Hôm nay (27/2), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức Cale for Children và UNICEF tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hành lang pháp lý về mô hình gia đình nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Đến dự Hội thảo có đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; ngài Michale - Hoàng tử xứ Keng (Anh); ông Robert Glover OBE, Giám đốc điều hành Tổ chức Care for Children.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định: Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật cho công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật nuôi con nuôi, nghị định quy định về trợ cấp cho các đối tượng trẻ em khó khăn, chăm nuôi tạm thời tại cộng đồng, cơ sở bảo trợ xã hội. Triển khai các mô hình chăm sóc thay thế, chăm nuôi đỡ đầu, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhận con nuôi, trợ cấp cho ông bà, anh chị em ruột chăm sóc, trợ cấp cho cá nhân, gia đình nhận nuôi trẻ, nhà xã hội, nhà bán trú.
Hiện nay, trong cả nước có khoảng trên 400 ngàn trẻ em được nhận trợ cấp xã hội nuôi dưỡng tại cộng đồng, khoảng 170 ngàn trẻ được nhận chăm sóc bởi các gia đình thay thế, trên 22 ngàn trẻ em được nuôi dưỡng trong các cơ sở tập trung (trong đó trên 10 ngàn em được chăm sóc, nuôi dưỡng trong 313 cơ sở do nhà nước thành lập và trên 12 ngàn em sống trong 341 cơ sở do các tổ chức xã hội và tư nhân thành lập; mỗi năm có từ 5-6 nghìn trẻ em được nhận nuôi (cả trong nước và quốc tế).
Đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh: Kinh nghiệm của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới cho thấy hình thức chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình, họ hàng hoặc các gia đình không có quan hệ họ hàng nhưng có tấm lòng thương yêu trẻ là hình thức chăm sóc tốt nhất, đảm bảo được nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em. Khi sống trong môi trường gia đình, các em sẽ có cơ hội phát triển đầy đủ hơn cả về thể chất và tính thần. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại các cơ sở tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng khi mà trẻ chưa có cơ hội được chăm sóc nuôi dưỡng tại gia đình thay thế. Bởi lẽ, chúng ta đều biết việc chăm sóc thay thế cho trẻ em tại gia đình sẽ tiết kiệm chi phí và quan trọng hơn là trẻ hoà nhập tốt hơn.
Tuy nhiên, việc chăm sóc thay thế hiện nay vẫn còn một số khó khăn, các quy định của pháp luật về chăm sóc thay thế chưa cụ thể, còn nhiều các quy định về việc đăng ký nhu cầu của các gia đình có nhu cầu nhận nuôi, quy trình nhận chăm sóc thay thế; quy định về điều kiện chuyển trẻ đến hình thức chăm sóc thay thế phù hợp hơn khi cần thiết; trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, chính quyền địa phương về chăm sóc thay thế. Về đội ngũ cán bộ, mặc dù đã bước đầu xây dựng được đội ngũ cán bộ xã hội, song trên thực tế, còn thiếu đội ngũ cán bộ xã hội chuyên nghiệp để hỗ trợ, giám sát và đánh giá việc chăm sóc thay thế để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm quyền của trẻ em được nhận nuôi.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung, đặc biệt là chăm sóc thay thế cho trẻ nhằm mở rộng các mô hình chăm nuôi tại gia đình trên tàn quốc và hoàn thiện khung pháp lý cho chăm sóc thay thế.
Tại Hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình chăm sóc thay thế tại các nước trên thế giới, hướng dẫn của Liên hợp quốc về chăm sóc nhận nuôi dưỡng và cùng nhau thảo luận việc áp dụng mô hình phù hợp tại Việt Nam. Qua thảo luận, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về chăm sóc thay thế, đặc biệt là việc bổ sung các quy định về chăm sóc thay thế trong Luật BVCSGDTE sửa đổi.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 27-28/2/2014./.
Duy Hưng