Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 8/2/2012 22:10'(GMT+7)

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử địa phương ở Sơn La

Nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc nhận thức sâu sắc hơn về truyền thống đấu tranh cách mạng địa phương; trên cơ sở đó giáo dục, bồi dưỡng niềm tin cách mạng, xây dựng thái độ tích cực, động cơ đúng đắn trong nhận thức và hành động của nhân dân nhất là đối với thế hệ trẻ. Thực hiện chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28.8.2002 của Ban Bí thư trung ương Đảng, Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 28.03.2006 của Ban thường vụ tỉnh ủy Sơn La về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử địa phương”. Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng địa phương ở Sơn La được chỉ đạo, triển khai thực hiện tích cực, dành được kết quả quan trọng. Nội dung nghiên cứu và tuyên truyền giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng sát với chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, tình hình thực tiễn của địa phương. Các xã Chiềng Cang, Mường Sai, Thị trấn Sông Mã, Mường Lầm, Chiềng En, Chiềng Khương (Sông Mã), Mường Do (Phù Yên), Song Khủa (Mộc Châu), đã xuất bản và phát hành lịch sử Đảng bộ giai đoạn từ năm 1945-2000; số xã, phường, thị trấn còn lại (những đơn vị được lựa chọn triển khai nghiên cứu, biên soạn) đang trong quá trình hoàn thành bản thảo, tổ chức hội thảo lần II. Nhiều công trình được nghiên cứu, xuất bản như Lịch sử 60 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Sơn La với các tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Bang (1948 – 2008); Những tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Lịch Sử Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La (1945-2010), Lịch sử Đảng bộ huyện Mai Sơn (tập 2)...; Ban Tuyên giáo các huyện, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc đã tham mưu giúp cấp uỷ thành lập Ban chỉ đạo, nhóm biên soạn, xây dựng quy chế hoạt động về tổ chức triển khai nghiên cứu, biên soạn đề cương bài giảng lịch sử truyền thống cách mạng địa phương đưa vào giảng dạy ở bậc trung học cơ sở; hệ đào tạo trung cấp, sơ cấp; các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, bước đầu đạt được kết quả quan trọng; Công tác tuyên truyền lịch sử truyền thống cách mạng địa phương đã được các cấp, các ngành, các đơn vị triển khai bằng nhiều hình thức trong dịp tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và ngày truyền thống của ngành, đơn vị. Đề xuất xây dựng tượng đài anh hùng liệt sĩ Lò Văn Giá; xây dựng tượng đài chiến thắng chiến dịch Tây Bắc 1952 và cụm cứ điểm Nà Sản; đặt tên đường, tên phố phù hợp với nhân vật có công ở địa phương. Trong các trường học tổ chức ngoại khóa các hình thức như “Nhà sử học nhỏ tuổi”, “Rung chuông vàng”, “Sân chơi trí tuệ”, tổ chức cho học sinh thăm quan di tích lịch sử…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế:

Nhận thức của một số cấp uỷ về việc tổ chức nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền và giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng địa phương chưa sâu sát, lúng túng. Nội dung dự thảo đề cương bài giảng đưa lịch sử địa phương đưa vào giảng dạy bậc trung học cơ sở, hệ đào tạo trung cấp, sơ cấp; các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị của một số huyện, thành phố nhìn chung chưa khoa học, hợp lý về thời lượng.

Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo tỉnh ủy và Sở giáo dục và Đào tạo. Do vậy, trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy, nhất là bậc trung học cơ sở có nhiều vấn đề chưa thống nhất. Kinh phí đầu tư cho công tác biên soạn đề cương bài giảng lịch sử truyền thống cách mạng địa phương gặp nhiều khó khăn, hầu như chưa có. Tư liệu nghèo nàn, khả năng và kinh nghiệm nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống cách mạng địa phương ở một số cơ sở còn hạn chế.

Một số phương hướng nhiệm vụ năm 2012:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng địa phương bằng nhiều hình thức trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; Triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ các xã, phường, thị trấn đảm bảo theo kế hoạch tiến độ, nâng cao chất lượng.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch 169 -KH/TU ngày 7.4.2010 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ về việc đưa nội dung lịch sử truyền thống cách mạng vào giảng dạy ở trường học, các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Chú trọng công tác tham mưu nghiên cứu lịch sử truyền thống cách mạng địa phương bằng hình thức tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề.

Tiến hành sơ kết, tổng kết công tác nghiên cứu, biên soạn và giáo dục lịch sử nhằm đánh giá sát, đúng kết quả đạt được, rút kinh nghiệm, khắc phục những vấn đề còn hạn chế yếu kém được kịp thời. Tham mưu với Ban thường vụ tỉnh ủy tổ chức sơ kết 10 năm thực hiện chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban bí thư về tăng cường sự và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn./.

Hoàng Trọng Đại - Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất