Thứ Sáu, 20/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Ba, 24/12/2013 21:34'(GMT+7)

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động nông dân

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới và hơn 6 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và khá toàn diện. Nông nghiệp tiếp tục phát triển với tốc độ khá cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ một nước hằng năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, nông nghiệp nước ta đã vươn lên trở thành “cường quốc” về xuất khẩu gạo, cà phê và một số hàng hóa nông sản khác trên thị trường thế giới; công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong những thời điểm nước ta chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Những thành tựu của nông nghiệp, nông thôn do người nông dân đóng vai trò chính đã góp phần quan trọng vào thành công bước đầu của công cuộc đổi mới, đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Diện mạo của đất nước và đời sống của người nông dân có nhiều thay đổi, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, là sự khẳng định tính đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế thị trường phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh về kinh tế - thương mại, thị trường... giữa các nước ngày càng gay gắt. Bên cạnh những tác động tích cực, đã và đang xuất hiện những mặt trái, tiêu cực, tác động đến đời sống, tư tưởng của nông dân. Tình trạng nghèo khó trong một bộ phận nông dân, chênh lệch thu nhập, những tiêu cực trong xã hội, nhất là tình trạng tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm ảnh hưởng, xói mòn lòng tin của một bộ phận nông dân với Đảng, Nhà nước.

Trong khi đó, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” chậm đổi mới, chậm cụ thể hóa. Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác vận động nông dân; chưa tạo điều kiện cho các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân hoạt động có hiệu quả; chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân và tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết những bức xúc của nông dân.

Để phát huy vai trò của hội nông dân các cấp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác vận động nông dân trong tình hình hiện nay, vấn đề đặt ra là phải tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người nông dân, hỗ trợ nông dân vươn lên thực hiện vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nông nghiệp đã làm tốt vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Tuy nhiên hiện nay thể chế kinh tế và cơ chế quản lý trong nông nghiệp cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nhằm khắc phục tình trạng sản phẩm nông nghiệp làm ra có giá trị thấp, rủi ro cao, thu nhập của người nông dân ngày càng giảm, đời sống khó khăn.

Theo kết quả điều tra năm 2012 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, tại 12 tỉnh, thành và của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chi tiêu của các hộ nông thôn tăng mạnh trong khi tỷ lệ hộ nghèo không giảm, thậm chí số hộ tái nghèo lại tăng. Thu nhập trung bình của những hộ thuần nông gồm 4 người chỉ được 1.458.000 đồng/tháng. Như vậy, thu nhập bình quân đầu người của nông dân chỉ khoảng 4,2 triệu đồng/năm, tương đương 200 USD, trong khi mức thu nhập bình quân đầu người toàn quốc năm 2012 khoảng 1.600 USD.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng không ít chính sách vẫn còn xa rời cuộc sống của nông dân. Một số chính sách ưu đãi liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nông dân, như chính sách về đất đai, vốn vay, hỗ trợ lãi suất, trợ cước, trợ giá vật tư nông nghiệp, thu mua, tạm trữ nông sản hàng hóa... nhưng đối tượng hưởng lợi chủ yếu là doanh nghiệp, ít đến tay nông dân, tạo ra những bất bình, bức xúc trong nông dân, nông thôn. Đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế, dàn trải, kém hiệu quả. Trong lúc ngành nông nghiệp rất cần vốn để đầu tư cho sản xuất thì đầu tư vào nông nghiệp lại rất hạn chế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này hiện chỉ chiếm 1 - 2% so với con số 7 - 10% cách đây 10 năm. Hiện nay, nông dân càng làm ra nhiều sản phẩm càng lỗ, lúa gạo xuất khẩu càng nhiều đời sống của nông dân càng khó khăn. Nghịch lý này không chỉ xảy ra với người trồng lúa, mà cả người chăn nuôi, trồng cây trái, hoa quả, rau màu,... Một số chính sách, chương trình đã được đưa ra nhưng gần như chưa có tác dụng.

Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do việc hoạch định chính sách còn thiếu cơ sở khoa học và thiếu thực tế. Nông dân ít có cơ hội tham gia xây dựng chính sách hoặc đề đạt nguyện vọng với cấp trên. Nhiều chính sách cho nông dân nhưng không tham khảo ý kiến của nông dân và tổ chức đại diện cho quyền lợi của họ. Vấn đề đặt ra hiện nay là các nhà hoạch định chính sách cần phải trực tiếp tiếp xúc với nông dân, gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu cái họ cần và cái họ thiếu để hoạch định chính sách cho phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, cách làm này chưa được các cơ quan ban hành chính sách và cơ quan giám sát việc thực thi chính sách quan tâm đúng mức.

Để từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển bền vững, trước mắt, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc trong khâu tổ chức thực hiện, như điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 42/2012/NĐ-CP, ngày 11-5-2012, về Quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Nghị định số 61/2010/NĐ-CP, ngày 4-6-2010, về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, ngày 12-4-2010, về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ và một số thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành… phù hợp với thực tiễn, với từng vùng, từng địa phương, nhằm hỗ trợ nông dân và tăng nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cần điều chỉnh Luật Đất đai thay đổi theo hướng lấy mối quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất hiệu quả làm thước đo.

Tái cấu trúc nền nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất cần được quan tâm đẩy mạnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó phần giá trị tăng lên phải được chia sẻ công bằng với nông dân.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, hay liên kết giữa nông dân với nông dân trong tổ chức của họ, như hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ nông dân hoặc tổ chức hội nông dân… để các bên gắn kết được lợi ích và trách nhiệm với nhau, tạo ra chuỗi giá trị nông sản hàng hóa lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Có cơ chế, chính sách để nhân rộng các mô hình tổ chức, quản lý sản xuất mới có hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn, như mô hình “cánh đồng mẫu lớn” hay “cánh đồng liên kết”, mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín, mô hình nông dân góp cổ phần với doanh nghiệp bằng giá trị quyền sử dụng đất, mô hình các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới, các mô hình doanh nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp, các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng làng, xã dưới hình thức hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, công ty cổ phần... Đây cần được xem là xu thế tất yếu và tương lai của nền nông nghiệp nước ta nhằm thúc đẩy phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, là tiền đề cho sự đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả và sự phát triển bền vững trong nông nghiệp, nông thôn.

Sớm ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm góp phần xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chương trình, dự án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp, khắc phục những sai sót, yếu kém; bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân để các chủ trương, chính sách được ban hành hợp lòng dân và đi vào cuộc sống.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho Hội Nông dân Việt Nam hoạt động có hiệu quả

Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng để Hội Nông dân Việt Nam đổi mới mạnh mẽ phương thức vận động nông dân, đẩy mạnh công tác tập hợp, đoàn kết, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội, tổ chức nông dân tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới...

Tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của nông dân, như phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân, tiến tới có thể tiếp nhận một số dịch vụ công từ Nhà nước và giảm chi phí cho dịch vụ của tư nhân đến nông thôn. Đại diện cho nông dân, cho các hiệp hội ngành, nghề nông dân trong đàm phán, xử lý tranh chấp với các đối tác trong các vụ kiện về kinh tế. Tham gia có hiệu lực, hiệu quả trong hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất hàng hóa, tổ chức, hợp tác lao động, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, ấp, bản, làng văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chủ động trong việc tham gia quản lý xã hội, quản lý tài nguyên thiên nhiên, khai thác và sử dụng các kết cấu hạ tầng ở nông thôn và phát triển sản xuất nông nghiệp. Tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ chế, chính sách, phản biện xã hội về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các cấp ủy, chính quyền, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các cấp hội nông dân thực hiện nghiêm túc Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3-12-2009, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” và Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10-5-2011, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”. Đồng thời, tạo điều kiện cần thiết và nguồn lực tài chính để Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp và phối hợp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nông dân, tham gia thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững về chính trị tư tưởng, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động. Từ đó, củng cố và tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nông dân.

Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 22% GDP, 1/5 giá trị kim ngạch xuất khẩu nhưng vẫn là nguồn việc làm cho trên 50% lao động xã hội. Sự phát triển kinh tế của đất nước vẫn bị chi phối bởi năng suất lao động và sức mua của số đông nông dân. Sự ổn định và phát triển của đất nước sẽ không được duy trì nếu nông nghiệp không mạnh, nông dân không giàu. Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp kịp thời đối với những vấn đề đặt ra trong đời sống và sản xuất của nông dân hiện nay. “Phi nông bất ổn” - đúc kết ấy chưa bao giờ cũ, nhất là đối với đất nước có tới 70% dân số là nông dân như ở Việt Nam./.

Nguyễn Quốc Cường
Ủy viên Trung ương Đảng,
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam


(Nguồn: TCCS)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất