Chỉ thị nhấn mạnh, văn hóa học đường là một môi trường quan
trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con
người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần
tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng
đồng, gia đình và bản thân.
Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, văn hóa,
đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ luôn
được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, nhà trường và xã hội quan tâm
và có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo
biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên
bình diện xã hội và môi trường học đường. Ở một số địa phương, công tác
xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng
mức, thường xuyên; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào
chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức
đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức
các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu
hấp dẫn.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội cùng vào cuộc với các
nhiệm vụ cụ thể để chung tay xây dựng văn hóa học đường.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả
các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về xây
dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng,
đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao
sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm
pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định
hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trong đó, chú trọng
hoàn thiện các quy định về quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục;
chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; điều lệ các cấp
học, quy chế đánh giá hạnh kiểm, kết quả học tập, rèn luyện của học
sinh, sinh viên; nghiên cứu rà soát, sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định,
các loại chuẩn, tiêu chuẩn có tính hình thức, cứng nhắc, không phát huy
được tính sáng tạo, chủ động ở các cấp cơ sở giáo dục, không phù hợp với
thực tiễn, dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp chú trọng kết hợp giữa dạy chữ, dạy
người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo
dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí,
thể, mỹ; tôn trọng ý kiến học sinh, sinh viên; phát triển cho học sinh,
sinh viên những phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm
làm, trung thực, trách nhiệm; tuyên truyền, giáo dục và triển khai các
giải pháp thiết thực để thực hiện hiệu quả, thực chất 5 điều Bác Hồ dạy
thiếu niên, nhi đồng…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng
dẫn các địa phương sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở, có
cơ chế ưu tiên cho học sinh, sinh viên khi vui chơi, tham quan tại các
công trình văn hóa, sử dụng khu vực thể thao, sân chơi bãi tập công
cộng; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình,
trách nhiệm của cha mẹ, ông bà trong giáo dục đạo đức, lối sống cho con cháu…
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc
thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em; tổ chức các giải pháp
tăng cường xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm môi trường thân thiện,
không bạo lực tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Bộ Công an phối hợp chặt chẽ ngành giáo dục trong phòng, chống và xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật xuất phát từ bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến học sinh, sinh viên.
Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án về
vị trí việc làm đối với công tác giáo dục chính trị cho học sinh, sinh
viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu đáp
ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác chỉ đạo và quản lý
nhà nước đối với các cơ quan báo chí, triển khai hiệu quả các biện pháp
tuyên truyền về xây dựng văn hóa học đường; lan tỏa các giá trị tốt đẹp,
đồng thời phê phán những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống.
Bộ Tài chính căn cứ nhiệm vụ, đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các
Bộ, cơ quan Trung ương có liên quan, hàng năm tổng hợp, bố trí kinh phí
ngân sách nhà nước cho các cơ quan Trung ương để thực hiện nhiệm vụ xây
dựng văn hóa học đường phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước
theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường
công tác quản lý, chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong
công tác xây dựng văn hóa học đường thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm môi
trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học
đường;bảo đảm công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường
xuyên, liên tục.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các
tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với
các bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhà trường tăng cường tuyên
truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội tích cực tham gia
công tác xây dựng văn hóa học đường…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cơ sở đào tạo thuộc phạm
vi quản lý tổ chức triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường; tăng
cường công tác tuyên truyền về xây dựng văn hóa ứng xử trong đoàn viên,
công nhân lao động; vận động cán bộ, đoàn viên là cán bộ, nhà giáo,
viên chức trong trường học thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn
hóa trong trường học.
Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo các cấp bộ
đoàn theo thẩm quyền tổ chức công tác giáo dục văn hóa học đường qua
hoạt động các câu lạc bộ kỹ năng sống.
Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tuyên truyền cho cha
mẹ học sinh, sinh viên về vai trò, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình
trong giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho trẻ em, học
sinh, sinh viên; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh;
các thành viên trong gia đình ứng xử mẫu mực./.
TG