Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Tư, 23/4/2014 21:50'(GMT+7)

Tăng cường quản lý nhà nước trong công tác giảm nghèo

Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn vay phát triển nuôi bò hiệu quả. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn vay phát triển nuôi bò hiệu quả. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Các ý kiến đánh giá thành công của chính sách giảm nghèo đã khẳng định đường lối, quan điểm xuyên suốt của Đảng là quyết tâm chính trị và là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo.

Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của Quốc hội hàng năm, giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu. Bình quân giai đoạn này, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 2,5%. Kết quả giảm nghèo diễn ra ở tất cả các vùng, miền, thành thị và nông thôn trong các nhóm đối tượng.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn những hạn chế, thách thức như chuẩn nghèo thấp, chưa phù hợp cuộc sống thực tế. Khoảng cách chênh lệch về mức độ nghèo có xu hướng gia tăng ở một số khu vực. Tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao...

Qua phân tích, đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cho rằng nguyên nhân của những hạn chế trong chính sách giảm nghèo do công tác quản lý nhà nước, phối hợp trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo vẫn còn phân tán, thiếu liên kết, không lồng ghép được chính sách đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả giảm nghèo.

Một số ý kiến cho rằng nền kinh tế có xuất phát điểm thấp và đang trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp hóa và thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; việc huy động nguồn lực khó khăn cũng là những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác giảm nghèo.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đánh giá công tác giảm nghèo ở một số địa phương vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức từ cấp ủy đảng, chính quyền là nguyên nhân hạn chế trong công tác giảm nghèo. Cơ sở hạ tầng, đời sống ở các thôn, bản nơi xa trung tâm xã, cụm xã còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; phong tục, tập quán, lối sống của một số đồng bào còn lạc hậu, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại chính sách của Nhà nước...

Theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc, phải xác định được nguyên nhân đói nghèo ở từng địa phương mới đưa ra được các giải pháp, cách làm phù hợp.

Trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005-2020” tập trung vào việc định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau 2015, ưu tiên bảo đảm nguồn lực đối với chính sách giảm nghèo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phân công, phân cấp cụ thể trách nhiệm, đổi mới cơ chế điều hành và hoàn thiện khung tiêu chính đánh giá hiệu quả giảm nghèo...

Chính phủ khẩn trương rà soát các văn bản liên quan đến chính sách, pháp luật giảm nghèo, tập trung, sắp xếp hợp lý theo hướng giảm số lượng văn bản, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp, trách nhiệm rõ ràng; đảm bảo cân đối nguồn lực cho các chính sách; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia xây dựng chính sách và tiếp cận chính sách. Nghiên cứu xây dựng chính sách giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều sau năm 2015 để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững…

Các địa phương cần cụ thể hóa các mục tiêu giảm nghèo vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương thông qua các nghị quyết chuyên đề của cấp ủy và hội đồng nhân dân; đổi mới cách thức tổ chức, thực hiện giảm nghèo, quan tâm “giảm nghèo theo địa chỉ”; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả...

Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012” sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII họp vào tháng Năm tới./.

(TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất