Hàng loạt những lùm xùm liên quan đến một số nghệ sỹ, người nổi tiếng trong thời gian gần đây như nghệ sỹ tham gia quảng cáo có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm gây những hệ luỵ đáng tiếc; nghệ sỹ phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội; nghệ sỹ kêu gọi cộng đồng quyên góp từ thiện nhưng lại chưa thực hiện giải ngân như cam kết với các nhà tài trợ… đã làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sỹ, gây bức xúc trong cộng đồng.
Tràn lan quảng cáo quá sự thật
Nghệ sỹ Hồng Vân vừa công khai xin lỗi đến khán giả và thừa nhận đã thiếu sót trong việc kiểm tra độ uy tín của sản phẩm khi tham gia quảng cáo. Cụ thể, nghệ sỹ Hồng Vân đã nhận xét sản phẩm chị quảng cáo có tác dụng làm khối u trong cơ thể họ nhỏ đi, bệnh tình thuyên giảm mà không cần phẫu thuật. Nhưng trên thực tế, sản phẩm đó chỉ là thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe thông thường, chứ không phải là thuốc có thể chữa bệnh. Việc Hồng Vân quảng cáo không đúng sự thật đã gây cho người tiêu dùng hiểu nhầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh, khiến nhiều khán giả bức xúc.
Diễn viên, MC Quyền Linh cũng đã bày tỏ sự hối hận và gửi lời xin lỗi khán giả vì đã thiếu tiết chế khi giới thiệu về một sản phẩm trên trang cá nhân, dẫn đến việc "thổi phồng" công dụng của sản phẩm, cho rằng sản phẩm có tác dụng điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường, nhưng thực tế trong giấy xác nhận quảng cáo được Cục An toàn Thực phẩm cấp, công dụng của sản phẩm này không như vậy.
Trước đó, trên trang cá nhân, nghệ sỹ Nam Thư cũng đăng tải bài viết nhận lỗi về việc quảng cáo một loại tiền ảo từng bị cảnh báo là lừa đảo khiến dư luận phản ứng, trong khi nhiều nghệ sỹ khác cũng tham gia quảng cáo và lặng lẽ gỡ bài khi vấp phải sự phản ứng của dư luận…
Hàng loạt các sản phẩm như mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng, thuốc chữa ung thư... được một số nghệ sỹ nổi tiếng quảng cáo trên các kênh Facebook, YouTube, TikTok… nhưng bị cho là đã quảng cáo quá sự thật về công dụng của sản phẩm, khiến nhiều người bức xúc. Nhiều nghệ sỹ đã lên tiếng xin lỗi công chúng và hứa sẽ rút kinh nghiệm từ bài học đắt giá này để hạn chế những lỗi lầm tương tự, gây ảnh hưởng đến uy tín và sự mến mộ, tin cậy của công chúng.
Nếu như một số nghệ sỹ nổi tiếng dính scandal liên quan đến quảng cáo không đúng sự thật, nghệ sỹ Đức Hải bị cộng đồng mạng chỉ trích vì có phát ngôn thô tục, gây phản cảm trên trang cá nhân, gây bức xúc trong cộng đồng; nghệ sỹ Hoài Linh bị chỉ trích vì chậm giải ngân khoảng 14 tỷ đồng tiền ủng hộ bà con miền Trung gặp thiên tai. 6 tháng sau khi tổ chức quyên góp, nghệ sỹ Hoài Linh vẫn chưa tiến hành trao cho các địa phương bị thiên tai như đã hứa, cho đến khi vụ việc bị vỡ lở… khiến nhiều người lên án.
Có thể nói, những lùm xùm liên quan đến nghệ sỹ trong thời gian qua đã khiến cho nhiều người bức xúc, đồng thời làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sỹ trong lòng công chúng.
Tăng cường công tác quản lý
Trước hiện tượng có một bộ phận nghệ sỹ, người nổi tiếng tham gia hoạt động quảng cáo có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm, gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 1854/BVHTTDL-NTBD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam về việc tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông ký nêu rõ, trong những năm qua, hoạt động văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc cơ bản được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, gần đây một số nghệ sỹ, diễn viên tham gia hoạt động quảng cáo có nội dung không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm; sử dụng mạng xã hội truyền tải thông tin chưa xác thực, thiếu kiểm chứng, xúc phạm cá nhân. Một số tổ chức, cá nhân phổ biến, lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống của dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, nhân phẩm, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sỹ và gây bức xúc trong nhân dân…
Để kịp thời phát huy những mặt tích cực, đồng thời chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực nêu trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với những hoạt động diễn ra trên địa bàn.
Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan; yêu cầu lãnh đạo đơn vị quản lý các nghệ sỹ, diễn viên (công lập và ngoài công lập) tăng cường phổ biến các quy định pháp luật, định hướng cho đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên thuộc đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm, uy tín của bản thân đối với cộng đồng, xã hội; có quy chế quản lý, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp có sai phạm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam chỉ đạo lãnh đạo các tổ chức thành viên đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đến các hội viên; yêu cầu các hội viên tham gia hoạt động nghề nghiệp, hoạt động xã hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, lan tỏa những việc làm tốt, những hình ảnh đẹp, tác phong, ứng xử văn hóa đến cộng đồng, xã hội và thực hiện nghiêm điều lệ, nội quy, quy chế của Hội, các quy định pháp luật có liên quan; tăng cường chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý hội viên.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đề nghị các nghệ sỹ cần phải cẩn trọng tìm hiểu kỹ từng sản phẩm mà mình quảng cáo hay đại diện thương hiệu để tránh những hậu quả đáng tiếc nếu sản phẩm không đúng như quảng cáo. "Đã là nghệ sỹ, là người của công chúng và là người có ảnh hưởng thì dẫu khi hoạt động nghề nghiệp hay đi bất kỳ đâu, kể cả trên trang mạng xã hội cá nhân cũng phải giữ gìn hình ảnh của mình và trên hết là trách nhiệm của một công dân. Hơn nữa, điều tối quan trọng với nghệ sỹ là họ phải tự là "barie" cho chính mình. Công chúng không bao giờ chấp nhận người làm văn hóa, nghệ thuật mà lại có những hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Vương Duy Biên chia sẻ: Văn bản của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn hoá nghệ thuật là rất kịp thời và vô cùng cần thiết. Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thống nhất sẽ gửi văn bản theo hướng chỉ đạo này của Bộ tới các Hội Văn học nghệ thuật địa phương và các hội chuyên ngành trung ương, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch để quản lý tốt hơn lực lượng văn nghệ sỹ.
"Những đóng góp của giới văn nghệ sỹ từ trước tới nay đều đa phần là tích cực, chỉ có một số ít người có biểu hiện lệch chuẩn, đi ngược lại với thuộc tính tốt đẹp của văn học nghệ thuật. Chắc chắn Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ phối hợp tích cực với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thực hiện tốt vai trò quản lý trong lĩnh vực này", Nghệ sỹ Nhân dân Vương Duy Biên khẳng định./.
Theo TTXVN