tiền gửi của dân, đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ sản xuất, dịch vụ đến bất động sản, tạo nên một quy trình khép kín của từng hệ thống, làm cho các cơ quan nhà nước không thể giám sát được, thiếu công khai minh bạch, là những tiềm ẩn bất ổn đối với kinh tế - xã hội của đất nước.

Giữa thập niên đầu thế kỷ XXI, khi thị trường chứng khoán mới ra đời, do cung ít cầu nhiều nên giá phần lớn cổ phiếu niêm yết tăng đột biến. Hàng chục công ty chứng khoán được thành lập bất chấp quy mô thị trường còn khá nhỏ bé; khi thị trường xuống dốc trong vài năm gần đây nhiều người dân mất tiền, hàng chục công ty chứng khoán đóng cửa, nghề môi giới chứng khoán từng “danh giá” một thời nay trở thành nghề có tỷ lệ mất việc làm cao nhất.

Bài học đắt giá về sự yếu kém của hệ thống ngân hàng ở Mỹ và châu Âu trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới dẫn đến sự phản kháng của người dân bằng phong trào "Chiếm phố Wall" từ ngày 17-9-2011, đang lan ra một số nước khác như Đức, Anh, Nhật Bản... là hiện tượng chưa từng có trên thế giới và cũng khó dự báo sẽ diễn ra theo kịch bản nào. Hiện tượng này đáng để chúng ta suy ngẫm về những gì mà hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán nước ta đang đối mặt, cũng như hậu quả khó lường trước nếu không được “giải cứu” kịp thời.

II - Theo quan điểm hệ thống, cần thiết kế mô hình tăng trưởng mới dựa trên lý thuyết phát triển hiện đại và đòi hỏi của đất nước khi đã vượt qua ngưỡng nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp) với các cấu thành của nó, nhằm khắc phục những nhược điểm của cấu trúc nền kinh tế hiện tại.

Chủ trương năm 2012 và những năm tiếp theo lấy kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội làm nhiệm vụ trung tâm là đúng đắn, nhưng nếu chỉ tập trung tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc đầu tư, nhất là đầu tư công và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà chưa thiết kế mô hình tăng trưởng mới thì liệu có đạt được kết quả không ?

Đây là quan hệ biện chứng giữa tổng thể và bộ phận, giữa cấu trúc nền kinh tế và cấu trúc thành phần, giữa cái chung và cái riêng. Nếu chưa giải quyết vấn đề theo quan điểm hệ thống thì trên từng bước tiến lên sẽ khó tránh khỏi vấp váp, dẫn đến trong khi sửa chữa, thậm chí đổi mới cấu trúc thành phần không những không có tác động tích cực mà còn tạo thêm nhược điểm mới đối với cả hệ thống.

Lý thuyết tăng trưởng mới đi tìm mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa trên ý tưởng và tính sáng tạo, thay cho tăng trưởng dựa chủ yếu vào thâm dụng vốn, nguồn nhân lực và tài nguyên, bởi vì trong thế giới hiện đại ý tưởng và sáng tạo trở thành nguồn lực vô tận, trong khi tài nguyên, đất đai, vốn đầu tư lại có giới hạn. Theo đó, giáo dục là điều kiện hàng đầu để hấp thụ và sáng tạo ý tưởng mới; không có một nền giáo dục có chất lượng cao thì khó có thể có nguồn nhân lực đầy sức sáng tạo. Du nhập công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D) là nhân tố quan trọng gắn bó hữu cơ với giáo dục và đào tạo. Môi trường dân chủ thực chất với hành lang pháp lý được thiết chế theo tư duy “lấy dân làm gốc” là điều kiện để khơi dậy ý tưởng mới và tính sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học và công nghệ.

Lý thuyết tăng trưởng mới quan tâm đến vai trò của kinh tế quy mô làm cho thị trường được mở rộng nhanh chóng và làm cho tích tụ để tái sản xuất mở rộng của doanh nghiệp càng có ý nghĩa. Điều đó đòi hỏi phải có sự lựa chọn trên cơ sở lợi ích dân tộc để tập trung phát triển một số ngành kinh tế mà từng quốc gia có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới, không thể và không nên phát triển tràn lan, nhất là theo phong trào, bởi vì quy mô của từng ngành kinh tế càng đủ lớn thì năng lực cạnh tranh càng gia tăng, càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và nhà phân phối. Hầu hết sự khác biệt trong tốc độ tăng trưởng toàn diện được giải thích bằng hiệu suất khác nhau giữa các ngành công nghiệp. “Nếu không có kinh tế quy mô, các nước có thu nhập trung bình ở Đông Á sẽ gặp phải trở ngại lớn trong việc giữ tốc độ tăng trưởng ấn tượng của họ”.(4)

Lý thuyết tăng trưởng mới cho rằng, các nước có thu nhập trung bình phải trải qua ba giai đoạn phát triển: thứ nhất, đa dạng hóa sản phẩm giảm dần, chuyên nghiệp hóa sản phẩm và nguồn nhân lực tăng lên; thứ hai, đầu tư sẽ kém quan trọng hơn là tính sáng tạo; thứ ba, giáo dục chuyển từ trang bị cho người lao động kỹ năng để có thể sử dụng công nghệ mới sang sáng tạo ra ý tưởng và sản phẩm mới.

Khi bàn đến mô hình tăng trưởng mới của nước ta trong giai đoạn 2011 - 2020, cần dựa trên lý thuyết tăng trưởng mới. Các vấn đề sau đây cần được lưu ý:

- Chính sách kinh tế vĩ mô cần được đổi mới có hệ thống theo định hướng của mô hình tăng trưởng dựa trên ý tưởng và sáng tạo, gia tăng tỷ trọng vốn đầu tư cho nguồn nhân lực, thiết lập các hạ tầng kỹ thuật hiện đại, phù hợp với nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế chuyên môn hóa có giá trị gia tăng cao, tạo ra năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của quốc gia trên thị trường thế giới. Các chính sách đầu tư, thuế, tín dụng, lãi suất, tỷ giá phải được thay đổi cơ bản để bảo đảm tính hệ thống, công khai, minh bạch, dễ dự đoán.

- Chính sách khoa học và công nghệ cần đổi mới nhanh hơn để vừa du nhập và sử dụng có hiệu quả công nghệ nước ngoài trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh của nước ta, vừa coi trọng hoạt động nghiên cứu và phát triển gắn với  kinh doanh để mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cao hơn.

- Quyền sở hữu trí tuệ cần được quan tâm hơn vì các ý tưởng và sáng tạo đã trở thành nguồn vốn quan trọng nhất, thay thế đất đai, năng lượng và tài nguyên (khoảng 3/4 giá trị các công ty mua bán tại Mỹ có nguồn gốc từ các tài sản vô hình gắn với quyền sở hữu trí tuệ).

- Hoàn thiện thị trường, nhất là thị trường vốn, tiền tệ, thị trường khoa học và công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ phát triển. Tái cấu trúc ngân hàng cần được đặt trong tổng thể hệ thống mô hình tăng trưởng mới và định hướng hoàn thiện thị trường vốn, tiền tệ thì mới góp phần phục vụ và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

- Các chỉ tiêu kinh tế phải được đổi mới theo yêu cầu của mô hình tăng trưởng dựa trên ý tưởng và sáng tạo. GDP là chỉ tiêu tổng hợp của nền kinh tế, nhưng chưa phản ánh đầy đủ chất lượng tăng trưởng, vì vậy phải có hệ thống chỉ tiêu chất lượng, như năng suất lao động tổng hợp, giá trị gia tăng, chỉ tiêu về vốn con người, hiệu suất đa nhân tố (MFP) để chỉ tăng trưởng MFP/năm của từng ngành công nghiệp, chỉ tiêu năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của địa phương, của quốc gia…

- Quản lý kinh tế của nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong thời đại ngày nay, khi thị trường đã thâm nhập vào đời sống của con người, tình cảm, nhận thức của cá nhân, cũng như sự phân bố nguồn lực và các lợi ích của mỗi quốc gia thì không còn câu chuyện “thị trường yếu, nhà nước mạnh” hoặc ngược lại, bởi vì muốn quốc gia trở nên hùng mạnh thì cần có thị trường phát triển với các doanh nghiệp đủ sức vươn ra khu vực và thế giới, được quản lý bằng nhà nước có hiệu năng. Tuy vậy, thực tế ở nước ta cũng như nhiều nước Đông Á đã chỉ ra rằng, quy mô của chính phủ trong nền kinh tế có thể kìm hãm tăng trưởng một khi nó trở nên quá lớn. Vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công cần được đặt trong tổng thể mô hình tăng trưởng dựa trên ý tưởng và sáng tạo thì mới giải được bài toán cổ điển này ở nước ta.

Ngoài ra, mô hình tăng trưởng mới cũng cần quan tâm đến các vấn đề xã hội, sự chênh lệch thu nhập và địa vị xã hội của các nhóm dân cư, giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng trong nước, nhất là các thành phố lớn có thu nhập cao với vùng sâu, vùng xa đang còn nghèo, các chính sách xã hội đối với nhóm dân cư yếu thế, những vùng chịu ảnh hưởng thường xuyên do biến đổi khí hậu.

III - Khi đã đạt được đồng thuận về sự cần thiết tái cấu trúc nền kinh tế thì vấn đề đặt ra là, bằng cách nào và làm gì để có được mô hình tăng trưởng mới ?

Để tìm được câu trả lời đúng, cần xuất phát từ bài học kinh nghiệm của quá trình trước, trong và sau Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), để vận dụng vào hoàn cảnh hiện nay của đất nước, bởi vì có thể coi việc chuyển hướng theo mô hình tăng trưởng mới là công cuộc đổi mới lần thứ hai ở nước ta. 

Tại Đại hội VI của Đảng, trong Diễn văn khai mạc, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói: “Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa… Muốn thế phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời, dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và bản thân mỗi người chúng ta”.

Công cuộc đổi mới vào lúc đó được bắt đầu từ đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển theo kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp, kém hiệu quả sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là quá trình kết hợp ba yếu tố: (1) Tình hình kinh tế - xã hội trì trệ, khủng hoảng buộc nhiều địa phương phải “phá rào” thực hiện một số chủ trương trái với quy định của Trung ương, điển hình là tỉnh Long An “bù giá vào lương, bán hàng theo giá thị trường”, tỉnh An Giang “mua nông sản của nông dân không theo giá nghĩa vụ, mà sát giá thị trường; bán hàng công nghiệp theo giá thị trường”. Một số đơn vị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp “phá rào” cơ chế cũ để sản xuất và kinh doanh theo cơ chế thị trường “tự do”; (2) Thất bại của các cuộc cải cách “giá - lương - tiền” từ năm 1976 và lần cuối cùng vào tháng 10-1985 với việc tiến hành đổi tiền, nâng lương, điều chỉnh giá cả đã gây ra rối loạn kinh tế, bất ổn xã hội và sự thành công của chủ trương “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong nông nghiệp”, “kế hoạch hóa ba phần trong công nghiệp”; (3) Quyết tâm chính trị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khi đó trong việc từ bỏ cơ chế cũ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người, thừa nhận sai lầm về đường lối, chính sách (một điều gần như bị cấm kỵ trước đó), để dứt khoát đoạn tuyệt với nó.

Đó là quá trình kết hợp sáng kiến của cấp cơ sở và địa phương với thành công và thất bại của các cuộc cải cách để hình thành quyết tâm chính trị của cơ quan quyền lực cao nhất trong quá trình thai nghén, hình thành và thực hiện chủ trương đổi mới.

Những ai đã trải nghiệm giai đoạn quan trọng này của đất nước đều nhớ lại không khí thật sự dân chủ trong các cuộc hội thảo để tìm ra con đường mới và để tiến lên theo con đường đó. Nhiều cuộc hội thảo do Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, khá đông các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ đã tham dự, nghe, đặt câu hỏi để các chuyên gia kinh tế tranh luận, có khi rất gay gắt nhằm tìm được tiếng nói đồng thuận. Chính từ các cuộc hội thảo như vậy dần hình thành tư duy đổi mới và trở thành tư tưởng chỉ đạo công cuộc đổi mới.

Khi biết Việt Nam chuyển hướng theo kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì các định chế tài chính quốc tế (IMF, WB, ADB), một số trường đại học và viện nghiên cứu của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, ASEAN tìm đến nước ta, bằng các khoản tài trợ, cử chuyên gia có năng lực, tiếp cận với những cơ quan, tổ chức trong nước, thực hiện một số nghiên cứu và tổ chức hội thảo khoa học rất bổ ích đối với cán bộ lãnh đạo cấp cao và chuyên gia kinh tế Việt Nam. Đến nay một số giáo sư nước ngoài vẫn giữ được mối quan hệ hợp tác, trở thành các chuyên gia hàng đầu về Việt Nam.

Đó là phương thức hữu hiệu để khai thác, tập hợp trí tuệ của người Việt Nam ở trong nước, ở ngoài nước, cộng với trí tuệ của chuyên gia quốc tế để hình thành và từng bước hoàn thiện chủ trương đổi mới.

Một số phương thức ra quyết định của Đảng và Chính phủ trong giai đoạn này cũng rất đáng trân trọng. Vào thời kỳ đó, hầu như các nhà lãnh đạo và chuyên gia kinh tế nước ta chưa đủ kiến thức về kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nên đã chịu khó học hỏi và thực sự cầu thị trong việc hợp tác với các chuyên gia nước ngoài. Để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000, Tiểu ban xây dựng chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương đã “đặt hàng” cho 6 tổ chức (Viện Chiến lược và Chính sách thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Kinh tế Trung ương, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Trường Đại học Kinh tế Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) nghiên cứu độc lập hình thành sáu dự thảo đề án, trình Bộ Chính trị để từ đó biên soạn văn kiện chính thức đưa ra Trung ương và lấy ý kiến của các cấp, ngành, chuyên gia trong nước và nước ngoài trước khi ra quyết định.

Phương thức làm việc khoa học là yếu tố quyết định hình thành các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước có chất lượng cao.

Từ những nội dung đã trình bày trên đây, xin nêu ra một số kiến nghị từ việc vận dụng bài học kinh nghiệm của Đại hội VI thích ứng với tình hình đất nước hiện nay:

(1) Tiếp cận tư duy phát triển hiện đại từ những nhà lãnh đạo cấp cao từ Trung ương đến lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp để thấy được tính cấp bách của đổi mới tư duy về mô hình tăng trưởng, tạo tiền đề cho việc thống nhất hành động của hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và doanh nghiệp;

(2) Từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa XI về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cần thành lập Tiểu ban chỉ đạo việc nghiên cứu mô hình tăng trưởng mới để đề ra kế hoạch thực hiện, hệ thống giải pháp cải cách toàn diện thể chế, chính sách, luật pháp, phương thức quản lý nhà nước thích ứng với mô hình đó;

(3) Giao cho một số viện, trường đại học nghiên cứu các phương án độc lập trình Bộ Chính trị tham khảo để chọn phương án tối ưu, hoặc rút tỉa các yếu tố tối ưu của từng phương án để hình thành phương án chính thức về mô hình tăng trưởng mới và hệ thống giải pháp thực hiện;

(4) Ban Bí thư chủ trì một số hội thảo khoa học trên tinh thần thật sự dân chủ, khuyến khích tranh luận với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và Việt kiều, khi cần có thể tham vấn các tổ chức và chuyên gia quốc tế nhằm tìm được lời giải đúng cho bài toán mô hình tăng trưởng./.

---------------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 90

(2) Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 35

(4) Đông Á phục hưng, ý tưởng phát triển kinh tế, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 21

GS, TSKH Nguyễn Mại

Nguồn: TCCS
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất