Thứ Tư, 25/9/2024
Môi trường
Thứ Tư, 18/9/2013 21:4'(GMT+7)

Tăng cường công tác quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam

Ngày 17/9 tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo “Tăng cường công tác quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng và Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học Hoàng Thị Thanh Nhàn đồng chủ trì hội thảo.

Theo báo cáo của Cục bảo tồn đa dạng sinh học, trên thế giới, tác động của sinh vật ngoại lai xâm hại đối với môi trường ước tính khoảng 314 tỷ USD/ năm; ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp nội địa của Mỹ là 53%, Anh là 31%, Úc là 48%, Nam Phi là 96%... Sinh vật ngoại lai còn có tác động đến sức khoẻ của con người như là tác nhân của bệnh lây nhiễm thông thường như bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh dịch hạch, sởi….

Ở Việt Nam, trước đây, vấn đề sinh vật ngoại lai xâm hại chưa được chú ý. Chỉ từ khi ốc bươu vàng phát triển thành dịch thì vấn đề này mới được quan tâm. Gần đây, mức độ xâm lấn của sinh vật ngoại lai gây hại ngày càng gia tăng nhưng những nghiên cứu về vấn đề này còn tản mạn. Cán bộ bảo vệ môi trường cấp địa phương còn nhận thức hạn chế về vấn đề này.

Sinh vật ngoại lai xâm hại xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau như theo con đường nhập khẩu có chủ đích phục vụ công tác nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh hoặc du nhập theo con đường tự nhiên và không chủ đích của con người.  Có rất nhiều đối tượng khác thuộc danh mục cảnh báo của quốc tế như Rùa tai đỏ, Tôm càng đỏ, cây Mai dương và nhiều loài khác... cũng đã xuất hiện, đã và đang có nguy cơ tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, sự phát triển kinh tế và sức khỏe con người.

Số lượng thực vật ngoại lai nhập nội ở Việt Nam có khoảng 94 loài, trong đó có 42 loài xâm hại thuộc các họ thực vật: thầu dầu (4 loài), họ đậu (6 loài), họ cúc (7 loài), họ cói (8 loại), họ hòa thảo (13 loài), họ thông (8 loài). Số lượng các loài động vật thủy sinh ngoại lai đang tồn tại tại Việt Nam tính đến tháng 6/2009 có 48 loài (Bộ Thủy sản 2009).

Sinh vật ngoại lai xâm hại có tác động ảnh hưởng rất lớn tới tài nguyên thiên nhiên như làm giảm độ che phủ rừng và thay đổi quần xã thực vật rừng như cây Mai dương, cây bạch đàn nâu, keo lá sim… lấn át các loài sinh vật bản địa và gây khó khăn cho công tác bảo tồn thiên nhiên, gây thiệt hại cho trồng trọt , chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, đặc biệt là sự tác động lên môi trường và sức khỏe con người, xuất hiện các mầm dịch bệnh mới, các ký sinh trùng mới cho các loài sinh vật bản địa, người và gia súc.

Trước sự đe dọa của các loài ngoại lai xâm hại, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, vấn đề tăng cường năng lực là một trong những nội dung quan trọng của đề án. Việc tổ chức đánh giá nhu cầu đào tạo tăng cường năng lực để thiết kế chương trình nâng cao năng lực phù hợp cho các cơ quan quản lý cấp trung ương, địa phương về việc ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại là một việc rất cần thiết.

Theo báo cáo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng nhu cầu đào tạo, tăng cường năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học cho biết vẫn còn nhiều cán bộ quản lý cấp địa phương chưa nhận diện dược các loài ngoại lai xâm hại, chưa hiểu biết một cách đầy đủ và toàn diện về các con đường du nhập, mục đích nhập khẩu các loài sinh vật ngoại lai xâm hại và những tác hại của chúng. Do vậy cần xác định được hiện trạng nhận thức và nhu cầu đào tạo của các nhóm đối tượng về sinh vật ngoại lai xâm hại, xác định nhu cầu kỹ năng, kiến thức cần thiết của các nhóm đối tượng nhằm giúp nhóm thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại, xác định các phương thức đào tạo, tập huấn phù hợp và hiệu quả cho từng nhóm đối tượng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và đóng góp những ý kiến và giải pháp thiết thực nhằm tăng cường năng lực quản lý và nghiên cứu sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến việc tăng cường xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai. Áp dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học và công nghệ để ngăn ngừa, kiểm soát và quản lý loài ngoại lai xâm hại. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đào tạo và nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp trong việc ngăn ngừa, kiểm soát và diệt trừ loài ngoại lai xâm hại. Tăng cường và đa dạng hoá các nguồn đầu tư cho công tác phòng ngừa và kiểm soát loại ngoại lai xâm hại. Tăng cường hợp tác quốc tế về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Bên cạnh đó, việc đào tạo tăng cường năng lực quản lý sinh vật ngoại lai cũng được chú trọng.

Những kết quả thu được từ hội thảo sẽ được góp ý cho báo cáo đánh giá và đề xuất kế hoạch tăng cường năng lực quản lý sinh vật ngoại lai, tài liệu đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại tại Việt Nam.

Bảo Long
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất