(TCTG)- Hội nhập kinh tế quốc tế theo đường lối của Đảng và Nhà nước đề ra là một quá trình lâu dài phức tạp và gian khô,í nhưng nhất định sẽ thành công. Thế hệ trẻ Việt nam có vai trò quan trọng trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu của chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế.
Xu thế toàn cầu hoá kinh tế
Ngày nay vấn đề “Toàn cầu hoá kinh tế” là một sự thế khách quan đang diễn ra trên thế giới, do lực lượng sản xuất ngày càng mang tính chất quốc tế hoá, đặc biệt là từ khi cuộc cách mạng khoa học và công nghệ bùng nổ. Xu thế trên đây thúc đẩy các quốc gia phải có chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế.
Toàn cầu hoá kinh tế không chỉ diễn ra trong lĩnh vực sản xuất mà còn cả trong lưu thông, tài chính, ngân hàng, dịch vụ… Nhiều sản phẩm tiêu dùng cho sản xuất và cá nhân đang do các công ty xuyên quốc gia nắm toàn bộ. Theo thống kê của các cơ quan kinh tế, trên thế giới có khoảng 38.000 công ty xuyên quốc gia mẹ và 140.000 chi nhánh (công ty con) phụ thuộc. Các công ty xuyên quốc gia chi phối 90% đầu tư trực tiếp, chiếm lĩnh 80% công nghệ mới, nắm giữ trên 50% sản lượng công nghiệp thế giới và hơn 60% buôn bán thương mại quốc tế, trong đó có những mặt hàng tới 90% như chè, cà phê, ca cao… Lợi nhuận thu được của các công ty xuyên quốc gia hàng năm lên tới hàng tỷ USD. Nền kinh tế nước ta đang có nhu cầu bức thiết phải phát triển để tiến lên hiện đại, mặt khác xu thế toàn cầu hoá kinh tế cũng thúc ép ta phải có chiến lược hội nhập nền kinh tế của mình với kinh tế thế giới, trước hết là các nước láng giềng, các nước ASEAN và một số nước khác trên thế giới; nếu không thì cũng rất khó khăn trong việc phát triển đất nước để tiến lên hiện dại và văn minh. Vì vậy, mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế đang thực sự là vấn đề chiến lược đối với nước ta.
Hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết. Song cái khó nhất là ở chỗ hội nhập nhưng không để bị hoà tan, không chệch định hướng XHCN, không rơi vào cái bẫy mắc nợ triền miên với các nước tư bản để rồi phải phụ thuộc vào họ cả về kinh tế và chính trị, do đó cần phải có chiến lược và sách lược khôn ngoan trong hội nhập kinh tế quốc tế cả trước mắt cũng như lâu dài. Chiến lược và sách lược đó phải được xây dựng trên những nguyên tắc cơ bản sau đây:
- Giữ vững độc lập tự chủ về chính trị đi đôi với mở rộng hợp tác phát triển kinh tế bảo đảm các bên cùng có lợi.
- Đa phương hoá và đa dạng hoá để có nhiều đối tác và hình thức phát triển quan hệ kinh tế đạt hiệu quả cao nhất.
- Bảo đảm cho đất nước vừa phát triển nhanh kinh tế vừa tiến lên theo đúng định hướng XHCN, từng bước thực hiện được mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thanh niên – một lực lượng quan trọng tham gia thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế
- Muốn thực hiện thắng lợi những mục tiêu mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh quốc tế hiện nay, ngoài sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương đường lối chiến lược đúng và sách lược khôn ngoan, còn phải có những con người có đủ khả năng để tổ chức thực hiện có kết quả những chủ trương đường lối chính sách đó trong thực tiễn. Thế hệ thanh niên được coi là lực lượng xung kích, đi đầu thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế. Nghị quyết trung ương VII (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá và mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế cũng nhằm mục đích tạo điều kiện giúp thế hệ thanh niên xứng đáng là lực lượng xung kích đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế.
- Trong lịch sử cũng như hiện tại, dù ở đâu, đánh giặc, bảo vệ tổ quốc hay xây dựng phát triển kinh tế, tổ chức đời sống xã hội, các thế hệ thanh niên nước ta đều được coi là lực lượng xung kích của dân tộc, đi đầu và có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể nói, tuyệt đại bộ phận thế hệ trẻ nước ta hiện nay họ đang tích cực đem sức lực và tài năng của mình thực hiện các mục tiêu của hội nhập kinh tế quốc tế theo đường lối chủ trương lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Lợi ích kinh tế – xã hội mà thế hệ trẻ tham gia vào việc mở rộng kinh tế với nước ngoài đem lại cho đất nước và gia đình trong những năm qua cũng không nhỏ. Tuy nhiên, đáng tiếc là vẫn còn một số nam, nữ thanh niên nước ta chưa quan tâm góp sức mình cùng với thế hệ trẻ tham gia thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế. Họ thờ ơ đứng ngoài cuộc, có người thì chạy theo lợi ích cá nhân vị kỉ làm ăn kinh tế phi pháp, lợi mình, thiệt hại quốc gia, có kẻ lao vào con đường ăn chơi nghiện hút, trộm cắp, huỷ hoại thể chất và tinh thần của bản thân, gây thiệt hại cho kinh tế gia đình cha mẹ. Cần phải có những biện pháp giáo dục để giúp họ sửa chữa sai lầm và trở thành người có ích cho xã hội
Trong giai đoạn hiện nay, đứng trước sự phát triển ngày càng cao của nền kinh tế thị trường ở nhiều nước trên thế giới và sự cạnh tranh kinh tế cũng gay gắt, thậm chí khốc liệt hơn, vấn đề gì đặt ra với nhà nước và thế hệ trẻ? Theo chúng tôi nghĩ, Nhà nước cần phải ban hành đầy đủ các chính sách và qui chế cụ thể, tháo gỡ khó khăn tạo ra hành lang pháp luật và hành lang kinh tế thuận lợi nhất cho việc thực hiện các quan hệ kinh tế đối ngoại; đào tạo cán bộ có tài năng làm kinh tế đối ngoại giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Về phía thế hệ trẻ Việt nam phải có trách nhiệm tham gia một cách tích cực có hiệu quả vào quá trình thực hiện các mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra trong hội nhập kinh tế quốc tế. Muốn vậy thế hệ thanh niên ngày nay phải ra sức phấn đấu học tập, rèn luyện để có được trình độ, năng lực và bản lĩnh cách mạng sau đây của những người làm kinh tế nói chung và kinh tế đối ngoại nói riêng:
Một là: Phải trung thành tuyệt đối với đường lối xây dựng đất nước nói chung và mở rộng kinh tế đối ngoại nói riêng của Đảng và Nhà nước ta. Luôn trau dồi đạo đức, lý tưởng cách mạng, có lối sống văn hóa để trở thành những người có phẩm chất tốt đẹp, có khí phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hai là: Phải hiểu biết một cách nhuần nhuyễn các qui luật của nền kinh tế thị trường vận động trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội ở các khâu sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng, ở các hoàn cảnh cụ thể của thị trường trong nước và thị trường thế giới để vận dụng một cách sáng tạo vào việc giải quyết các công việc sản xuất kinh doanh đối ngoại của mình, đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sự rủi ro hoặc thiếu trách nhiệm gây ra.
Ba là: Không ngừng học tập bồi dưỡng để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ, trình độ hiểu biết luật pháp đặc biệt là luật kinh tế để giải quyết một cách thông thạo các quan hệ giao dịch và kinh doanh ngang tầm đòi hỏi của thị trường thế giới.
Bốn là: Biết tìm kiếm và phát hiện kịp thời những thế mạnh của sản xuất và thị trường trong nước và thế yếu của thị trường thế giới để khai thác tốt nhất trong việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại của nước ta theo hướng đa phương và đa dạng hoá.
Năm là: Làm công việc gì, ở đâu, với nước nào, cũng đều phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Trong bất cứ trường hợp nào cũng đều phải giữ vững mục tiêu đưa nền kinh tế nước ta đi theo định hướng XHCN, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh mất lợi ích chính trị xã hội lâu dài.
Sáu là: Góp phần thực hiện tốt các cam kết với tổ chức thương mại quốc tế WTO và các quan hệ thương mại song phương khác để chứng tỏ rằng Việt Nam là đối tác làm ăn tin cậy của họ.
Hội nhập kinh tế quốc tế theo đường lối của Đảng và Nhà nước đề ra là một quá trình lâu dài phức tạp và gian khô,í nhưng nhất định sẽ thành công. Thế hệ trẻ Việt nam có vai trò quan trọng trong việc tham gia thực hiện các mục tiêu của chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và được giáo dục đào tạo trong môi trường mới, chắc chắn là họ sẽ có đủ năng lực và trí tuệ để hoàn thành được những nhiệm vụ của xã hội giao cho./.
PGS. TS Cao Duy Hạ
Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh