Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông), thời quan qua, Chính phủ và các địa phương đã thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân. Tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều trường hợp chưa mua BHYT. Nhóm đối tượng này sẽ chịu tác động do viện phí tăng.
"Tăng viện phí để đưa giá khám chữa bệnh chuyển dần sang cơ chế thị trường. Tuy nhiên, cần có giải pháp đồng bộ. Ví dụ với các hộ nghèo, hộ chính sách, người có công thì Nhà nước cần có hỗ trợ. Còn đối với các trường hợp khác, chính quyền cơ sở cần tuyên truyền phổ biến để họ nhận thức đúng về lợi ích của việc tham gia BHYT", đại biểu Giang cho biết.
Liên quan đến việc quản lý Quỹ BHYT, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị khâu giám định hồ sơ chi trả BHYT cần được áp dụng công nghệ thông tin để giảm nhân lực của ngành bảo hiểm, đồng thời giúp kiểm soát trên diện rộng các hồ sơ cần giám định trước khi chi trả. "Nếu không áp dụng công nghệ thông tin thì cơ quan bảo hiểm không thể đủ nhân lực để giám định từng hồ sơ chi trả", ông Giang nói.
Trong khi đó, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho biết: Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn các bệnh viện sau khi cân đối ngân sách có thể trích lập quỹ để trong trường hợp bệnh nhân không có thẻ BHYT gặp khó khăn thì có thể hỗ trợ.
"Một chính sách nữa rất quan trọng tự chủ bệnh viện. Nguồn ngân sách nhà nước không đầu tư trực tiếp cho bệnh viện mà dùng nguồn tiền đó để đầu tư gián tiếp cho việc mua BHYT. Chính sách này sẽ giúp tạo nhiều nguồn để hỗ trợ những người yếu thế, khó khăn. Mục tiêu của đợt tăng giá viện phí này là tăng tỷ lệ người dân mua BHYT, từ đó có điều kiện tạo quỹ BHYT ổn định", bà Yến cho hay.
Từ ngày 1/6/2017, khoảng 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ, ngành sẽ điều chỉnh tăng giá viện phí. Việc tăng giá này sẽ được thực hiện từ nay đến hết năm 2017 trên phạm vi cả nước.
Hoàng Dương (Báo Tin Tức)