(TG) - Là chủ đề hội thảo thường niên diễn ra hôm nay (12/9) tại Hà Nội, do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ (NGO-IC) và một số tổ chức thành viên đồng tổ chức. Hội thảo đã thu hút trên 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội (TCXH), các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tham gia.
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh PV
|
Mục đích của Hội thảo, nhằm tăng cường hợp tác, kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các TCXH và các đối tác, đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm huy động sự tham gia của các TCXH trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay.
Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA cho biết:Trong những năm qua, hệ thống của VUSTA với 86 hội ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp hội địa phương, 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) và trên 100 cơ quan báo chí, đã tập hợp gần 3 triệu trí thức và những người hoạt động các trong lĩnh vực liên quan đến KH&CN trong cả nước tham gia rất tích cực và có hiệu quả vào công tác bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững. Trong đó, một số lĩnh vực được tập trung, như: Truyền thông, nâng cao nhận thức và năng lực cho cộng đồng về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, tổ chức sự kiện, xây dựng các mô hình trình diễn triển khai ở cộng đồng; xây dựng và mở rộng các mô hình đã thành công trong quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương, khu vực; tư vấn, phản biện và vận động chính sách đối với các chủ trương, chính sách, các dự án liên quan đến môi trường, phát triển bền vững…
Các hoạt động hợp tác, kết nối, chia sẻ thông tin và phối hợp hoạt động, thời gian gần đây cũng được các TCXH triển khai rộng rãi, hình thành các nhóm cộng tác, các mạng lưới, liên minh, diễn đàn, như: Mạng lưới sông ngòi Việt Nam; Mạng lưới an ninh lương thực và giảm nghèo; Liên minh vận động chính sách y tế dựa vào bằng chứng; Mạng lưới cấm Amiang ở Việt Nam; Mạng lưới hành động vì người di cư... đã góp phần chia sẻ thông tin, nguồn lực, nâng cao năng lực, và đặc biệt là phát huy thế mạnh trong vận động chính sách…
TS. Phạm Văn Tân khẳng định: Kết quả mà các TCXH và các mạng lưới mang lại là rất hữu ích. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm các tổ chức thành viên đã thu hút được khoảng 10 triệu USD từ nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Phần lớn nguồn kinh phí này dành cho bảo vệ môi trường, xoá đói giảm nghèo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, phòng chống HIV- AIDS... Trong điều kiện nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí từ khu vực doanh nghiệp khó tiếp cận thì đây là nguồn lực có vai trò rất quan trọng cho hoạt động của các TCXH phục vụ cho các mục tiêu phát triển.
Tuy nhiên, báo cáo khai mạc cũng nêu rõ: Bên cạnh những kết quả rất đáng trân trọng và tự hào, các tổ chức xã hội cũng phải nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ những khó khăn, thách thức, những hạn chế ngay từ chính bản thân các tổ chức để vượt qua những rào cản hiện tại, nỗ lực phấn đấu vươn lên tương xứng với tiềm năng, sức mạnh của đội ngũ trí thức, đại diện của một “khu vực” rộng lớn và đầy năng động, sáng tạo. TS. Phạm Văn Tân mong muốn, Hội thảo phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm xã hội, tập trung bàn thảo những nội dung mà mục tiêu Hội thảo đề ra.
Tại phiên toàn thể buổi sáng, sau phần khai mạc, Hội thảo đã được nghe và tập trung thảo luận nội dung 3 báo cáo chuyên đề liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đó là:
Báo cáo: “Nguy cơ suy thoái và cạn kiệt tài nguyên nước sông, suối – Vai trò mạng lưới sông ngòi Việt Nam trong vận động chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững” do TS. Đào Trọng Tứ , Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban điều phối sông ngòi Việt Nam (VRN) trình bày.
Báo cáo: “Tác động của nhiệt điện than đến môi trường không khí và sức khỏe con người – Vai trò của các tổ chức xã hội” do bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển xanh (Green – ID) trình bày.
Báo cáo: “Vai trò và một số kết quả hoạt động tư vấn phản biện chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường” của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), do PGS.TS. Nguyễn Đình Hòe, Phó Chủ tịch Hội trình bày.
Tại các phiên song song, Đại biểu nghe thêm một số báo cáo chuyên đề liên quan đến các nội dung: 1) Bảo vệ môi trường và phát triển cộng đồng. 2) Môi trường nước và sức khỏe cộng đồng. 3) Mô hình pháp lý và các mô hình quản trị tổ chức phi lợi nhuận; đồng thời, tập trung thảo luận sâu hơn vào các hoạt động can thiệp, vận động chính sách mà các TCXH đã và đang triển khai trong lĩnh vực sức khỏe, môi trường. Qua đó, nhận diện những thách thức và cơ hội mới để đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường hợp tác giữa các TCXH và các đối tác trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam.
Đặc biệt, trong phiên thảo luận “Môi trường pháp lý và các mô hình quản trị tổ chức phi lợi nhuận”, Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ đã giới thiệu Bộ công cụ tự đánh giá tổ chức phi chính phủ và một số nội dung nhằm nâng cao năng lực, xây dựng hình ảnh cho các TCXH Việt Nam, đang được coi là chủ đề nóng nối tiếp từ Hội nghị thường niên lần 1 và 2 (năm 2016, 2017). Trong đó, những câu chuyện gây quỹ, vận động tài trợ, phê duyệt dự án và đánh giá tổ chức cũng được nhiều đại biểu quan tâm, cho rằng đây vẫn là những câu chuyện đang còn dang dở và chưa có "hồi kết".
Trên thực tế, vẫn còn nhiều "nút thắt" từ nhận thức đến cơ chế, chính sách và khả năng thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng. Vị trí, vai trò của các TCXH chưa thật sự được nhận thức đúng mức; trong khi nguồn tài chính chủ yếu của các TCXH đều dựa vào nguồn viện trợ quốc tế không hoàn lại, nhưng việc phê duyệt viện trợ vẫn còn gặp khó khăn, kéo dài; một số địa phương chưa thật sự "mặn mà" và sẵn sàng tham gia vốn đối ứng, hợp tác với các dự án,... là những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến tiến độ và tính khả thi của các dự án, đồng thời cũng là nguyên nhân làm hạn chế khả năng đóng góp của các TCXH. Bên cạnh đó, chính sách thuế của Nhà nước cho khu vực phi lợi nhuận chưa được ban hành cũng là những khó khăn đáng kể trong hoạt động của các TCXH.
Tại phiên toàn thể buổi chiều, Hội thảo đã được nghe đại diện các phiên song song báo cáo kết quả thảo luận và chia sẻ những vấn đề đặt ra trong việc tăng cường hợp tác giữa các TCXH và các đối tác trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở nước ta hiện nay.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu được xem gian triển lãm một số hình ảnh và hiện vật về những hoạt động tiêu biểu của các TCXH trong quá trình hợp tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở nước ta; đồng thời, chứng kiến Lễ ra mắt Liên minh nước và sức khỏe Việt Nam.
Bế mạc Hội thảo, TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp hội đánh giá cao những thành tích của các TCXH đã đạt được trong thời gian qua; biểu dương Trung tâm Thông tin Tổ chức Phi chính phủ đã cùng một số đơn vị chủ động phối hợp với VUSTA tổ chức Hội thảo thường niên năm thứ 3 liên tục với chủ đề thiết thực gắn với thực tiễn sinh động hiện nay. Thay mặt Đảng đoàn và Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội, TS. Phạm Văn Tân kêu gọi các nhà khoa học, chuyên gia, các TCXH và các đại biểu tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ của mình góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, cám ơn sâu sắc sự giúp đỡ của Đảng và Nhà nước, của cộng đồng quốc tế đã hỗ trợ các TCXH về kỹ thuật và nguồn tài chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở Việt Nam.
PV