Chủ Nhật, 24/11/2024
Hoạt động y tế
Thứ Ba, 28/7/2015 21:3'(GMT+7)

Tăng cường ứng phó với bệnh MERS-coV trong hệ thống ASEAN+3

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì tại điểm cầu Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì tại điểm cầu Việt Nam

Tại các điểm cầu quốc tế có sự tham gia của Ban thư ký ASEAN, Đại diện WHO khu vực SEARO và WPRO, Lãnh đạo Bộ Y tế và các quan chức cấp cao của 13 nước ASEAN+3 nhằm chia sẻ kinh nghiệm và cách tiếp cận của các quốc gia trong công tác giám sát dịch bệnh; thảo luận các biện pháp tăng cường ứng phó với MERS trong khu vực.

Tại điểm cầu Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì Hội nghị, các thành phần tham dự gồm có Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Vụ Truyền thông - Thi đua, khen thưởng, Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Sở Y tế Hà Nội, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hà Nội, đại diện WHO tại Việt Nam.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) đã xuất hiện tại 26 quốc gia trên thế giới kể từ khi căn bệnh này được phát hiện tại Ả Rập Xê-út vào năm 2012. Tính đến ngày 27/7/2015, MERS-CoV đã cướp đi sinh mạng của 487 người. Các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có trường hợp nhiễm MERS-CoV gồm có: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch MERS-CoV có thể xảy ra giữa các quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương đòi hỏi các quốc gia cần có sự chia sẻ kinh nghiệm và có kế hoạch mang tính đồng bộ, thống nhất trong công tác phòng chống bệnh MERS-CoV.

Trong Hội nghị ngày 27/7/2015, Lãnh đạo Y tế các nước ASEAN đã thống nhất đưa ra tuyên bố chung của Hội nghị trên cơ sở các ý kiến của các quốc gia thành viên. Tuyên bố chung trên bao gồm những nội dung chính sau:

1. Tăng cường hệ thống giám sát.

2. Kịp thời chia sẻ thông tin dịch bệnh.

3. Phối hợp liên quốc gia trong việc điều tra ổ dịch và truy xuất nguồn bệnh.

4. Triển khai các biện pháp phòng chống hợp lý nhằm quản lý các nguy cơ.

5. Chia sẻ các bài học kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu.

Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các quốc gia ASEAN +3, thể hiện đậm nét sự sẻ chia trách nhiệm tích cực giữa các quốc gia trong công tác phòng chống dịch bệnh mới nổi. Đồng thời đây cũng là cơ hội để các quốc gia khu vực trao đổi những kinh nghiệm quý báu về khả năng giám sát, tập huấn, truyền thông,... sẵn sàng ứng phó dịch bệnh của mỗi quốc gia, tăng cường năng lực và sự phối hợp giữa các quốc gia, hướng đến một cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV nào. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ phối hợp với các quốc gia ASEAN +3 trong công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV nói riêng và các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi nói chung, nỗ lực tăng cường khả năng ứng phó với dịch bệnh, kiện toàn Văn phòng EOC và năng lực cán bộ y tế, nhằm đảm bảo phát hiện sớm, xử lý các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, kịp thời thông tin với cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân các quốc gia ASEAN +3 và góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên toàn thế giới./.

TG




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất