Thứ Tư, 2/10/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Ba, 14/1/2014 11:3'(GMT+7)

Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam mới

Bà cháu. (Ảnh: VGP)

Bà cháu. (Ảnh: VGP)

Qua hội thảo này, nhiều nhà khoa học cho rằng, cần phải có một “hệ giá trị gia đình Việt Nam” để hình thành cơ sở đánh giá, phát huy những yếu tố tích cực của gia đình Việt Nam.

Rộn ràng những hoạt động Năm gia đình Việt Nam


Trong suốt Năm gia đình Việt Nam, đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Nói riêng về phong trào “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) phụ nữ quân đội đã tham gia đăng ký thực hiện 100%. Trong năm qua, đã có 97,8% gia đình cán bộ, hội viên đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch” và đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Trong toàn quân có nhiều công trình dựa trên tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” như: “Doanh trại sạch”, “Bếp ăn sạch”, “Vườn rau sạch”, “Gia đình quân nhân kiểu mẫu”… Trong năm tới, phụ nữ quân đội đặt chỉ tiêu phấn đấu 100% gia đình quân nhân đạt tiêu chí “5 không, 3 sạch” và “Gia đình văn hóa”. Đó là những minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của Năm gia đình Việt Nam đã tác động tới mọi gia đình trong cả nước.

Phát huy truyền thống gia đình Việt Nam

Giáo sư Đặng Cảnh Khanh, người có nhiều nghiên cứu về gia đình cho rằng, từ xa xưa chúng ta đã có “hệ giá trị” dành cho gia đình. Hệ giá trị này dựa trên quan điểm của Nho giáo và Phật giáo. Ông nói: “Người xưa đánh giá cao vai trò của gia đình. Khổng Tử khi nói về các mối quan hệ xã hội có “ngũ luân” trong đó có ba mối quan hệ của gia đình; “tam cương” cũng có hai mối quan hệ gia đình. Ở Việt Nam ta, có cụ Phan Bội Châu từng ví: Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà to. Như thế có thể thấy rằng, việc xây dựng hệ giá trị cho gia đình luôn được tiền nhân chú trọng”. Hiện nay, chúng ta có thể học hỏi hệ giá trị gia đình thời trước ở nhiều khía cánh, trước tiên là: Đề cao giáo dục đạo đức, đề cao người phụ nữ, đề cao lối sống tình nghĩa.

Thật vậy, giá trị giáo dục đạo đức của gia đình Việt Nam khác biệt với các quốc gia cùng tiếp biến tư tưởng Khổng-Mạnh. Đó là tư tưởng  nặng “tình” hơn “lý”. Ở các gia đình Việt, người ta ít nghe nói đến “gia pháp” như một sợi dây trói buộc mỗi thành viên, buộc họ phải tuân theo những luật lệ, chuẩn mực của gia đình; thay vào đó, gia đình Việt cũng có một sợi dây, đó là “nếp nhà”-sợi dây tình cảm để mọi người nắm lấy, cùng kéo nhau xích lại cho bền chặt, quấn quýt hơn. Trong gia đình Việt, vai trò của người phụ nữ, người mẹ được đề cao, đôi khi còn được xem là trọng tâm gìn giữ hạnh phúc. Tục ngữ xưa có nhiều câu đề cao vai trò của người phụ nữ như vậy: Chồng nóng thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê; Đàn ông xây nhà/ đàn bà xây tổ ấm; Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn; Phúc đức tại mẫu… Thêm nữa, những quan niệm về “tam tòng, tứ đức” của tư tưởng Khổng-Mạnh cũng được cha ông ta tiếp biến hài hòa, phụ nữ Việt Nam do đó cũng có nhiều quyền bình đẳng hơn, có vai trò cao hơn trong xã hội Việt Nam.

Hệ giá trị gia đình

Gần đây, người ta nói nhiều về những vấn đề của gia đình Việt Nam hiện đại như sự lãnh cảm, thờ ơ, thiếu tôn trọng, thiếu quan tâm lẫn nhau, “nhà càng to càng lạnh”... Đó là sự trái ngược với quy luật phát triển, vì thực tế gia đình Việt Nam hiện đại có cấu trúc nhỏ hơn, có nhiều điều kiện kinh tế và thời gian để quan tâm đến nhau hơn (điều tra xã hội học năm 2003 cho thấy, trung bình mỗi gia đình ở thành thị có 4,2 người).

Theo nhiều nhà nghiên cứu về gia đình, tất cả những nảy sinh xuất phát từ sự sai lệch của văn hóa gia đình. Đơn cử như việc nhiều gia đình hiện đại thường có xu hướng chiều chuộng con em quá mức, đáp ứng gần như mọi nhu cầu, làm thay tất cả mọi việc, điều đó dẫn đến sự ỷ lại, xa hơn là tính cách thiếu độc lập của con em. Đó là sự sai lệch trong chức năng giáo dục của gia đình. Hoặc, từ nhiều năm trước, Nhà nước đã có luật pháp, chính sách quan tâm đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình, song đến nay luật vẫn phải tiếp tục bổ sung sửa đổi, đưa nhiều văn bản dưới luật để điều chỉnh hành vi của mỗi thành viên trong gia đình. Đó còn là sự sai lệch trong chức năng kết nối tình cảm của gia đình...

Việc xây dựng hệ giá trị gia đình sẽ giúp chúng ta có cách nhìn chính xác, khoa học, giúp các gia đình dễ dàng tiếp cận với những chuẩn mực của Gia đình văn hóa. Giáo sư Đặng Cảnh Khanh bày tỏ: Mặc dù ông chưa nghĩ đến việc đề xuất một hệ giá trị gia đình cụ thể nào. Nhưng theo ông, nhiều giá trị gia đình truyền thống vẫn có thể áp dụng lại cho các gia đình Việt Nam hiện đại, theo đó, gia đình phải là nơi kết nối tình cảm, nơi duy trì tài nguyên con người, nơi phát huy chức năng giáo dục nêu gương, giáo dục đạo đức và nhân cách sống.

Có lẽ đã đến lúc, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cùng các nhà quản lý nên ngồi lại bàn bạc về việc xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam thời hiện đại. Đó sẽ là “đường cơ sở” để các gia đình tự tìm thấy giá trị gia đình; xã hội có cơ sở để đánh giá một gia đình theo những giá trị đã được chuẩn hóa này./.

Lê Đông Hà (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất