Thứ Năm, 19/9/2024
Hoạt động y tế
Thứ Ba, 28/7/2015 21:3'(GMT+7)

Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với sự nghiệp y tế

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), ngày 26/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm một số cơ sở y tế tại tỉnh Vĩnh Phúc. (Trong ảnh: Phó Thủ tướng trao đổi với cán bộ Trạm Y tế xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc). (Ảnh: VGP)

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), ngày 26/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới thăm một số cơ sở y tế tại tỉnh Vĩnh Phúc. (Trong ảnh: Phó Thủ tướng trao đổi với cán bộ Trạm Y tế xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc). (Ảnh: VGP)

Trong những năm qua, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm và có những chủ trương, chính sách đúng, trúng, làm cơ sở để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.

Chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế từng bước được nâng lên, các chỉ tiêu chuyên môn trong 2 năm gần đây ( 2013 và 2014) đều đạt và vượt so với cùng kỳ. Việc phát triển chuyên môn kỹ thuật tại các cơ sở khám, chữa bệnh đã có nhiều tiến bộ: Các dịch vụ kỹ thuật ở các lĩnh vực như hồi sức cấp cứu, sơ sinh, phẫu thuật nội soi, chuẩn đoán hình ảnh ngày càng phát triển, góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, từng bước tạo niềm tin cho nhân dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khám, chữa bệnh còn nhiều bất cập, chưa kiểm soát hết được hoạt động khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế ngoài công lập; việc cải tiến chất lượng hoạt động bệnh viện còn chậm, một số đơn vị chưa quan tâm tập trung cải tiến chất lượng khám, chữa bệnh theo các tiêu chí do Bộ Y tế ban hành, cung ứng vật tư y tế thuốc, hóa chất sinh phẩm còn hạn chế. Công tác xã hội hóa còn nhiều khó khăn, đa số các bệnh viện mới chỉ liên kết máy móc các khoa cận lâm sàng, chạy thận nhân tạo mà các lĩnh vực khác chưa thực hiện được.

Chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế ở cả ba tuyến còn hạn chế, tuyến xã, phường ít bệnh nhân đến khám và điều trị, chất lượng khám, chữa bệnh của tuyến huyện chậm được cải thiện, dẫn đến tình trạng bệnh nhân khám và điều trị vượt tuyến, một số kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến tỉnh chưa thực hiện được, tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển đi tuyến Trung ương còn cao; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt thấp, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước; thủ tục hành chính về khám, chữa bệnh còn phức tạp, tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm cận lâm sàng, lạm dụng kỹ thuật chưa được kiểm soát chặt chẽ; trách nhiệm, thái độ ứng xử, y đức của một bộ phận y bác sỹ chưa cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành và gây mất niềm tin đối với nhân dân. Hệ thống mạng lưới y tế còn nhiều đầu mối đang được sắp xếp lại nên chưa ổn định.

Cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện đều thiếu nơi làm việc, không đủ diện tích sàn theo quy định, một số cơ sở khám chữa bệnh phải ở nhờ, ở tạm trong hoàn cảnh trật trội, nhiều cơ sở khám chữa bệnh quy hoạch không hợp lý, các công trình phụ trợ, đặc biệt là khu xử lý rác thải, chất thải lỏng, khu vệ sinh chưa đạt yêu cầu; trang thiết bị thiếu và không đồng bộ, các trang thiết bị tuyến tỉnh chỉ đạt từ 30 - 65%, tuyến huyện đạt từ 30 - 40% so với quy định của Bộ Y tế, một số trang thiết bị còn thiếu cả về danh mục và số lượng, có loại đủ danh mục nhưng thiếu về số lượng. Đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu bác sỹ, dược sỹ và cán bộ có trình độ chuyên môn cao, tỷ lệ bác sỹ, dược sỹ/vạn dân còn thấp, đến nay, các cơ sở y tế mới được giao 80% biên chế theo Thông tư số 08/2007/TT-BYT-BNV còn 462 chỉ tiêu đã giao nhưng chưa được tuyển dụng; sự phân bổ cán bộ y tế theo trình độ chuyên môn ở 3 tuyến không đều. Nguồn lực để đầu tư phát triển cho ngành Y tế còn thấp, chưa tương xứng với sự phát triển của tỉnh (chiếm khoảng 3 - 4% tổng kinh phí chi đầu tư phát triển hàng năm của tỉnh, trong khi ở một số tỉnh là 7 - 10%).

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do một số chính sách của Nhà nước về công tác khám chữa bệnh còn bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển của thực tiễn xã hội. Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và vai trò của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, coi nhiệm vụ này là của riêng ngành Y tế. Công tác quản lý nhà nước về y tế chưa đồng bộ, chưa quyết liệt, chưa mạnh dạn đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trình độ chuyên môn và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh còn chậm được khắc phục. Việc quản lý nguồn nhân lực y tế, bố trí, sử dụng cán bộ chưa hợp lý, công tác tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế còn hạn chế. Ngân sách nhà nước chi cho ngành Y tế còn thấp, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế; việc phát triển chuyên môn kỹ thuật gặp nhiều khó khăn do thiếu trang thiết bị y tế để triển khai thực hiện; nhiều công trình, dự án không được bố trí vốn hoặc thiếu vốn, định mức chi thấp.

Nhằm từng bước khắc phục những khó khăn, hạn chế để thực hiện có hiệu quả công tác khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, một trong những công việc quan trọng được cấp uỷ đảng, chính quyền và ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc xác định là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân đối với sự nghiệp y tế nói chung và công tác khám chữa bệnh nói riêng.

Một số nhiệm vụ chiến lược được xác định là:

1 - Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, thực hiện sự phân cấp, phân công nhiệm vụ, sự phối hợp giữa cấp và ngành, giữa các ngành trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác khám, chữa bệnh.

2 - Rà soát, quy hoạch lại mạng lưới y tế, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh; chỉ đạo việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy, kiện toàn các cơ sở y tế cho phù hợp, đảm bảo hoạt động chất lượng và hiệu quả. Có giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện tốt Đề án 1816, Ðề án bệnh viện vệ tinh...

3 - Xây dựng kế hoạch, chương trình cải tiến chất lượng bệnh viện, xác định những vấn đề ưu tiên trong cải tiến chất lượng phù hợp với thực tế từng bệnh viện.

4 - Tăng cường nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại tại các bệnh viện tuyến tỉnh và phổ cập tại tuyến y tế cơ sở.  Thực hiện các giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết có cơ chế tuyển dụng phù hợp, đảm bảo số bác sỹ, dược sỹ theo quy định, đồng thời tăng cường các cơ chế ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho tỉnh; tiếp tục giáo dục, hướng dẫn thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao trình độ quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giáo dục y đức cho đội ngũ cán bộ y tế.

5 - Đẩy mạnh công tác xã hội hóa về y tế, tăng cường các hoạt động liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế, khuyến khích mô hình phát triển của các loại hình y tế ngoài công lập, tạo ra sư cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở y tế….

Thuý Hường 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất