Chủ Nhật, 22/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 9/6/2010 6:38'(GMT+7)

Tăng cường hợp tác và chia sẻ trách nhiệm trong tiểu vùng Mekong

Việc 5 Thủ tướng của 5 nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar ngồi lại với nhau để bàn về vấn đề “Hợp tác trong tiểu vùng Mekong” tại Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á 2010 vừa qua là sự kiện quan trọng, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ các nước trong khu vực đối với vấn đề khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế trong khu vực.

Hơn 50 năm trước, Ủy ban Mekong dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp Quốc được thành lập. Từ đó, đã có hàng loạt các chương trình hợp tác, các mạng lưới liên kết trong tiểu vùng hình thành và phát triển. Hiện nay, với diện tích 2,6 triệu km2 và khoảng 325 triệu dân, Tiểu vùng Mekong mở bao gồm các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, với những nỗ lực đẩy mạnh hợp tác, liên kết và phát triển kinh tế của Chính phủ các nước trong tiểu vùng, lưu vực Mekong đang nhanh chóng trở thành một tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều đối tác phát triển, trong đó có các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Nguồn tài nguyên đất đai, nước, thủy sản to lớn của Mekong là một thế mạnh của tiểu vùng, nhưng đây là những tài nguyên không tái tạo, luôn có nguy cơ cạn kiệt, khó có thể phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, Myanmar đặc biệt quan tâm đến việc khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên. Thủ tướng Myanmar Thein Sein khẳng định: Myanmar chỉ phát triển kinh tế bền vững khi nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp phát triển bền vững. Những ngành này chiếm đến 63% trong nền kinh tế Myanmar, bởi vậy Chính phủ Myanmar đang không ngừng nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, sử dụng tốt nguồn tài nguyên bằng hàng loạt dự án trồng rừng, đánh bắt thủy sản an toàn, bảo vệ nguồn nước… Thủ tướng Thein Sein kêu gọi các nước trong tiểu vùng thận trọng khi khai thác, chặt chẽ hơn trong quản lý và quan trọng hơn nữa các mục tiêu, các dự án có liên quan đền nguồn tài nguyên Mekong của các nước trong tiểu vùng phải hài hòa với nhau.

Trong khi đó, Campuchia quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề chung. Dòng sông này không chỉ cung cấp cho tiểu vùng nguồn tài nguyên giàu có, là tiềm năng to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia mà còn hỗ trợ cho cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người đang sinh sống dọc theo con sông. Tiểu vùng Mekong phải tiếp tục giải quyết tình trạng tỷ lệ dân số nghèo khổ còn cao, tốc độ phát triển dân số lớn, thay đổi về khí hậu ngày càng có những tác động xấu, mực nước trên sông Mekong thay đổi nhanh chóng…

Campuchia kêu gọi tăng cường cơ chế hợp tác giữa các quốc gia trong tiểu vùng và với các đối tác để đưa ra những phản ứng hữu hiệu, nhanh chóng cho các biến đổi khí hậu, cho sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên sinh thái;. làm sao để biến các tiềm năng sẵn có của con sông này thành cơ hội vươn lên của cả vùng.

Thủ tướng Campuchia HunSen nói: “Campuchia cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực vì lợi ích hội nhập kinh tế và thúc đẩy quá trình phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng, tinh thần hợp tác khu vực sẽ giúp mở rộng các cơ hội về thị trường, tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Thông điệp của tôi là: Khu vực sông Mekong khác với các khu vực khác, vì tất cả các nước trong khu vực Mekong kết nối với nhau bởi một con sông, gắn kết tiềm năng phát triển, yêu cầu chúng ta phải tư duy, phải quan tâm tới nhau trước khi bắt đầu tất cả các hoạt động mới.”

Tại hội nghị lần này, Thủ tướng Thái Lan cũng đưa ra những điểm cơ bản mà các quốc gia trong tiểu vùng cần tập trung thực hiện gồm: đảm bảo an ninh lương thực, kết nối giao thông vận tải, đầu tư phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo bền vững về môi trường. Trước mắt, mục tiêu hàng đầu của tiểu vùng là có thể đóng góp cho vấn đề an ninh lương thực không chỉ ở tiểu vùng mà cả vùng và toàn cầu. Về phía Thái Lan, những vấn đề này đang được quan tâm thực hiện bằng những chính sách, việc làm cụ thể. Trong 5 năm trở lại đây, Thái Lan đã đóng góp 370 triệu USD cho sự phát triển của tiểu vùng.

Về vấn đề này,Việt Nam nhấn mạnh đến việc các nước trong tiểu vùng Mekong cần thể hiện mạnh mẽ hơn nữa sự chủ động và vai trò lãnh đạo của mình trong phát triển khu vực. Không thể có tăng trưởng bền vững nếu như không nâng cao vai trò lãnh đạo một cách chủ động và sáng tạo. Tương lai của các nước lưu vực sông Me Kong là tươi sáng và nằm trong tay của chính các nước trong tiểu vùng.

Để trong một thập kỷ tới, lưu vực Me Kong trở thành một động lực tăng trưởng mới bền vững cho Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có 4 ưu tiên hàng đầu đối với các nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Chúng ta cần củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương và đa phương trong khu vực và với các đối tác bên ngoài. Cần nhấn mạnh yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước trong lưu vực Mekong. Bên cạnh việc tiếp tục tranh thủ nguồn vốn và sự trợ giúp của các tổ chức tài trợ quốc tế cũng như các đối tác phát triển ở Đông Á và trên thế giới chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi nhất về hành lang pháp lý và các khuyến khích tài chính để đẩy mạnh các dự án hợp tác trên cơ sở đối tác công – tư. Chúng ta cũng cần phối hợp chính sách tốt hơn nữa, để cùng đưa ra những lĩnh vực ưu tiên thống nhất trong chiến lược phát triển kinh tế của mỗi nước, trong đó đặc biệt chú ý phát triển cơ sở hạ tầng cứng và mềm”.

Các Thủ tướng của 5 nước trong tiểu vùng Mekong đã thống nhất sẽ tăng cường hợp tác với nhau, cùng chia sẻ trách nhiệm trong sự khai thác tiềm năng từ con sông này phục vụ cho phát triển của từng nước và cả tiểu vùng./.

Minh Hạnh - VOVnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất