Thứ Bảy, 21/9/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 1/9/2015 20:41'(GMT+7)

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

Ngày 05/11/2012, Ban Bí thư (Khóa XI) ban hành chỉ thị 19-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”. Trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn bộ hệ thống chính trị đã triển khai một số nội dung: Đổi mới về cách thức, phương pháp tuyên truyền. Tập trung xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục riêng trên đài phát thanh, truyền hình, báo đài địa phương. Nội dung tuyên truyền phong phú bao gồm chính sách, pháp luật về dạy nghề, chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; giới thiệu các mô hình, cá nhân điển hình trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong quá trình tuyên truyền, tư vấn học nghề còn kết hợp cả định hướng nghề nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Công tác tuyên truyền cũng được lồng ghép với các phong trào hội, đoàn thể của địa phương.

Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy nghề hàng năm, trung hạn, dài hạn; rà soát danh mục nghề đào tạo, xác định chỉ đào tạo các nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau khi học nghề; dạy nghề gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ban cán sự đảng Chính phủ, ban cán sự đảng các bộ, ngành Trung ương liên quan đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn lực của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020. Thực hiện sửa đổi, bổ sung một số cơ, chế chính sách và bảo đảm nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả nội dung Chỉ thị.

Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác dạy nghề cho lao động nông thôn thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp được thể hiện qua các chỉ thị, nghị quyết, đề án,…

Sau gần 3 năm thực hiện, việc triển khai Chỉ thị 19 đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau: 

Nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và bộ phận lớn cán bộ, đảng viên, nhân dân về dạy nghề, phát triển nhân lực nông thông đã có những chuyển biến tích cực. Nhân dân đã có sự nhận thức sâu sắc hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để được hỗ trợ tiền ăn, học để oai, học cho biết chuyển sang học nghề để mưu sinh, phát triển kinh tế gia đình, phát triển sản xuất, học để nâng cao tri thức, học để có nghề nghiệp ổn định. Vì thế số người học nghề ngày càng tăng, chất lượng học viên cũng được nâng lên. Các cơ sở dạy nghề chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, địa phương; thực hiện tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn.

Công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đã đi vào nề nếp, ổn định từ công tác chỉ đạo đến triển khai, thực hiện. Có 4.355 lượt nghề đào tạo cho lao động nông thôn được phê duyệt bao gồm 1.719 nghề nông nghiệp và 2.636 nghề phi nông nghiệp; ban hành định mức chi phí đào tạo cho 3.657 lượt nghề bao gồm 1.457 nghề nông nghiệp và 2.200 nghề phi nông nghiệp. Các địa phương đã huy động 1.710 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có 102 trường cao đẳng nghề, 181 trường trung cấp nghề, 593 trung tâm dạy nghề, 273 doanh nghiệp và 561 cơ sở khác.

Trong giai đoạn 2013-2014 đã có 1.065.378 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, tăng 46% so với bình quân giai đoạn 2010-2012. Tỷ lệ lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề có việc làm tăng lên và đạt 80,36%. Số lao động nông thôn có việc làm ổn định, bền vững (làm trong các doanh nghiệp, tự thành lập tổ, nhóm sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp) trong giai đoạn 2013-2014 tăng 17%. Điều này chứng tỏ Chỉ thị 19-CT/TW đã bước đầu tạo ra sự chuyển biến trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt và đạt được kết quả như trong Chỉ thị đã nêu, cần sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của toàn hệ thống chính trị./.

Ngô Thanh Long 
Ban Tuyên giáo Trung ương

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất