Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Hai, 30/5/2022 9:46'(GMT+7)

Nhân văn khi thông tin về trẻ em tự tử

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

VẤN ĐỀ LỚN SAU ĐẠI DỊCH COVID-19

Gần đây, hiện tượng một số trẻ em tự tử vì nhiều lý do khác nhau khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Nguyên nhân của những hiện tượng đáng buồn này, theo các chuyên gia tâm lý, xã hội học, là hệ quả của sau hai năm trải qua đại dịch COVID -19 đã dẫn đến những sang chấn tâm lý, trầm cảm, rối loạn hành vi, bộc phát hành động tiêu cực. Bối cảnh “giãn cách” ít được giao tiếp, tương tác, căng thẳng với những áp lực học trực tuyến, tác động của internet, mạng xã hội; giảm tham gia các hoạt động xã hội khiến các em dễ cáu gắt, giận dữ. Trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể biểu hiện bởi các triệu chứng không đặc trưng như sự giảm sút học hành, thu mình, hạn chế các hoạt động xã hội hoặc các hành vi mang tính chống đối như bỏ học, sử dụng chất kích thích.

Từ cách thức lan tỏa thông tin của mạng xã hội khai thác những góc khuất, những tình tiết bi kịch, đăng tải tâm thư, chia sẻ video, hiện trường càng làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng và gây nguy hại đối với tâm trạng và hành vi của xã hội.

Bên cạnh sự “sôi sục” của mạng xã hội, một số cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử đã “nhập cuộc”. Theo thống kê, các cơ quan báo chí đăng trên 400 lượt tin, bài về tình trạng trầm cảm, tự tử ở trẻ em. Trong đó, có nhiều bài vi phạm tự do nhân thân, quyền trẻ em, quy kết vội vàng, đánh giá cực đoan. Có những bài viết ý tưởng tốt nhưng cách thức đưa vô tình lại lăng xê, tuyên truyền, miêu tả khiến bạn đọc tò mò, gây ảnh hưởng tiêu cực đến một bộ phận độc giả còn nhỏ tuổi, tâm lý chưa vững vàng.

Truyền thông mạng xã hội và cộng hưởng của báo chí đã vô tình xoáy sâu vào nỗi đau của gia đình các em nhỏ, dư luận hoang mang, lo lắng, nhiều bậc phụ huynh mất ăn, mất ngủ vì lo sợ những hệ lụy với con cái mình. Nguy hiểm hơn, các nhà xã hội học cảnh báo, xu hướng thông tin chạy theo mạng xã hội, báo hóa mạng xã hội này có thể tạo ra tác động tiêu cực, dẫn đến hành vi “bắt chước”, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý những thanh, thiếu niên đang gặp phải những áp lực tương tự, có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng khác.

Trước những hệ lụy có thể xảy ra từ những vụ việc học sinh tự tử, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi văn bản tới các nền tảng mạng xã hội và các trang thông tin điện tử yêu cầu không tiếp tục đăng tải, chia sẻ video về vụ việc. Việc đăng tải những nội dung trên cũng vi phạm quyền trẻ em. Đối với các cơ quan báo chí, nên cân nhắc khi được tin vụ việc, đưa như thế nào là hợp lý và phù hợp điều kiện, chuẩn mực xã hội và tiêu chí đạo đức nghề nghiệp…

NÊN THÔNG TIN NHƯ THẾ NÀO?

Việc đưa tin về trẻ em cần phải tuân thủ theo Luật Trẻ em và Luật Báo chí. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí được quy định trong Hiến pháp 2013 và việc thực hiện các quyền này phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Điều 21, Luật Trẻ em năm 2016 quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư: “Một là, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Hai là, trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”. Việc lan truyền nội dung thư tuyệt mệnh trên các trang tin, mạng xã hội gây hiệu ứng tiêu cực, ảnh hưởng quyền và lợi ích của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Gần đây nhất, sau khi liên tiếp xảy ra một số vụ việc trẻ tự vẫn, ca sỹ Sơn Tùng M-TP đã tung ra một sản phẩm ca nhạc (MV) có cảnh cuối nhân vật buông mình từ trên cao xuống. Clip ca khúc này nhanh chóng được lan truyền mạnh trên mạng xã hội với hơn 9 triệu lượt xem sau 5 ngày phát hành. Ngay lập tức, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu ca sỹ xóa bỏ ca khúc trên ra khỏi hệ thống Youtube ở Việt Nam vì trong ca khúc có những yếu tố, tình tiết chưa phù hợp với chuẩn mực văn hóa, đạo đức.

Theo lý thuyết truyền thông Cultivation (Gieo hạt giống tư duy) do giảng viên người Mỹ George Gerbner đưa ra năm 1969, thời kỳ đầu phát triển thăng hoa của báo chí truyền hình: “Việc tiếp xúc nhiều với truyền thông, đặc biệt là truyền hình, khiến khán giả nhầm lẫn và đồng nhất giữa thực tế xã hội ngoài đời với xã hội thể hiện trên truyền thông”. Theo lý thuyết này, so với các loại hình sản phẩm truyền thông khác như sách hay báo giấy, sản phẩm truyền thông bằng truyền hình và điện ảnh có tác động vô cùng lớn tới nhận thức của người xem. Người xem có xu hướng tin ngay những gì truyền hình và phim ảnh mô tả, dù có lúc nội dung mô tả có thể sai so với thực tế cuộc sống.

Nhận định bài học từ góc nhìn truyền thông qua vụ việc MV của Sơn Tùng M-TP bị gỡ bỏ, TS. Mạch Lê Thu, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: MV bị gỡ bỏ là hoàn toàn phù hợp vì có nhiều điểm chưa phù hợp với tiêu chuẩn cộng đồng. Liên tưởng tới những vụ việc trẻ em trầm cảm tự sát khi phải hạn chế giao tiếp xã hội trong đại dịch COVID-19, có bao nhiêu em nhỏ chưa đủ chín chắn về mặt tâm lý và nhận thức sẽ lầm tưởng rằng, chết là cách giải quyết? Bao nhiêu bậc phụ huynh sẽ hoảng hốt lo lắng do con em bị ảnh hưởng và làm theo thần tượng? Phim, video clip lan truyền mạnh cũng có nghĩa là sự bất ổn và tổn thương tâm lý mà nó gây ra rất lớn”.

Bên cạnh đó, xuất hiện hiện tượng một số KOLs (người dẫn dắt ý tưởng) đăng tải những bài viết nhằm thảo luận, thăm dò về dấu hiệu trầm cảm và dò hỏi cảm giác muốn tự tử ở người đọc. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì ít nhiều tạo nên “hiệu ứng đám đông” bắt chước làm theo. Cũng theo TS. Mạch Lê Thu, người không có chuyên môn không nên công khai thảo luận về vấn đề trầm cảm hay các trải nghiệm tự sát vì không phải ai cũng có chuyên môn để nhận định đúng và có quy trình đúng để giải quyết thấu đáo. Việc này cần giao cho những nhà chuyên môn về sức khỏe thể chất và tâm lý. Họ có kiến thức và kỹ năng, và quan trọng nhất là có quy trình hợp lý và đã được hội đồng chuyên môn duyệt để giúp những người có tâm bệnh.

Trước hiện tượng trẻ tự vẫn, đã có nhiều tranh cãi, thảo luận về việc giáo dục, dạy dỗ trẻ cũng như việc kiểm soát việc các em sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bàn, máy tính bảng… nhằm hạn chế tối đa việc tiếp nhận thông tin tiêu cực. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là việc kiểm soát tin tức “đầu ra” - nơi sản xuất, cung cấp thông tin như các cơ quan báo chí, trang thông tin điện và các nền tảng mạng xã hội.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để làm được điều này, trước hết, các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội cần hạn chế đưa tin, phát tán các thông tin vụ việc tiêu cực liên quan đến trẻ em. Hai là, khi lựa chọn phải đưa tin, các nhà báo, phóng viên và người sử dụng mạng xã hội nên cân nhắc, lưu ý khi viết, biên tập và xây dựng thông điệp cần lựa chọn, định hướng để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đối với công chúng tiếp nhận. Ba là, các phương tiện báo chí như báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử và trang thông tin điện tử, mạng xã hội cần kiểm soát nội dung thông điệp, thời lượng, số lượng tin bài tin phát sóng để cân đối thông tin tốt - xấu trong các bản tin hằng ngày. Bốn là, cần nâng cao hiểu thức, hiểu biết của công chúng tiếp nhận, đặc biệt là trẻ em để giúp mỗi cá nhân nhận định, phân biệt, “gạn đục khơi trong” và có khả năng phản biện lại các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Từ đó, thay đổi hành vi, thói quen và tính cách, biết xây dựng hệ thống “phòng ngự” đối với những dạng tin tức tiêu cực.

Một trong số những chức năng của báo chí là phản ánh, phê phán, giám sát những cái xấu tồn tại trong xã hội. Tuy nhiên, nếu báo chí lạm dụng hoặc phê bình thiếu tính chất xây dựng, đưa tin thiếu chính xác thì lại có thể gây hiệu ứng “ngược,” ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, đặc biệt là công chúng trẻ em. Do đó, với chức năng của mình, báo chí cần xây dựng, lan tỏa những thông điệp tích cực, góp phần thay đổi thế giới theo cách tích cực hơn.

Để hạn chế những hệ lụy tiêu cực từ các vụ việc trẻ em trầm cảm dẫn đến tự tử, cần chú ý đến một số nội dung trọng tâm như sau:

Thứ nhất, thông tin cần mang tính định hướng, lan toả những điều tốt đẹp, tích cực, tạo cái nhìn lạc quan, yêu đời, yêu học tập lao động và cống hiến, sống có ích cho xã hội. Đối với những thông tin về các vụ việc, cần chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp; tránh đưa tin đơn thuần, vô hình trung trở thành một hình thức tuyên truyền cho những hành vi này.

Thứ hai, các cơ quan báo chí không nên giật tít câu view, tuyên truyền quá mức về các vụ việc em tự tử, không đưa thông tin chi tiết về hình cảnh, miêu tả cụ thể cảnh tự sát, hình ảnh gia đình đau buồn, không suy đoán về lý do nạn nhân lựa chọn cái chết… Nên cung cấp những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, các biểu hiện bất thường của bệnh lý để người đọc, người bệnh có thể nhận biết dấu hiệu bản thân. Đồng thời, nên cung cấp thêm thông tin về đường dây hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ nguồn lực từ cộng đồng.

Thứ ba, cung cấp thông tin, liên kết tới các dịch vụ điều trị, những dấu hiệu cảnh báo và nguồn lực trợ giúp về sức khỏe tinh thần. Hạn chế chia sẻ, lan truyền các nội dung tiêu cực trên mạng xã hội, có trách nhiệm với nút “like”, nút “share” khi sử dụng mạng xã hội.

Thứ tư, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo; nâng cao hiểu biết cho toàn xã hội về tâm sinh lý của các em học sinh. Các thầy cô giáo và gia đình là người bạn đồng hành, cùng con chia sẻ, trao đổi kiến thức, kĩ năng, thái độ sống và đặc biệt là sức khỏe tinh thần.

Thứ năm, các cơ quan báo chí xây các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề lan toả những điều tốt đẹp như "Định hướng nghề nghiệp"; "Nhìn ra thế giới"; "Người trẻ nói chuyện", giới thiệu những cá nhân tiêu biểu, những tấm gương vượt khó... nhằm tạo ra hiệu ứng truyền thông rộng khắp, vận động tuyên truyền học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động xã hội,

Để làm được điều này đòi hỏi sự thay đổi nhận thức trong chính mỗi cá nhân và những người làm báo. Mỗi cá nhân phải nhận thức được đây là vấn đề cấp thiết có ảnh hưởng đến chính con cái chúng ta và báo chí, truyền thông chính là công cụ hiệu quả nhất trong thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi./.

Phạm Quý Trọng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất