Thứ Sáu, 18/10/2024
Hoạt động y tế
Chủ Nhật, 24/4/2016 13:55'(GMT+7)

Tăng cường giám sát, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn

Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua song công tác quản lý an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, hạn chế cần có giải pháp căn cơ để giải quyết trong thời gian tới.

* Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong năm 2015, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã được các cơ quan chức năng, địa phương tổ chức triển khai tích cực và phối hợp hiệu quả hơn. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tế, hài hòa với các tiêu chuẩn quy chuẩn quốc tế. Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016, Bộ Y tế đã thí điểm kết nối thành công cơ chế một cửa quốc gia về kiểm soát thực phẩm nhập khẩu tại Cảng Hải Phòng với sự tham gia của 13 cơ quan kiểm tra Nhà nước và các doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm, dự kiến năm 2016 sẽ áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.

Trước vấn đề nổi cộm hiện nay về vấn đề sử dụng chất cấm, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch triển khai đợt cao điểm hành động năm Vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 10/2015 đến hết tháng 2/2016, tập trung vào thịt lợn, thịt gà (Sabultamol và VAT Yellow, Salmonella), rau, quả (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật), tôm, cá nuôi (hóa chất kháng sinh). Trước đó, Bộ đang triển khai Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn như ban hành các Quyết định thành lập Ban điều phối và phối hợp triển khai Chương trình tại hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có hoạt động kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành phố tham gia chương trình xây dựng và thực thi các chính sách đặc thù hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh liên kết thành các chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố liên quan.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương tiếp tục tiếp tục triển khai, xây dựng các chương trình, đề án bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Về đề án ''Xây dựng mô hình điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015, năm 2015, Thành phố đã cấp 73 Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia ''Chuỗi thực phẩm an toàn'' với tổng sản lượng 37.418 tấn/năm. Thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai các đề án về mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, thị trấn của 29 quận, huyện, thị xã thuộc thành phố giai đoạn 2013-2015, Đề án ''Kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm bằng phương pháp kiểm tra nhanh tạo các chợ đầu mối nông sản, thủy sản thực phẩm trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2015-2020...

Hoạt động tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng được các bộ ngành địa phương tập trung đẩy mạnh. Cùng với đó, công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm được thực hiện theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước đã thành lập được 20.641 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại 344.657 cơ sở, phát hiện 77.946 cơ sở vi phạm, chiếm 22,6% (năm 2014 là 21,3%). So với cùng kỳ năm 2014, tuy số cơ sở vi phạm bị xử lý vẫn còn thấp (chủ yếu tại các tuyến xã, phường) nhưng các đoàn thanh tra, kiểm tra đã cương quyết hơn khi áp dụng các chế tài sử phạt đối với các cơ sở này. Tại Trung ương, 11 tháng đầu năm 2015, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt 248 cơ sở (chủ yếu vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng) với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng (trung bình 18,22 triệu/cơ sở) và công khai trên trang thông tin điện tử của Cục. Kết quả xử phạt này đã thể hiện tính răn đe cao.

Công tác thanh, kiểm tra trong năm 2015 được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng có liên quan, như: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Khoa học và Công nghệ, Hải quan... Trong quá trình thanh, kiểm tra, hầu hết các trường hợp vi phạm được phát hiện, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm đúng pháp luật, được công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn. Năng lực của các đoàn thanh, kiểm tra được nâng lên, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm ngay cả khi hàng hóa vi phạm còn để trong kho, chưa lưu hành thị trường.

Ngoài việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch, các Bộ ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành và phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, các Tổng Cục, Cục chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 22 đoàn kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch và 33 đoàn thanh tra đột xuất; ban hành 1.198 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 21,868 tỷ đồng. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế tiếp tục triển khai đợt thanh, kiểm tra chuyên đề... Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý trên 5.000 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt hành chính trên 17 tỷ đồng; lực lượng công an các cấp, trong đó, nòng cốt là lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện 3.365 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt 2.400 vụ, số tiền 16,86 tỷ đồng.

Trong công tác phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm, các bộ đã phối hợp chặt chẽ với địa phương để quản lý, xử lý nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian cao điểm, như: mùa du lịch, lễ hội, mùa hè, trung thu; triển khai giám sát chủ động tại địa phương với loại phẩm phổ biến để phát hiện định kỳ hàng tháng các chỉ tiêu hóa học, vi sinh vật để cảnh báo và xử lý sớm... Với những giải pháp tích cực, tình hình ngộ độc thực phẩm trong thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực.

* Gia đình văn hóa nói "không" với sản xuất thực phẩm "bẩn"


Tuy nhiên, công tác an toàn thực phẩm vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Các nội dung tuyên truyền tại địa phương chưa đa dạng (chủ yếu sử dụng tài liệu của Trung ương cung cấp) và thiếu nội dung mang tính đặc thù của địa phương. Một số vấn đề an toàn thực phẩm được thông tin chưa thật chính xác, đầy đủ gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng lớn đến uy tín các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều địa phương, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm chưa được chính quyền quan tâm đúng mức, đặc biệt là chưa được coi trọng ở cấp xã, việc chỉ đạo, điều hành còn chưa đồng bộ, chưa kiên quyết, trách nhiệm chưa rõ ràng, gây vướng mắc trong quản lý ở cơ sở. Việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y chưa được cải thiện nhiều. Vấn đề lạm dụng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C sau tái kiểm tra vẫn chiếm tỷ lệ rất cao, chưa có phương án xử lý dứt điểm. Ngộ độc thực phẩm tại khu công nghiệp, chế xuất tuy không tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn diễn biến phức tạp.

Nhận định về những hạn chế trong công tác an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, tỷ lệ sản phẩm được kiểm tra không bảo đảm an toàn thực phẩm chỉ dưới 10% nhưng khi lưu thông trên thị trường, người dân không thể nhận biết được thực phẩm nào là an toàn, thực phẩm nào không an toàn. Trách nhiệm của Nhà nước phải giúp người dân phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu thực phẩm sạch, bằng các biện pháp quản lý, kỹ thuật... vì người dân không thể tự nhận biết bằng mắt được; đồng thời việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm phải đi từ gốc, quy trình sản xuất, chăn nuôi theo nguyên lý phòng ngừa tích cực, chủ động chứ không để thực phẩm bẩn ra thị trường, ra bàn ăn rồi mới xử lý một cách thụ động.

Để giải quyết tình trạng bức xúc về an toàn thực phẩm, năm 2016, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành kiểm tra, phân loại 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; tiếp tục triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trong phạm vi toàn quốc, tập trung các vấn đề như: sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm; vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các thành phố và các cơ sở sản xuất kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng... Cùng với đó, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ được thành lập từ trung ương đến cấp xã, phường, bảo đảm các cơ sở được thanh, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như kiến thức trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng của người dân.

Cùng với đó, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020. Chương trình nhằm vận động toàn xã hội nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành vững chắc nếp sống văn hóa: Nông dân Việt Nam phải là người sản xuất thực phẩm an toàn, người Việt Nam tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao uy tín của quốc gia. Chương trình cũng nhằm tạo dư luận xã hội mạnh mẽ cổ vũ, biểu dương và tổ chức nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; kiên quyết phê phán, xử lý theo quy định của pháp luật hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn. Thông qua chương trình phối hợp hai bên sẽ đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn thực phẩm.

Mục tiêu của chương trình đề ra là phấn đấu đến năm 2020 vận động được ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm...

Thông tin về chương trình giám sát này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhận định: An toàn thực phẩm là vấn đề xã hội rất quan tâm, là mong mỏi và bức xúc của người dân Việt Nam. Vấn đề đáng nói hiện nay là người sản xuất không an toàn đều nằm ở địa phương, hàng xóm láng giềng đều biết. Tự do kinh doanh để kiếm lợi nhuận nhưng xét về đạo đức là không được. Bởi, bán rau, cây và các con gia súc, gia cầm không an toàn là đang đầu độc người tiêu dùng. Nói một cách chân tình là nếu sản xuất không an toàn, đồng nghĩa với việc đầu độc chính người Việt Nam. Điều này trái với văn hóa của người Việt.

Người Việt Nam không được đầu độc người Việt Nam bằng việc trồng và bán những hàng không an toàn. Những người sản xuất cần phải có cam kết: Tôi là người Việt Nam, là gia đình văn hóa không được làm những việc trái với đạo đức là sản xuất không an toàn. Mặt trận Tổ quốc đã bàn với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong tiêu chí gia đình văn hóa từ nay sẽ có quy định là nếu người sản xuất nông nghiệp thì phải có tiêu chí là không trồng, nuôi, bán sản phẩm nông nghiệp không an toàn. Nếu vi phạm sẽ không công nhận gia đình văn hóa. Cần có một cuộc vận động toàn xã hội về nhận thức có thu nhập ngắn hạn hay là tự mình làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nòi giống người Việt. Khi nhân dân nhận thức được, có cách làm phù hợp, việc này có thể khắc phục được. Nếu Trung ương làm, địa phương đã có những mô hình kết hợp lại sẽ thành cuộc vận động tốt - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân gợi mở./.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất