Thứ Sáu, 20/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 12/12/2013 17:21'(GMT+7)

Quan tâm quán triệt, học tập và xây dựng chương trình hành động thực hiện NQTW 8

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu bế mạc Hội nghị (Ảnh: Thu Hằng)

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát biểu bế mạc Hội nghị (Ảnh: Thu Hằng)

Tiếp theo chương trình làm việc của Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), chiều 12/12, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đã giới thiệu những nội dung cơ bản và mới của bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2013.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13 vào ngày 28/11/2013 là Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của nước ta. Hiến pháp đáp ứng yêu cầu có tính nguyên tắc: thể chế hóa đường lối chỉ đạo của Đảng; thể hiện ý Đảng, lòng dân; thể hiện niềm tin, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân.

Quá trình sửa đổi Hiến pháp được thực hiện dân chủ, nghiêm túc, là kết tinh trí tuệ toàn dân. Hiến pháp có một bước tiến cả về nội dung lẫn kỹ thuật văn bản và phương pháp trình bày so với bản Hiến pháp năm 1992. Hiến pháp cập nhật những thành tựu kinh tế - xã hội mới nhất của gần 30 năm đổi mới cũng như kỹ thuật lập hiến của các nước trên thế giới. Hiến pháp thể hiện sâu sắc hơn quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người; quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân về dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã phân tích, nhấn mạnh, làm rõ thêm một số nội dung cần quan tâm, nhất là những giải pháp cơ bản triển khai Nghị quyết Trung ương 8.

Về kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội các năm 2014-2015, đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định Đảng và Nhà nước, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu quan trọng như: Lạm phát đã được kiềm chế, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. Tăng trưởng kinh tế từng bước được phục hồi. Văn hóa-xã hội có chuyển biến. Lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại đạt kết quả tích cực. Tiềm lực đất nước được nâng lên, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia được giữ vững; an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy  mạnh; vị thế quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị  cần thẳng thắn, phân tích những nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.

Trên cơ sở đánh giá đúng sự thật, nhìn thẳng vào sự thật, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định mục tiêu cho hai năm còn lại của nhiệm kỳ Đại hội XI cần đạt được là: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Bảo vệ tài nguyên, môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đó, cần thực hiện các nhiệm vụ , giải pháp như đã nêu trong Kết luận của Hội nghị Trung ương 8. Đồng chí Đinh Thế Huynh đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp xây dựng các chương trình hành động cụ thể thực hiện Kết luận này của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính- ngân sách năm 2014.

Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đồng chí Đinh Thế Huynh lưu ý các đại biểu một số nội dung như sau:

Thứ nhất, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đây là điểm không mới, đã được nêu từ Nghị quyết Trung ương 6 (khóa VIII); nhưng trong thực tế chưa được quán triệt sâu sắc, chưa được thực hiện tốt. Quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi chúng ta phải quán triệt sâu sắc hơn. Nếu không coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu thì không thể xây dựng được con người mới cho xã hội mới, không thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực – một trong 3 khâu đột phá chiến lược.

Thứ hai, trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới. Đây cũng là quan điểm không mới nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc. Trong điều kiện hội nhập thế giới và khu vực ngày càng sâu và toàn diện, cần tiếp thu kinh nghiệm của thế giới.

Thứ ba, chuyển mạnh từ quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Đây là một trong những quan điểm mới của Hội nghị Trung ương lần này.  Điều đó không có nghĩa rằng trước đây chúng ta không coi trọng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Trên thực tế, chúng ta đã rất coi trọng vấn đề này, nhưng có lúc, có nơi chưa thật quan tâm và do có những nguyên nhân khác nhau, mà chủ trương này chưa được thực hiện trên thực tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nền giáo dục và đào tạo của nước ta.

Thứ tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là quan điểm được đề ra trước đây nhưng tổ chức thực hiện chưa tốt.

Thứ năm, đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo.

Thứ sáu, chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo. Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách. Thực hiện dân chủ hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo.

Thứ bảy, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Ngoài các quan điểm, Ban Chấp hành Trung ương còn đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó có hai giải pháp quan trọng là: Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, các giải pháp đó là  những khâu đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương với những nội dung thiết thực, phù hợp với với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các đại biểu tham dự hội nghị đã được Chủ tịch Nước trực tiếp thông tin về thực trạng tình hình, những thành tựu cùng những hạn chế, yếu kém và những vấn đề đang đặt ra; xác định rõ nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan để đề ra mục tiêu, quan điểm và hệ thống giải pháp thực hiện. Các đại biểu cũng trao đổi thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm khẳng định đây là những nội dung hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến tình hình chính trị, đời sống kinh tế-xã hội của đất nước ta hiện nay.

Về Kết luận một số vấn đề về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội thông qua, đồng chí Đinh Thế Huynh đã nhấn mạnh thêm một số nội dung: Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Về lực lượng vũ trang; Về quyền con người; Về chế độ kinh tế; Về sở hữu đất đai và thu hồi đất; Về cơ chế phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực Nhà nước; Về vai trò của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp cũng quy định về quy trình sửa đổi Hiến pháp bảo đảm kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội với quyền của nhân dân. Đồng chí Đinh Thế Huynh khẳng định Hiến pháp của chúng ta là Hiến pháp do nhân dân xây dựng nên, được nhân dân bảo vệ sửa đổi khi cần thiết.

Đồng chí Đinh Thế Huynh cũng đề nghị, sau Hội nghị này, trở về địa phương, đơn vị, các đại biểu sẽ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương cho cán bộ, đảng viên một cách thiết thực, hiệu quả; kết hợp nghe giới thiệu, luận giải trên hội trường với thảo luận, tự đọc, nghiên cứu. Khuyến khích các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy đảng chỉ đạo và tổ chức việc tuyên truyền rộng rãi các nghị quyết, kết luận của Trung ương trong nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi sinh hoạt của các đoàn thể, cơ quan, đơn vị bằng những hình thức đa dạng, phù hợp… Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc học tập, quán triệt và việc xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Việc kiểm tra, giám sát cần được thực hiện nghiêm túc, cả thường xuyên định kỳ và đột xuất để nắm chắc tình hình triển khai thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, biểu dương khen thưởng những nơi làm tốt, kịp thời uốn nắn những nơi làm qua loa, chiếu lệ, kém hiệu quả.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất