Hiện nay, các trường đại học (ÐH) trên cả nước bắt đầu bước vào giai
đoạn tuyển sinh năm 2018 với hơn 455 nghìn chỉ tiêu. Mặc dù, phần lớn
các trường đều đưa ra các thông tin hấp dẫn để thu hút thí sinh nhưng
điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của một số trường cũng là vấn đề
đang được đặt ra trong việc nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), năm 2018, có hơn 688 nghìn
thí sinh đăng ký xét tuyển sinh với tổng số hơn 2,7 triệu nguyện vọng
vào các trường. Trong đó, thí sinh đăng ký xét tuyển các môn theo tổ hợp
truyền thống vẫn chiếm số lượng lớn như: Toán, Vật lý, Hóa học có hơn
848 nghìn nguyện vọng; Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán hơn 743 nghìn nguyện
vọng; Ngữ văn, Lịch sử, Ðịa lý gần 280 nghìn nguyện vọng… Cả nước có hơn
455 nghìn chỉ tiêu vào các trường ÐH và cao đẳng khối ngành sư phạm;
trong đó có hơn 344 nghìn chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT
quốc gia. Theo quy định, để thực hiện tuyển sinh, đào tạo hiệu quả, các
trường cần thực hiện tốt các điều kiện bảo đảm chất lượng về cơ sở vật
chất, diện tích sàn xây dựng/sinh viên; bảo đảm đội ngũ giảng viên, tỷ
lệ sinh viên/giảng viên đúng quy định. Trước khi bước vào tuyển sinh,
nhiều trường ÐH chuẩn bị tốt các điều kiện bảo đảm chất lượng phục vụ
đào tạo...
Theo PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và
ÐT), thực tế kiểm tra thời điểm tháng 5-2018, nhiều trường có những điểm
mạnh về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, có nhiều nỗ lực triển khai
công tác chuyên môn, từng bước xây dựng văn hóa chất lượng bên trong nhà
trường. Ðiển hình, các trường ÐH: Võ Trường Toản (Hậu Giang), Ngân hàng
TP Hồ Chí Minh, Kinh tế quốc dân, Công nghệ Ðồng Nai và Bách khoa TP Hồ
Chí Minh…, đã quan tâm việc đầu tư xây dựng giảng đường, phòng thí
nghiệm, thực hành, khuôn viên, ký túc xá khang trang, phục vụ tốt cho
sinh viên; thư viện hiện đại với tài liệu, học liệu tương đối phong phú,
đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu, thực hành của giảng viên và sinh
viên. Tại Trường ÐH Kinh tế quốc dân, theo Phó Hiệu trưởng Phùng Thị Vân
Hoa, toàn trường bảo đảm cơ sở vật chất hiện đại với diện tích sàn xây
dựng trực tiếp phục vụ đào tạo như giảng đường, phòng đa năng, thư viện,
trung tâm học liệu, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, cơ sở thực
hành… trung bình đạt gần 5m2/sinh viên. Trường cũng có hơn 134 nghìn ấn
phẩm, tài liệu các loại phục vụ đào tạo, nghiên cứu. Ðáng chú ý, đội ngũ
giảng viên cơ hữu của trường khá đông đảo với tổng số 811 giảng viên cơ
hữu, trong đó có 16 giáo sư, 130 phó giáo sư và 198 tiến sĩ.
Ðáng chú ý, công tác kiểm định chất lượng được nhiều trường triển
khai. Ðến tháng 5-2018, cả nước có 90 cơ sở giáo dục đại học được công
nhận bởi tổ chức kiểm định trong nước, năm cơ sở giáo dục đại học được
công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Cấp cao về đánh giá
nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và Mạng lưới bảo đảm chất
lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA). Bên cạnh đó, có 112 chương
trình đào tạo đại học đã được đánh giá và công nhận, trong đó có tám
chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 104 chương trình đào
tạo được đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài và công nhận bởi các tổ
chức kiểm định quốc tế (76 chương trình được đánh giá bởi AUN-QA, 16
chương trình đánh giá theo chuẩn của Ủy ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI), hai
chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công
nghệ Hoa Kỳ (ABET), sáu chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng
Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ
(ACBSP). Ðiển hình, Trường ÐH Bách khoa (ÐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) là
cơ sở giáo dục đại học dẫn đầu cả nước về công tác kiểm định chất lượng
giáo dục, được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của hai tổ
chức quốc tế (HCERES và AUN-QA); trường có 23 chương trình đào tạo đã
được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực…
Tuy nhiên, thực tế không phải trường ÐH nào cũng thực hiện tốt các
điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Cũng theo PGS, TS Mai Văn Trinh,
quá trình kiểm tra của Bộ GD và ÐT tháng 5-2018 cho thấy, các điều kiện
bảo đảm chất lượng đào tạo của một số trường còn hạn chế như diện tích
xây dựng theo quy định năm 2018 phải bảo đảm 2,8 m2/sinh viên nhưng
Trường ÐH Tài chính – Marketing (TP Hồ Chí Minh) mới đạt 2,35 m2/sinh
viên; Trường ÐH Phan Châu Trinh đạt 2,3 m2/ sinh viên; Trường ÐH Tài
chính Ngân hàng Hà Nội diện tích xây dựng chỉ đạt 0,97 m2/ sinh viên.
Trong khi đó, về tiêu chí tỷ lệ đội ngũ giảng viên của nhiều trường cũng
chưa bảo đảm. Ðiển hình như Trường ÐH Công nghệ Ðồng Nai khối ngành VI
tỷ lệ sinh viên/giảng viên là 15,62 (quy định là 15), khối ngành VII là
28,81 sinh viên/giảng viên (quy định là 25). Trường ÐH Duy Tân khối
ngành VII có tỷ lệ 28,76 sinh viên/giảng viên (quy định là 25). Trường
ÐH Kiến trúc Ðà Nẵng tỷ lệ sinh viên/giảng viên dự kiến năm 2018 của
khối ngành II là 23,05 trong khi quy định là 10; khối ngành V là 20,64
(quy định là 20); khối ngành VII là 31 (quy định là 25).Trường ÐH Sư
phạm (ÐH Ðà Nẵng) tỷ lệ sinh viên/giảng viên dự kiến năm 2018 của khối
ngành V là 21,11 (quy định là 20); khối ngành VII là 25,91(quy định là
25)…
Có thể nói, để một cơ sở có chất lượng đào tạo tốt, trước hết cần đáp
ứng yêu cầu về các điều kiện bảo đảm chất lượng. Với những trường chưa
bảo đảm quy định về diện tích sàn xây dựng/sinh viên và tỷ lệ sinh
viên/giảng viên, Bộ GD và ÐT yêu cầu thực hiện đúng theo quy định về
việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Theo một số chuyên gia giáo dục, điều
kiện cơ sở vật chất hạn chế, chất lượng đội ngũ thấp, tỷ lệ sinh
viên/giảng viên quá cao, thầy dạy không thể nhớ nổi học trò trong lớp
thì giáo dục ÐH chỉ như là phổ thông cấp bốn... Vì vậy, toàn ngành giáo
dục tiến hành rà soát quy hoạch mạng lưới các trường ÐH trên toàn quốc
và yêu cầu các trường phải thực hiện kiểm định để nâng cao chất lượng
đào tạo. Sau khi kiểm định, các trường có kế hoạch tập trung nguồn lực
nâng cao những vấn đề còn hạn chế, yếu kém. Xây dựng đội ngũ giảng viên
trên cơ sở bảo đảm chuẩn nghề nghiệp; bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật
chất, kiên quyết không để tình trạng một số trường thuê lại nhà kho,
khu tập thể để cải tạo thành giảng đường ÐH. Các cơ sở giáo dục ÐH phối
hợp các doanh nghiệp trong công tác đào tạo, tổ chức cho sinh viên thực
hành, gắn việc học lý thuyết với thực hành để sinh viên ra trường đáp
ứng được yêu cầu của thị trường lao động; thực hiện kết nối với doanh
nghiệp, nhà tuyển dụng để tìm hiểu nhu cầu, tiến hành đào tạo theo đơn
đặt hàng của doanh nghiệp, từ đó bảo đảm sinh viên ra trường tìm được
việc làm phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo./.
Theo nhandan.com.vn