UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết.
Theo đó, Hà Nội giao Sở Y tế là cơ quan thường trực phòng chống dịch bệnh Thành phố, chỉ đạo hệ thống y tế từ thành phố đến cơ sở, tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý ổ dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết; nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh, tổ chức phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị để kịp thời tiếp nhận điều trị sớm cho bệnh nhân.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn (đặc biệt là các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ gia đình) phối hợp với ngành y tế triển khai các biện pháp thiết thực đề phòng bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết trong mùa tựu trường 2011 - 2012. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục, truyền thông để các tổ chức người dân trên địa bàn nâng cao nhận thức về nguy cơ tác hại, đồng thời chủ động, tự giác thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết ngay tại hộ gia đình, tại cộng đồng, đặc biệt là tại các nhà trẻ mẫu giáo; triển khai các hoạt động tuyên truyền vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, ngủ mắc màn, tiêu diệt loăng quăng, phát quang bụi rậm… nghiêm cấm đưa tin sai sự thật gây hoang mang trong cộng đồng, xã hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội và các đoàn thể Thành phố phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền, phát động toàn dân tham gia các hoạt động phòng, chống bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe và tính mạng nhân dân.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 16/8, trên địa bàn Hà Nội đã có 116 ca mắc tay chân miệng, chủ yếu vẫn là trẻ dưới 5 tuổi, chưa có tử vong. Số ca mắc bệnh tay chân miệng đã lan ra 20 quận, huyện và 64 xã, phường. Nhiều nhất vẫn là huyện Thanh Oai với 16 trường hợp, Từ Liêm 13 trường hợp, Gia Lâm 11 trường hợp, Hai Bà Trưng 10 trường hợp... Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết cũng diễn biến phức tạp, trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội có 287 ca mắc SXH cao nhất miền bắc. SXH tại Hà Nội đã xuất hiện tại 22/29 quận, huyện, trong đó xuất hiện nhiều nhất ở quận Hai Bà Trưng (78 ca), Hoàng Mai (77 ca)...
* Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh về số ca trong thời gian gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có công văn chỉ đạo các ngành chức năng triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan cũng như bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc Sở y tế có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền về sự nguy hiểm, tốc độ lây lan, đối tượng dễ bị ảnh hưởng... của bệnh tay chân miệng và các giải pháp phòng chống bệnh; chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc, lực lượng y bác sĩ để khám và điều trị, khi phát hiện bệnh phải thực hiện đúng phác đồ điều trị theo quy định của Bộ y tế; theo dõi sát tình hình dịch bệnh của các địa phương; phối hợp với Sở Giáo dục-đào tạo hướng dẫn các trường, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo tiểu học, tổ chức làm vệ sinh môi trường; hướng dẫn các giáo viên về các dấu hiệu phát hiện bệnh tay chân miệng... Bên cạnh đó, ngành y tế cũng cần lập và thông báo rộng rãi đường dây nóng để mọi người có thể liên hệ, thông báo khi phát hiện dịch bệnh có liên quan đến tay chân miệng.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng mở đợt tuyên truyền, hướng dẫn mọi người về cách nhận biết và các dấu hiệu nghi ngờ trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng để đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời, tuyên truyền nhân dân về cách bảo đảm vệ sinh khi có bệnh và cách phòng bệnh một cách hiệu quả nhất.
Ông Trương Hoài Phong, Giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có trên 150 ca bị bệnh tay chân miệng, dịch tay chân miệng trong 2 tuần gần đây có diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng nhanh. Tuy nhiên, do phát hiện kịp thời và xử lý tốt nên vẫn chưa có trường hợp nào tử vong. Số ca bệnh tay chân miệng phát hiện nhiều tập trung ở thành phố Sóc Trăng, huyện Mỹ Tú, Châu Thành.../.
Theo TTXVN