Thứ Ba, 26/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 2/11/2012 22:13'(GMT+7)

Cần công khai bản kê khai tài sản thu nhập về cơ quan và khu dân cư

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng Báo cáo sơ kết 5 năm về công tác PCTN chưa đánh giá một cách chi tiết về công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra về chống tham nhũng. Do đó, cần phải tổng kết một cách sâu sắc những phát sinh để có những căn cứ sửa luật thiết thực hơn. Tham nhũng còn xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác, do đó, cần mở rộng đối tượng điều chỉnh. Bên cạnh đó, cân nhắc thêm các quy định chi tiết hơn về đảm bảo tính mạng, danh dự, tài sản của người tố cáo tham nhũng và quyền yêu cầu thông tin về PCTN.

Đại biểu Trần Quốc Vượng (Tiền Giang) cho rằng, đúng là hiện nay chúng ta chưa nhận thức được quy định gì chưa phù hợp, quy định nào cần có, quy định nào cần sửa…, do đó, vẫn còn nhiều quy định chung chung và dàn trải. Đại biểu Vượng cảnh báo, nếu đưa vào trong luật mà không thực hiện được càng làm mất lòng tin trong nhân dân. Do đó, cần rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng luật khi đưa ra mà không thực hiện được. Đơn cử, thời gian qua, nhiều quy định mang tính chất phòng ngừa chưa thực hiện được (tặng quà biếu, kê khai tài sản, trả lương qua tài khoản, luân chuyển cán bộ lĩnh vực nhạy cảm về tham nhũng).

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) kiến nghị không nên mở rộng đối tượng điều chỉnh mà chủ yếu là tập trung nâng cao hiệu quả PCTN. Theo đó, việc kê khai thu nhập chỉ nên thu hẹp với người có nguy cơ tham nhũng cao, cần thiết phải công khai bản tài sản thu nhập ở cả nơi cư trú và công tác, nhất là ở nơi cư trú vì nó thể hiện được sự giám sát chặt chẽ của nhân dân.

Đại biểu Yến cũng đề xuất, việc tạm đình chỉ hoặc chuyển vị trí công tác đối với người có dấu hiệu tham nhũng cần phù hợp với luật cán bộ công chức hiện hành. Tất nhiên phải xem xét tài liệu bằng chứng của từng vụ việc cụ thể và ở mức độ nào thì cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra Đảng… yêu cầu cơ quan quản lý công chức có hình thức đình chỉ hay chuyển vị trí công tác cho phù hợp.

Theo đại biểu Yến, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức đã có quy định cụ thể nhưng trong thực tế, có những vị trí công tác gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do đó, cần xem xét nghiên cứu thêm với từng vị trí cụ thể để đảm bảo tính thống nhất giữa quy định trong Luật với yêu cầu của cuộc sống và đáp ứng cả tính khả thi của Luật nữa. Ngoài ra, bổ sung thêm quy định về bình đẳng trước pháp luật của tất cả các đối tượng cũng như nhấn mạnh thêm trách nhiệm phòng ngừa bên cạnh trách nhiệm phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng trong quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra...

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) kiến nghị nên đề xuất việc nêu cao tính gương mẫu, tiên phong của những người đứng đầu Chính phủ bằng cách công khai ngay kê khai tài sản trên mạng của cơ quan đó bởi nếu để việc công khai, minh bạch quy định như trong luật một cách dàn trải như thế này thì thì “loãng quá”.

Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) nêu rõ, việc quyết định thay đổi mô hình Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị thể hiện quyết tâm cao của Đảng với công tác PCTN nhưng cũng không cần phải đưa quy định BCĐ Trung ương vào Luật, điều cốt yếu là cần thay đổi thể chế cho phù hợp.

Đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) cho rằng, cần nghiên cứu, thảo luận kỹ về BCĐ Trung ương về PCTN. Thực tế, trong dự thảo lần này, các cơ quan đầu não tiên phong về PCTN hầu hết rơi vào cơ quan hành chính, quản lý nhà nước trong khi đó, tham nhũng phát sinh trong cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, do đó, nếu giao cơ quan điều tra thuộc công an, thanh tra… e rằng sẽ khó giải quyết dứt điểm. Vì thế, để có những giải pháp chuyển biến đẩy mạnh PCTN, nên thành lập cơ quan chuyên trách PCTN. Nếu đã phát hiện, có dấu hiệu vi phạm thì bắt buộc đình chỉ công tác chứ không phải chuyển đổi công tác (điển hình có vụ Vinashin và Vinalines thời gian qua đã tạo điều kiện trốn tránh pháp luật).

Đại biểu Lê Bội Lĩnh (An Giang) cho rằng, cần có những chế định và dứt khoát có quy định về cơ quan xử lý tham nhũng và nhiệm vụ quyền hạn quy định trong Luật này.

Đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) đồng ý rằng không nên đưa BCĐ Trung ương về PCTN vào luật. Tuy nhiên, cũng cần xem xét nếu không quy định trong Luật thì hoạt động có khó khăn gì không vì Luật PCTN không chỉ áp dụng trong nước mà còn tham chiếu công pháp quốc tế…

Trong phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thảo luận kỹ về quy định kê khai tài sản. Có ý kiến cho rằng, việc công khai bản kê khai tài sản thu nhập về cơ quan và khu dân cư là đúng và nên phát triển, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Các đại biểu cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, công tác kiểm kê, kiểm sát quá yếu, có cảm giác như đang dung túng chứ không phải là không làm được. Do đó, đa số các đại biểu đã yêu cầu lần này “đã nói là làm và làm thì tới nơi tới chốn”. Đại biểu Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) nêu rõ, PCTN chưa đạt yêu cầu và nguyên nhân của hạn chế tồn tại đó có yếu tố về luật pháp, vì thế, sửa đổi, bổ sung Luật trong bối cảnh hiện nay là yêu cầu cần thiết. Đại biểu Quân bày tỏ hoan nghênh việc đề cập tới nội dung công khai, minh bạch trong tất cả các cơ quan công quyền nhưng có một số điểm đưa vào vượt quá mức cần thiết, còn chồng chéo, không hài hòa… Nên rút ngắn lại các điều liên quan tới công khai, minh bạch như trong dự thảo luật.

Nhiều đại biểu cũng đề cập tới vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh PCTN nhưng cũng kiến nghị, cần phải đánh giá hài hòa cả hai mặt tích cực của báo chí (phát hiện tham gia, đưa ra công luận) và mặt tiêu cực (có một số báo chí đưa tin thiếu chính xác tạo tâm lý không tích cực, không có lợi). Yêu cầu bổ sung thêm báo chí vào là một kênh phát hiện thông tin bên cạnh vai trò của xã hội đối với PCTN./.

Trọng - Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất