PGS, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, do số lượng người bệnh đến khám và điều trị tăng, các bác sĩ đã phải làm việc căng sức để bảo đảm khám, chữa bệnh tốt nhất cho người bệnh. Do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nên bệnh viện đã tạo điều kiện cho người bệnh và người nhà người bệnh được mang thêm chăn ấm vào viện. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tăng cường máy sưởi tại các buồng bệnh, nơi khám bệnh và hệ thống nước ấm cho người bệnh dùng. Ðặc biệt, các suất ăn trong bệnh viện được phục vụ tận buồng bệnh, thức ăn đủ ấm và bảo đảm dinh dưỡng.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nhiều đợt, từ ngày 5 đến ngày 8-1, tại các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn nhiệt độ luôn ở mức dao động từ 5 đến 7oC, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân. Vì vậy, tại các bệnh viện, số lượng người bệnh đến khám và điều trị các bệnh do ảnh hưởng của thời tiết lạnh có chiều hướng tăng nhanh. Giám đốc Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Ðoàn Thế Mỹ cho biết: Bệnh viện đã quán triệt trách nhiệm đối với đội ngũ y bác sĩ trực tiếp phục vụ người bệnh khẩn trương, tận tình, đặc biệt đối với các bệnh nhân cấp cứu, người già, trẻ em, sản phụ; tăng cường cán bộ cho các khoa, không để người bệnh chờ đợi lâu. Tại các khoa điều trị nội trú và khu vực khám bệnh đều được che chắn gió lùa, bổ sung chăn đệm, bảo đảm hoạt động các máy điều hòa nhiệt độ tại các phòng đẻ, phòng thủ thuật, phòng mổ, phòng điều trị bệnh nhân nặng và cấp cứu... cung cấp thức ăn, nước uống nóng cho người bệnh điều trị nội trú. Bệnh viện còn phối hợp Hội Chữ thập đỏ TP Lạng Sơn tổ chức phát cháo tình thương cho những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Tại Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của các đợt rét đậm, rét hại, những ngày gần đây, Ban giám đốc bệnh viện cũng đã triển khai nhiều biện pháp: trang bị thêm lò sưởi cho các phòng điều trị, nhất là sản phụ, giữ ấm cho trẻ sơ sinh, người già mắc các bệnh tim mạch... Ngoài ra, trung tâm cũng đã cử cán bộ đến kiểm tra, giám sát công tác khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở, nhất là những xã đặc biệt khó khăn ở những vùng sâu, vùng biên giới, tuyệt đối không để người bệnh không được điều trị kịp thời trong những ngày giá rét.
Ðợt rét kéo dài đang hoành hành đã không gây nhiều hậu quả, do người dân tỉnh Cao Bằng đã tích cực triển khai các biện pháp phòng tránh rét. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng, tính từ đầu năm 2013 có hơn 1.000 lượt người bệnh đến khám, chữa bệnh, hiện còn gần 300 người bệnh đang điều trị nội trú. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hiển, Giám đốc bệnh viện, nhìn chung số lượng người bệnh không có sự gia tăng đột biến, thậm chí còn giảm hơn so với đợt cao điểm năm trước.
Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa số 1 Lào Cai, thời tiết lạnh kéo dài khiến nhiều trẻ em nhập viện, bệnh viện hiện có 112 trẻ trong độ tuổi từ một đến 10 đang nằm điều trị viêm phổi, viêm phế quản, hen, sốt vi-rút... trong khi Khoa Nhi chỉ có 55 giường bệnh. Ðể chống rét cho người bệnh, bệnh viện bố trí thêm quạt và đèn sưởi bằng điện; bổ sung chăn, đệm; đóng kín các phòng điều trị của người bệnh...
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư, trong những ngày rét quan trọng hàng đầu là giữ ấm cho trẻ. Tại gia đình, nếu có điều kiện thì có thể giữ ấm cho trẻ bằng cách dùng điều hòa hai chiều hoặc lò sưởi. Tránh sưởi ấm bằng cách dùng lò than hoặc bếp than ủ trong phòng kín vì sẽ ngộ độc khí CO, gây nguy hiểm tính mạng. Trong trường hợp phải đưa trẻ nhỏ ra ngoài khi trời lạnh giá thì cần chú ý giữ ấm mặt, cổ, ngực bằng cách đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm cho trẻ khi ra đường. Có thể giữ ấm thêm bằng cách sử dụng những túi chườm nóng, cho trẻ mặc áo mưa...
Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; uống nước ấm để tránh viêm họng. Thường xuyên vệ sinh mũi họng, làm thông thoáng đường thở cho trẻ bằng cách nhỏ nước muối sinh lý hằng ngày. Bên cạnh đó, nên tiêm chủng đầy đủ cho trẻ. Khi thấy trẻ có triệu chứng: sốt, ho, khó thở, đau ngực, nôn, đau đầu... cần đưa ngay tới cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Các bậc cha mẹ tuyệt đối không được tự điều trị cho trẻ.