Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự ASEM 9 diễn ra tại Vientiane.
Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongsing Thammavong - Chủ tịch Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 9, ngày 4/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị ASEM 9 tổ chức tại thủ đô Vientiane (Lào) từ ngày 4 – 6/11. Hội nghị ASEM năm nay có chủ đề “Bạn bè vì hòa bình - Đối tác vì thịnh vượng”.
Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (gọi tắt là ASEM) đã trải qua 16 năm hình thành và phát triển. Mục tiêu bao trùm của ASEM là gây dựng mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa châu Á và châu Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ, tạo ra sự hiểu biết sâu sắc hơn giữa nhân dân hai châu lục, đồng thời thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng.
Có thể nói rằng, ASEM không chỉ thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia mà còn ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng của mình trong nỗ lực kiến tạo một thế giới hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển. ASEM giờ đây đại diện cho khoảng 60% dân số và 55% GDP toàn cầu.
Qua 8 lần tổ chức hội cấp cao, ASEM đã có 48 thành viên tham gia và đến Hội nghị Cấp cao ASEM 9 lần này sẽ đánh dấu đợt mở rộng lần thứ 4 với việc kết nạp thêm 3 thành viên mới, đó là Bangladesh, Nauy và Thụy sỹ, nâng tổng số thành viên của ASEM lên con số 51.
Đây là lần đầu tiên ASEM kết nạp các nước châu Âu ngoài Liên minh châu Âu, điều này khẳng định sự hình thành cơ chế hợp tác Á-Âu thay vì cơ chế hợp tác châu Á với Liên minh châu Âu trong suốt 16 năm qua. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Myanmar tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM.
Trong bối cảnh thế giới đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn và thách thức mà hiện hữu nhất là khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài, kéo theo tăng trưởng không ổn định, giá lương thực, năng lượng tăng cao, tình trạng thất nghiệp lan rộng đang là nỗi lo của không ít quốc gia…
ASEM 9 với sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước thành viên, Ủy ban châu Âu và Ban Thư ký ASEAN sẽ cùng tiến hành đối thoại, cùng thảo luận, phân tích và định hướng những giải pháp mang tính chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề nổi lên liên quan đến kinh tế - tài chính, các thách thức toàn cầu, các vấn đề khu vực, thúc đẩy hợp tác văn hóa, xã hội và sự phát triển của ASEM trong tương lai.
Với dân số gần 90 triệu dân, nằm trong vị trí chiến lược tại khu vực Đông Á và là thành viên tích cực của tổ chức Thương mại Thế giới cũng như nhiều cơ chế thương mại khu vực và quốc tế, Việt Nam hết sức coi trọng phát triển mối quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư với các nước ASEM.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã chủ trì đề xuất 16 sáng kiến và tham gia đồng bảo trợ 13 sáng kiến khác trong ASEM. Riêng quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
EU là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư và đặc biệt kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đã lên tới hơn 24 tỷ USD.
Việt Nam và các nước EU cũng đã ký Hiệp định khung về Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do FTA Việt Nam - EU…
Trên cơ sở chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM 9 sẽ tiếp tục thể hiện rõ vai trò thành viên tích cực và có trách nhiệm trong đóng góp ý kiến, chia sẻ các vấn đề nóng đang là mối quan tâm của các nước thành viên, nhất là nỗ lực phục hồi kinh tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực.
Chuyến công du lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong ASEM, không chỉ phục vụ tích cực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới./.
(Thành Chung/VOV)