(TG) - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải nhấn mạnh: Một trong những ưu điểm lớn của Đề án Chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh là tăng cường quyền làm chủ của người dân. Để Đề án đạt được hiệu quả tối ưu, sớm được triển khai áp dụng trên thực tế, rất cần sự vào cuộc của các ban, bộ, ngành Trung ương...
Dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương về Dự thảo Thí điểm Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh.
Tham dự Hội nghị có đại diện, lãnh đạo các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính...
Tại Hội nghị, hầu hết ý kiến của đại diện các cơ quan Trung ương đều bảy tỏ sự ủng hộ và đánh giá cao những nội dung của Dự thảo Đề án mà TP. Hồ Chí Minh xây dựng; coi đây là một đột phá trong việc đổi mới Tổ chức chính quyền địa phương trong hệ thống hành chính quốc gia... Đồng thời các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến vào một số nội dung cần tiếp tục làm rõ hơn nữa của Đề án.
Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khẳng định: Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng và phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong việc cải cách nền hành chính vì lợi ích của dân. Vì chưa có mô hình thực tiễn, lại là thí điểm nên không thể tránh khỏi những điểm còn hạn chế, khiếm khuyết. Tuy nhiên không vì khó mà ngại làm, bởi vì điều gì mà chính quyền đã cố gắng vì lợi ích nhân dân, phục vụ nhân dân thì phải làm đến cùng. Điều quan trọng nhất là quá trình thực hiện cần khẩn trương, tích cực bổ sung hoàn thiện những điều chưa phù hợp. Việc xin cơ chế đặc thù cho Thành phố chính là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình triển khai, thực hiện thí điểm Đề án. Từ đặc thù này mới tính tiếp tới câu chuyện phân cấp, quản lý, bố trí, đề bạt cán bộ…
Cũng theo ông Đặng Ngọc Tùng, vấn đề đặt ra là Đề án xây dựng mô hình Chính quyền đô thị TP. Hồ Chí Minh có khắc phục được những bất cập của mô hình hiện tại hay chưa? Công tác cải cách hành chính, phục vụ nhân dân và hiệu quả quản lý có tốt, có cao hơn không?
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Quang Khánh cũng đánh giá cao vai trò sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh trong việc tiến hành thí điểm mô hình này. Ông cho rằng Đề án chặt chẽ, công phu, khoa học, xử lý được vấn đề phân cấp quản lý. Tuy nhiên, Đề án chưa thể hiện một cách đầy đủ về mô hình tổ chức bộ máy...
Trưởng cơ quan Thường trực của Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP. Hồ Chí Minh - ông Đào Văn Lừng nhấn mạnh: Thành công của Đề án sẽ tạo tiền đề cho một chính quyền năng động, hiệu quả hơn, đáp ứng được mong muốn của nhân dân. Là một thành phố đã có nhiều kinh nghiệm và truyền thống đi đầu trong các phong trào đổi mới, áp dụng nhiều cách làm mới rất thành công và được nhân rộng trong cả nước, cho nên, việc thực hiện thí điểm Đề án chắc chắn sẽ thành công.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Đề án cần làm rõ hơn nữa mối quan hệ lãnh đạo chính quyền TP. Hồ Chí Minh với 4 thành phố mới; mối quan hệ lãnh đạo, quản lý của chính quyền Thành phố với xã, thị trấn trong Chính quyền đô thị; quan hệ giữa chính quyền Thành phố với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ban ngành...
Các đại biểu tham dự Hội nghị còn góp ý, trao đổi những nội dung liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền về tài chính công trong mô hình Chính quyền đô thị; một số thuật ngữ của Đề án cần chính xác và bài bản hơn; những thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện Đề án trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới đang khó khăn về kinh tế, nợ công…
Phát biểu tại Hội nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải đánh giá cao những góp ý của đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương vào Dự thảo Đề án; đề nghị Ban Soạn thảo Đề án nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại diện các cơ quan Trung ương nhằm bổ sung, hoàn thiện Đề án.
Bên cạnh việc tiếp tục khẳng định những ưu điểm của Đề án Chính quyền đô thị, trong đó nổi bật là tăng cường quyền làm chủ của người dân, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh cũng đã giải đáp một số vấn đề liên quan đến những ý kiến mà đại biểu đặt ra tại Hội nghị.
"TP. Hồ Chí Minh đã và đang có những bước đi cẩn trọng và tiến độ phù hợp. Để Đề án đạt được hiệu quả tối ưu, sớm được triển khai áp dụng trên thực tế, Thành phố rất cần sự vào cuộc của các ban, bộ, ngành Trung ương, nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành..." - Bí thư Thành uỷ Lê Thanh Hải nhấn mạnh./.
Trung Nguyên