Thứ Năm, 21/11/2024
Xã hội
Thứ Năm, 25/7/2013 10:46'(GMT+7)

Tấm lòng của đồng chí Nguyễn Văn Linh với thương binh, liệt sỹ và người có công

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm gia đình ông Hà Văn Sang ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, có ba người con hy sinh trong kháng chiến (ngày 11/5/1990)

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm gia đình ông Hà Văn Sang ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, có ba người con hy sinh trong kháng chiến (ngày 11/5/1990)

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, còn gọi là Mười Cúc (1/7/1915 - 27/4/1998), sinh tại Hà Nội, quê gốc làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Xuất thân trong một gia đình yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, thấu hiểu cảnh đau khổ của đất nước lầm than, nô lệ, đồng chí đã tham gia phong trào Học sinh đoàn của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên  từ khi còn rất trẻ (năm 1929).

Hơn 70 năm hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có một cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt và phong phú, trải rộng trên cả ba miền của đất nước, gắn liền với những chặng đường cam go, gian khổ, hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Dù ở trong hoàn cảnh nào, nhiệm vụ gì, đồng chí cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, luôn luôn trau dồi kiến thức và lắng nghe ý kiến của đồng bào, đồng chí, quan tâm tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ và góp phần xây dựng các quan điểm, đường lối của Đảng. Là một người cộng sản kiên cường, bất khuất, một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn khắc sâu trong tâm khảm và nghiêm cẩn thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Khi còn công tác tại các chiến trường ác liệt cũng như lúc được giao trọng trách lớn lao - Bí thư Thành uỷ Sài Gòn, rồi Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, bao giờ đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đặc biệt quan tâm và thể hiện sự thành kính, tri ân sâu nặng đối với các anh hùng, liệt sỹ, thương binh: "Chúng ta kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, của biết bao thế hệ các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh, đem lại cho đất nước thắng lợi vẻ vang ngày hôm nay"[1].

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, song hậu quả của cuộc chiến tranh để lại thật nặng nề. Gánh vác trách nhiệm người đứng đầu Đảng bộ thành phố Sài Gòn, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo cùng lúc phải đối diện, giải quyết nhiều vấn đề cấp bách về đời sống như việc làm, tiền lương, y tế, giáo dục, đất đai… Không chỉ bằng lời nói, đồng chí đã quan tâm, chăm lo tới thương binh, liệt sỹ và người có công bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực; chỉ đạo, đôn đốc công tác chăm lo xây nhà ở cho cán bộ, nhân dân, nhất là cho các đối tượng chính sách để họ "an cư" mà "lạc nghiệp". Tại một cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng do đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì, sau khi nghe báo cáo tình hình nhà đất, kiến nghị của đơn vị tham mưu về chủ trương, giải pháp tổ chức thực hiện chiến lược về nhà ở, trong khi có ý kiến bác bỏ đề nghị chủ trương cho phép và khuyến khích các thành phần kinh tế xây cất nhà để ở, để cho thuê và bán, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã xác định “nhà ở là nhu cầu thiết yếu của đời sống… Tôi đồng ý với chủ trương cho thực hiện xây cất nhà mới để từng bước thỏa mãn nhu cầu của cán bộ, công nhân viên, chớ nguồn nhà đâu mà có để phân phối hoài, chú ý lo nhà cho đối tượng chính sách, nhà cho y tế, giáo viên, công nhân"[2]. Được sự đồng tình về chủ trương của đồng chí, chỉ trong hai năm, thành phố đã xây mới, giải quyết cho 10 nghìn đến 15 nghìn hộ có nhu cầu về nhà ở, đáp ứng nhu cầu, tâm tư và nguyện vọng của nhân dân.

Một trong những vấn đề quan trọng được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI là vấn đề chính sách, bao gồm chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội, chính sách đối với quân nhân tại ngũ cũng như đối với những người nghỉ hưu, giải ngũ, người có công. Tổng Bí thư kiêm Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương Nguyễn Văn Linh coi đây là vấn đề cần phải giải quyết kịp thời và đã giao cho Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Hội đồng Bộ trưởng cùng Tổng cục Chính trị làm việc với bí thư các tỉnh ủy, thành ủy bàn biện pháp giải quyết. Trên cơ sở đó, tháng 4/1988, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị "Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội". Tiếp đó, tháng 5/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị "Thực hiện một số chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội". Chỉ thị lưu ý đối tượng bộ đội tình nguyện, đồng thời mở cuộc vận động chính trị lớn trong cả nước thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội và củng cố quốc phòng. Để cụ thể hoá quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước ta cũng đã ban hành, bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật ưu đãi đối với người có công, khắc phục một số bất hợp lý, giải quyết một khối lượng lớn công việc do hậu quả của chiến tranh để lại, dần dần hình thành một hệ thống văn bản pháp quy có hiệu lực thực hiện thống nhất trong cả nước theo hướng giải quyết công ăn việc làm, ổn định đời sống, chăm sóc con em, bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn; ưu tiên, ưu đãi chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ trong khi thực hiện các chính sách kinh tế, văn hoá, xã hội của Đảng và Nhà nước; đảm bảo đời sống cho những người có công với đất nước và cách mạng; bồi dưỡng và tạo điều kiện cho con em người có công với cách mạng tiếp nối sự nghiệp của cha anh... Nhờ thực hiện tốt vấn đề này, đời sống các đối tượng chính sách được cải thiện, tạo điều kiện ổn định cuộc sống trong hòa bình, cán bộ và chiến sĩ phấn khởi càng quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó.

Trong báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá VI về các văn kiện Đại hội VII - Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội - do đồng chí chủ trì xây dựng dự thảo cũng xác định rất rõ: "Ở mỗi nước, mỗi trình độ phát triển đều có những vấn đề xã hội khác nhau cần giải quyết. Ở nước ta, khi bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, có hàng loạt vấn đề xã hội đặt ra mà vấn đề nào cũng cấp bách… Phải có thời gian để giải quyết từng bước, cùng với đà phát triển kinh tế. Cần huy động mọi khả năng của Nhà nước và của nhân dân, Trung ương và địa phương để cùng nhau giải quyết các vấn đề của chính sách xã hội. Xây dựng các quỹ bảo hiểm xã hội của nhân dân trong tất cả các thành phần kinh tế; phát triển các hiệp hội từ thiện nhân đạo để phát huy truyền thống nhân ái, tương trợ lẫn nhau của dân tộc ta, đồng thời hỗ trợ Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề xã hội"[3]. Đồng chí đã ủng hộ chủ trương về quy mô và kinh phí xây Đền tưởng niệm liệt sỹ tại Bến Được để “thờ đồng bào, đồng chí và chiến sĩ đã hy sinh" và ngày nay, Đền Bến Được - thờ các vị tiền hiền, anh hùng và gần 50 nghìn liệt sỹ đã là một điểm đến tâm linh quen thuộc của biết bao người, không chỉ người dân thành phố Hồ Chí Minh mà với bất cứ ai mỗi khi có dịp về Củ Chi đất thép thành đồng. Ở đây, hình ảnh và bút tích của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh còn in trang trọng trong cuốn Kỷ yếu Đền Bến Được...

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã kể lại câu chuyện rất cảm động mà các cán bộ lão thành quê hương đồng chí (Nghệ An) còn nhắc mãi đến ngày nay. Đó là "có thời kỳ anh Linh về hoạt động ở Vinh và thường lui tới cơ sở ở Hưng Dũng. Một sáng tinh mơ anh trở về Vinh qua cánh đồng xã thì bị lính tuần đuổi bắt. Có thể bọn lính tuần mới nghi chứ chưa biết anh là ai. Lúc bấy giờ trên cánh đồng có một anh nông dân đi cày sớm. Thấy có người chạy và lính tuần đuổi một quãng thì bắt được anh. Chúng đưa về đồn tra khảo. Nhớ đến lời hô hoán của người nông dân, anh một mực khai, tôi đói quá định trộm ít khoai. Khám trong người anh không gì đáng nghi bọn lính tuần thả anh ra, không đưa sang Sở Liêm phóng. Thế là anh thoát. Nhưng anh nông dân nọ (tên Khang) là một đảng viên. Khi biết anh Linh bị bắt, chi bộ họp kiểm điểm anh Khang và cho rằng do anh Khang hô mà bọn lính tuần bắt được anh Linh, nên quyết định khai trừ anh ra khỏi Đảng. Lúc bấy giờ anh Linh đã được thả và đã rời Vinh vào miền Nam. Bị oan ức nhưng trình bày cách nào chi bộ cũng không chịu nghe, lại không có ai thanh minh giúp nên anh Khang mang mãi nỗi oan suốt mấy chục năm trời"[4]. Sau khi làm Tổng Bí thư, nhân một hôm về thăm cơ sở cũ, biết được hoàn cảnh của anh Khang, đồng chí Nguyễn Văn Linh không chỉ minh oan, đề nghị phục hồi đảng tịch cho anh Khang mà còn nhờ Đảng uỷ xã gửi lời cảm ơn cùng với một món quà nhỏ”[5].

Quan tâm chỉ đạo và nghiêm túc thực hiện chăm lo, phụng dưỡng thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng với những tình cảm chân thành và tư duy sáng tạo, khoa học, đồng chí Nguyễn Văn Linh xứng đáng là một tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa, góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát, giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống cho những người đã vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc mà không tiếc máu xương.  

Hoàng Thị Thanh Mai

--------------

[1] Nguyễn Văn Linh: Mãi mãi đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, Nxb CTQG, Hà Nội, 2010, tr.65-66.

[2, 4, 5] Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.294, 100, 102.
 
[3] Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nxb Sự thật, Hà Nội,1991, t.4, tr.151-188.
 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất