Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia
Mulatu Teshome và Tổng thống nước Cộng hòa Arab Ai Cập Abdel Fattah Al
Sisi, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến
Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia và Cộng hòa Arab Ai Cập từ ngày 23
đến ngày 29/8.
QUAN HỆ HỢP TÁC VIỆT NAM - ETHIOPIA CÒN NHIỀU TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Ethiopia là một trong những vương quốc lâu đời nhất ở châu Phi, có nền
nông nghiệp chiếm vị trí hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân (85% lao
động, 90% tổng thu xuất nhập khẩu, 46% tổng sản phẩm nội địa).
Cho đến nay, chỉ có hơn 10% trong tổng số 790.000 km2 đất nông nghiệp
được khai thác. Những cây trồng chính để xuất khẩu là: càphê, bông, dứa
sợi, thuốc lá, hoa quả, hạt tiêu, mía, gỗ... Ethiopia có số lượng đàn
gia súc lớn nhất châu Phi và đứng thứ 10 trên thế giới, cung cấp thịt
sữa, da cho ngành công nghiệp chế biến.
Hiện Ethiopia được coi là hình mẫu phát triển tại châu Phi, là nước có
tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực (trung bình khoảng 10%
giai đoạn từ 2008 đến nay).
Việt Nam và Ethiopia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1976, hai
nước có quan hệ truyền thống tốt đẹp. Ethiopia ủng hộ Việt Nam ứng cử
Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp
quốc (ECOSOC 2016-2018).
Tháng 4/2014, Ethiopia đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt
Nam. Mới đây, Ethiopia đã khẳng định chính thức ủng hộ Việt Nam ứng cử
Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ
2020-2021. Việt Nam ủng hộ Ethiopia ứng cử vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Y
tế Thế giới (WHO).
Hai bên đã tiến hành ký kết các văn bản như: Hiệp định khung về hợp tác
văn hóa và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật,
thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và
Phòng Thương mại và Công nghiệp Ethiopia.
Về quan hệ kinh tế, năm 2017, kim ngạch song phương đạt 11,3 triệu USD;
trong đó Việt Nam xuất khẩu 2,2 triệu USD chủ yếu là sản phẩm dệt may,
da giày, sản phẩm hóa chất.
Về đầu tư, Viettel có kế hoạch mở rộng đầu tư và kinh doanh một số mặt
hàng thiết bị viễn thông, quân sự sang Ethiopia và đã lập Văn phòng đại
diện tại Addis Ababa từ tháng 8/2016.
Chuyến thăm Ethiopia lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là chuyến
thăm đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam tới quốc gia lớn và đông dân
nhất khu vực Đông Phi và khu vực Sừng châu Phi, là dấu mốc lịch sử trong
quan hệ hai nước, mở ra các triển vọng hợp tác đầu tư và thương mại
giữa hai nước trong những năm tới.
THÚC ĐẨY QUAN HỆ HỮU NGHỊ HỢP TÁC VIỆT NAM - AI CẬP
Việt Nam và Ai Cập có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Ai Cập là
một trong những nước Ả rập đầu tiên có quan hệ với Việt Nam. Từ năm
1958, Việt Nam đã có cơ quan đại diện thương mại tại Ai Cập.
Ngày 1/9/1963, Việt Nam và Ai Cập chính thức thiết lập quan hệ ngoại
giao. Cùng năm đó, Việt Nam mở Đại sứ quán tại Cairo. Năm 1964, Ai Cập
mở Đại sứ quán tại Hà Nội.
Hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc
tế. Hai nước chia sẻ quan điểm trên nhiều vấn đề cùng quan tâm tại Liên
hợp quốc.
Tháng 5/2015, hai nước họp Tham vấn chính trị lần 8 cấp Thứ trưởng Ngoại giao tại Cairo.
Tháng 9/2016, Ai Cập chính thức tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở
Đông Nam Á (TAC) với ASEAN. Hai nước thường xuyên trao đổi thông tin,
hợp tác qua kênh đảng, kênh địa phương và trong các lĩnh vực thanh tra,
văn hóa…
Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Ai Cập đã được thành lập gồm 8 thành viên
do một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi
đồng làm Chủ tịch.
Về quan hệ kinh tế, Ai Cập là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam
tại châu Phi. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt khoảng 350
triệu USD chủ yếu Việt Nam xuất khẩu với các mặt hàng chính gồm hải sản,
linh kiện phụ tùng ô tô, vải sợi, hạt tiêu đen, cà phê, cao su và hàng
tiêu dùng...
Ai Cập là nước Bắc Phi đầu tiên công nhận Việt Nam là nước có nền kinh
tế thị trường đầy đủ (tháng 11/2013). Ai Cập hiện có 3 dự án đăng ký đầu
tư vào Việt Nam với tổng số vốn 2,05 triệu USD.
Ủy ban Liên Chính phủ hai nước đã họp được 5 lần (lần thứ 5 họp tại Hà
Nội từ 21-23/8/2017); Kỳ họp thứ nhất Tiểu ban Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam-Ai Cập diễn ra từ 22-23/4/2018.
Quang cảnh một hội thảo kinh tế thương mại Việt Nam - Ai Cập. (Ảnh: Vietnam+)
Hàng năm, Ai Cập cấp cho Việt Nam 12 học bổng đào tạo sinh viên tiếng Arab.
Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Abdel Fattah Al Sisi, Ai Cập
cam kết hỗ trợ về kỹ thuật và đào tạo từ 10-20 cán bộ về tiêu chuẩn
Halal cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo. Hiện có 11 kỹ sư
Việt Nam làm việc trong dự án nhiệt điện tại Ai Cập, 9 lao động làm việc
trong lĩnh vực nhà hàng và bán lẻ, 3 sinh viên theo học chuyên ngành
hồi giáo.
Trong những năm qua, hai bên đã ký kết một số các hiệp định về thương
mại, hợp tác kinh tế-kỹ thuật, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, hàng
không, hợp tác thanh tra, miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại
giao, đặc biệt và công vụ; nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại
giao...
Hai nước cũng đã ký các thỏa thuận hợp tác như: du lịch, thăm dò, khai
thác dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Công ty
Dầu khí Ai Cập, hội chợ và triển lãm, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ,
thành lập Hội đồng kinh doanh hỗn hợp Việt Nam-Ai Cập, hợp tác xúc tiến
đầu tư, hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Đầu tư và Hợp
tác quốc tế Ai Cập; chương trình hợp tác văn hóa, hợp tác du lịch...
Chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia và Cộng hòa
Arab Ai Cập của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân khẳng định
Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa
dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó, luôn coi trọng tăng cường quan hệ
hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi nói chung và Ethiopia và với
Ai Cập nói riêng.
Chuyến thăm cũng là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy hơn
nữa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư; tìm
kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh như nông
nghiệp, văn hóa, du lịch./.
(TTXVN)