Thứ Bảy, 21/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 1/12/2017 16:36'(GMT+7)

Tăng cường phối hợp, thực hiện có hiệu quả công tác pháp chế của ngành Giáo dục

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu rõ: công tác pháp chế của ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đặc biệt, sự phối hợp công tác giữa hai Bộ, giữa các đơn vị chức năng của hai ngành Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo từ Trung ương đến địa phương ngày càng bài bản, chặt chẽ, nhất là trong hoạt động xây dựng pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm tra rà soát văn bản… Tuy nhiên, hiệu quả công tác phối hợp giữa hai ngành vẫn chưa tương xứng với nhu cầu và khả năng của cả hai bên, nhất là ở cấp độ địa phương. Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký chương trình phối hợp về thực hiện công tác pháp chế giữa hai Bộ, giai đoạn 2015 – 2020. Hội nghị này nhằm đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa hai Bộ năm 2017; đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5. 

Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2017, các đơn vị chức năng của hai Bộ đã phối hợp có hiệu quả trong công tác chuyên môn, góp phần thực hiện tốt công tác pháp chế của ngành Giáo dục. Chất lượng văn bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo đảm bảo về chất lượng, tiến độ. Một số văn bản có nội dung phức tạp, phạm vi ảnh hưởng lớn đã được các đơn vị phối hợp tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành, tạo hành lang pháp lý cho ngành Giáo dục hoạt động hiệu quả. Trong năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình đã ký kết, trọng tâm là phối hợp trong việc xây dựng hai dự án luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học để trình Chính phủ vào tháng 1/2018 và trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2018. 

Góp ý kiến để hoàn thiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua vào năm 2005 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật Giáo dục đã đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đảm bảo sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 đồng thời khắc phục những bất cập của Luật hiện hành. Việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất các luật khác về giáo dục như: Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học… 

Tiến sỹ Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, dự thảo Luật sẽ sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo. Theo đó, hệ thống giáo dục được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo; người dân có cơ hội tích lũy kiến thức và học tập suốt đời. Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau Trung học Cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở Trung học Phổ thông; bổ sung một số quy định thể chế các chính sách của Đảng, phù hợp với các quy định hiện hành, giao thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động nhà trường cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá, việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ phục vụ sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Ngoài ra, các vấn đề chính sách đối với nhà giáo, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, chính sách phổ cập liên quan đến học phí… đã được các đại biểu phân tích, cho ý kiến cụ thể./. 

Phan Phương/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất