Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 4/11/2012 21:9'(GMT+7)

Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga

Thủ tướng LB Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: RUVR

Thủ tướng LB Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: RUVR

Quan hệ chính trị - ngoại giao

Có thể điểm lại các dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ chính trị- ngoại giao giữa Việt Nam- Liên bang Nga (trước đây là Việt Nam- Liên Xô):

- Ngày 30-1-1950, Việt Nam (lúc đó là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (Liên Xô và là Liên bang Nga ngày nay), khởi đầu cho mối quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ giữa hai nước.

- Đến ngày 16-6-1994, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ hai nước trong giai đoạn phát triển mới.

- Ngày 1-3-2001, Việt Nam và Nga ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược.

- Ngày 27-7-2012, Việt Nam và Nga ra Tuyên bố chung về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ chính trị Việt - Nga có độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, tạo động lực mạnh mẽ cho việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm LB Nga của:

- Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Đức Lương (tháng 7-1992);

- Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 6-1994);

- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 5-1998);

- Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 8-1998, tháng 5-2004);

- Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 9-2000);

- Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (tháng 6-2001);

- Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 10-2002, tháng 7-2010);

- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (tháng 1-2003);

- Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (tháng 9-2006);

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 9-2007, tháng 12-2009);

- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (tháng 9-2008);

- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (thăm chính thức tháng 10-2008, dự lễ kỉ niệm 65 năm chiến thắng phát xít tại Mátxcơva và thăm Cộng hòa Camưkia thuộc LB Nga tháng 5-2010);

- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (tháng 4-2009);

- Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân (tháng 3-2010);

- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (tháng 10-2010, tháng 10-2012);

- Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (từ 29-6 đến 3-7-2012);

- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7-2012).

Về phía Nga, có các chuyến thăm Việt Nam của:

- Chủ tịch Đuma Quốc gia Nga G. Xêledơniốp (tháng 2-1997);

- Thủ tướng V. Trécnômứcđin (tháng 11-1997);

- Bộ trưởng Ngoại giao I. Ivanốp (tháng 2-2000, tháng 7-2001, tháng 10-2001);

- Tổng thống V. Putin (thăm chính thức từ 28-2 đến 2-3-2001, thăm chính thức và dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 tại Hà Nội tháng 11-2006);

- Thủ tướng M. Caxianốp (tháng 3-2002);

- Phó Thủ tướng V. B. Khơrixtencô (tháng 2-2001, tháng 1-2002, tháng 12-2002, tháng 2-2004);

- Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga X. M. Mirônốp (tháng 1-2005);

- Thủ tướng M. E. Phrátcốp (tháng 2-2006);

- Bộ trưởng Ngoại giao X. Lavơrốp (tháng 11-2006, tháng 7-2009);

- Bộ trưởng Bộ Công thương K.V. Bôrixôvích (tháng 3-2010);

- Bộ trưởng Quốc phòng Anatôti Xerờdiucốp (tháng 3-2010);

- Tổng thống Đ.Métveđép (thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga lần thứ 2 vào tháng 10-2010);

- Phó Chủ tịch Đuma quốc gia (Hạ viện) LB Nga M. I. Ivanôvích (tháng 8-2011).

Từ năm 2008, Việt Nam và Nga thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược ngoại giao - an ninh - quốc phòng thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao (đến nay đã tiến hành 4 lần). Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.

Hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, APEC, ARF...; đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Nga. Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nga lần hai đã diễn ra thành công tại Hà Nội tháng 10-2010. Việt Nam đã hỗ trợ tích cực để Nga chính thức được kết nạp vào ASEM tháng 10-2010 và tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á từ 2011.

Hợp tác kinh tế

Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - LB Nga thời gian qua phát triển năng động, dù vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai nước.

Hai nước duy trì cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật (khóa họp lần thứ 14 diễn ra tháng 9-2010 tại Mátxcơva) và Họp đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ (cuộc gặp hai đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ diễn ra tháng 11-2011 tại Hà Nội). Hội đồng doanh nghiệp Việt - Nga được thành lập nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho công đồng doanh nghiệp hai nước.

Việt Nam và Nga đã công nhận lẫn nhau có nền kinh tế thị trường và hoàn tất đàm phán song phương về việc Nga gia nhập WTO (năm 2007).

- Hợp tác thương mại: Kim ngạch thương mại giữa hai nước từ mức khoảng 350-400 triệu USD vào giữa những năm 90 của thế kỉ XX, đã lên 1,828 tỷ USD năm 2010, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 829 triệu USD, nhập khẩu đạt 999,1 triệu USD. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2011 đạt 1,98 tỷ USD tăng 8,1%; 9 tháng đầu năm 2012, kim ngạch thương mại hai nước đạt gần 1,77 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khấu đạt trên 1,13 tỷ USD, nhập khẩu 640 triệu USD… Hai bên dự định nâng kim ngạch này lên mức 7 tỷ USD vào năm 2015.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại...; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm sắt thép, phân bón, xăng dầu, máy móc, thiết bị các loại...

Một số vướng mắc trong hợp tác thương mại như vấn đề kiểm soát chất lượng nông, thủy, hải sản xuất khẩu của Việt Nam, vấn đề thanh toán xuất nhập khẩu đã và đang dần được tháo gỡ. Việt Nam và các nước Liên minh thuế quan (Nga, Bêlarút và Cadắcxtan) đã kết thúc báo cáo tác động của việc thành lập khu vực mậu dịch tự do, dự kiến khởi động đàm phán trong quý I-2013.

- Hợp tác đầu tư: Tính đến hết tháng 9-2012, Nga có 78 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 919 triệu USD, đứng thứ 23 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư của LB Nga tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp chế tạo, chế biến… và tiếp tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như ngân hàng, viễn thông, với một số dự án lớn như Ngân hàng Việt - Nga (VRB)…

Trong khi đó, đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm trở lại đây tăng nhanh, từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, nay đạt 776 triệu USD và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, thương mại và dịch vụ.

- Hợp tác năng lượng: Đây vẫn là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba.
Tháng 9-2010, Liên doanh Rusvietpetro đã khai thác dòng dầu thương mại đầu tiên tại mỏ Bắc Khôxêđaút, Nga và tại mỏ Vixôvôi, Nga tháng 7-2011.

Hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam. Ngày 31-10-2010, hai bên đã ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam và tháng 11-2011 hai bên đã ký Hiệp định về việc Nga cấp tín dụng để triển khai dự án trên.

Hợp tác văn hóa - du lịch, giáo dục - đào tạo

- Về du lịch: Hợp tác trong lĩnh vực du lịch ngày càng phát triển. Từ năm 2006 trở lại đây, lượng khách Nga sang Việt Nam tăng trung bình hơn 30%, đạt khoảng hơn 40.000 lượt khách/năm. Từ 1-1-2009, Việt Nam miễn thị thực cho khách Nga vào Việt Nam lưu trú dưới 15 ngày. Trong 9 tháng năm 2012, số lượng khách du lịch Nga vào Việt Nam là 169.200 người.

- Về văn hóa: Các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước được tổ chức thường xuyên, góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga.

- Về giáo dục: Giáo dục đào tạo là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Đến nay đã có hơn 100.000 cử nhân, kỹ sư, cán bộ, chuyên gia... được đào tạo tại LB Nga. Số lượng lưu học sinh Việt Nam tại Nga hiện có khoảng hơn 5.000 người. Mỗi năm có thêm từ 500 - 700 sinh viên của Việt Nam sang học tại các trường Đại học của Nga và con số này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước có nhiều tiềm năng để mở rộng và phát triển. Nga có nhiều trường đại học lớn, uy tín, chất lượng giảng dạy tốt nên sẽ là lựa chọn cho nhiều sinh viên Việt Nam. Đặc biệt các chuyên ngành như năng lượng, kỹ thuật quân sự, y tế, tàu biển... là những ngành Việt Nam đang có nhu cầu phát triển nguồn nhân lực. Năm 2012, Nga cấp cho Việt Nam 400 suất học bổng đại học và sau đại học trong đó dành riếng 70 suất đào tạo chuyên gia hạt nhân. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Việt Nam.

Hợp tác trong các lĩnh vực khác

- Hợp tác an ninh - quốc phòng được đẩy mạnh. Việt Nam và Nga duy trì Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã tiến hành được 13 khoá họp kể từ năm 1999 (khóa họp thứ 13 diễn ra tháng 11-2011 tại Việt Nam).

- Hợp tác khoa học - kỹ thuật tiếp tục được duy trì. Hai nước đã thực hiện gần 60 dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Hợp tác nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới tại Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực.

- Hợp tác địa phương tiếp tục được duy trì và tăng cường thông qua trao đổi đoàn và ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Nhiều địa phương hai nước đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhau, đặc biệt giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Mátxcơva và Xanh Pêtécbua.

Các Hiệp định đã ký kết

Cơ sở điều ước pháp lý mới cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã được tạo dựng khá đầy đủ và đang tiếp tục được hoàn thiện. Từ năm 1991 đến nay, hai nước đã có trên 60 văn kiện hợp tác đã được ký kết thuộc tất cả lĩnh vực như: dầu khí, điện hạt nhân, kinh tế - thương mại, giáo dục - đào tạo, văn hóa - khoa học, kỹ thuật quân sự, trong đó có một số văn kiện quan trọng như:

+ Hiệp định về xử lý nợ của Việt Nam đối với các khoản tín dụng đã được cung cấp trước đây (9-2000);

+ Hiệp định LCP về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam (10-2010);

+ Hiệp định LCP về tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030 (12-2010);

+ Hiệp định LCP về việc cấp tín dụng cho dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận (11-2011);

+ Nghị định thư phê chuẩn Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự (tháng 7-2012);

+ Nghị định thư bổ sung Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga về tương trợ tư pháp và pháp lý các mối quan hệ pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự ngày 25-8-1998 (tháng 7-2012);

+ Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (tháng 7-2012);

+ Bản ghi nhớ về trao đổi các số liệu thống kê thương mại hàng hóa thương mại song phương giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan hải quan Liên bang Nga (tháng 7-2012);

+ Kế hoạch hành động chung về chống buôn lậu giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam và Cơ quan Hải quan Liên bang Nga (tháng 7-2012);

+ Chương trình hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Liên bang Nga giai đoạn 2013-2015 (tháng 7-2012).

Cộng đồng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại LB Nga hiện có khoảng 60.000 - 80.000 người. Một số người đã trở thành doanh nhân thành đạt, đầu tư trực tiếp tại Nga và đầu tư về Việt Nam.

Anh Đức (tổng hợp)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất