(TG) - Nếu thiếu đi tầm tư duy phản biện và không thoát ra khỏi giới hạn của nền giáo dục khép kín, chúng ta không thể với tới mục tiêu đào tạo được những công dân học tập, những cơ quan, trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp học tập…
Ngày 10-5-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW về “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” (sau đây gọi là Kết luận số 49-KL/TW). Đây là văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng, trong đó nêu rõ phương hướng phát triển xã hội học tập và những nhiệm vụ tiếp tục triển khai công tác khuyến học, khuyến tài từ sau khi tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW.
Văn bản cũng khẳng định mục tiêu, hành động lâu dài, trước mắt là giai đoạn 2020-2030 - giai đoạn phát triển kinh tế tri thức dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Nhìn lại, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, các mô hình cộng đồng học tập đã được định hình, hàng ngàn xã học tập, phường học tập và thị trấn học tập được xuất hiện. Với cách tiếp cận từ xu thế phát triển giáo dục người lớn của thế giới hiện đại, chúng ta có thể xác định những yêu cầu mới của Trung ương Đảng đối với cuộc vận động xây dựng xã hội học tập ở nước ta trong giai đoạn 2020-2030 như sau:
Trước hết, đến năm 2020 việc xây dựng các mô hình học tập trên các địa bàn hành chính cấp xã sẽ được chuyển sang giai đoạn nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Mô hình xã hội học tập, phường học tập, thị trấn học tập đã được định hình chuyển sang thành xây dựng các cộng đồng học tập cấp huyện và cấp tỉnh. Chiến lược xây dựng xã hội học tập từ cơ sở sẽ kết thúc và bước sang giai đoạn xây dựng các vùng học tập như các quốc gia trên thế giới đang thực hiện.
Kết luận số 49-KL/TW đề ra bảy nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có nêu “Từng bước tổ chức xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” cấp quận, huyện, các cơ quan, đơn vị,“Thành phố học tập”, “Công dân học tập” theo các tiêu chí được Chính phủ phê duyệt”. Đây chính là sự định hướng rất cụ thể cho việc xây dựng các mô hình “vùng học tập” trong giai đoạn phát triển tới của đất nước.
Một trong những nội dung quan trọng của Kết luận 49-KL/TW nhằm góp phần duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập chính, đó là: “thể hiện rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu. Cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải coi việc thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW là nhiệm vụ thường xuyên của mình. Như vậy, trong đánh giá kết quả công tác hằng năm, mỗi cá nhân đảng viên, mỗi cán bộ đứng đầu tổ chức đảng phải kiểm điểm trách nhiệm này. Mỗi đảng viên phải trở thành công dân học tập, mỗi gia đình đảng viên phải trở thành một gia đình học tập, mỗi chi bộ đảng phải là một đơn vị học tập. Học tập suốt đời là tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của đảng viên và cấp ủy đảng.
Bên cạnh đó, cần xác định tầm quan trọng của xây dựng xã hội học tập không phải là một phong trào quần chúng đơn thuần, mà là một cuộc đổi mới giáo dục, một xu thế phát triển giáo dục của thế giới. Xã hội học tập trở thành đối tượng nghiên cứu không chỉ riêng giáo dục học, tâm lý học, xã hội học mà phải trở thành một lĩnh vực của kinh tế học, chính trị học và triết học.
“Xã hội học tập nhất thiết phải là những chuyên đề lồng ghép trong chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, trung tâm bồi dưỡng chính trị”.
Kết luận 49-KL/TW
|
Tuy nhiên, việc nhận thức đầy đủ về bản chất của xã hội học tập và sự nghiệp giáo dục người lớn, học tập của người lớn lại là một vấn đề không đơn giản, và để có được một xã hội học tập hiện thực còn phức tạp hơn nhiều. Rào cản lớn nhất ở đây là, nếu thiếu đi tầm tư duy phản biện và không thoát ra khỏi giới hạn của nền giáo dục khép kín, chúng ta không thể với tới mục tiêu đào tạo được những công dân học tập, những cơ quan, trường học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp học tập… Chính vì vậy, cần “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học suốt đời và xây dựng xã hội học tập; gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy với giáo dục thường xuyên; giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” nhằm tạo cơ hội mở cho mọi đối tượng có nhu cầu học, mở ra không gian và thời gian học tập, mở ra các tài nguyên giáo dục, mở ra các khóa học trực tuyến, từ xa; tháo gỡ được rào cản về tài chính, pháp lý trong giáo dục và đào tạo.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Ban Bí thư yêu cầu phải“tăng cường hợp tác quốc tế, hội nhập vào trào lưu xây dựng các Thành phố học tập, tiếp cận với mạng lưới thành phố học tập thế giới do Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) điều hành. Yêu cầu này nhằm phát huy sức mạnh về năng lực con người, là chìa khóa của học tập suốt đời, qua đó trao quyền cho mọi người trong việc giải quyết những vấn đề do sự thay đổi liên tục trong đời sống xã hội, trong môi trường sống và những thách thức kinh tế, công nghệ, kỹ thuật… Điều quan trọng nhất mà UNESCO muốn thúc đẩy là xây dựng được văn hóa học tập cho mỗi người và mỗi cộng đồng. Trong tương lai, Việt Nam phải xây dựng những thành phố thông minh, thành phố hạnh phúc, thành phố xanh… biểu hiện cụ thể của thành phố học tập, mà thực chất của những thành phố này phải dựa vào tri thức, trí tuệ và sự thông thái, sáng tạo của con người học tập suốt đời. Khi thế giới phát triển ngày càng hiện đại thì đòi hỏi phải tri thức hóa con người, điều này chỉ có được khi giáo dục cho người lớn phải trở thành một khoa học của thời đại; học suốt đời phải được coi là một triết lý giáo dục
Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư khóa XII là văn bản chỉ đạo rất quan trọng của Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị trong hoàn cảnh mới trước bối cảnh xã hội mới. Để phát huy những những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, triển khai Kết luận số 49-KL/TW hiệu quả, chất lượng cần bảo đảm các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp phải có quyết tâm chính trị cao về xây dựng xã hội học tập, thực hiện tốt di nguyện thiêng liêng của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Ai cũng được học hành”.
Thứ hai, công tác khuyến học, khuyến tài phải trở thành chính sách quốc gia để xây dựng xã hội học tập.
Thứ ba, sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục thường xuyên tạo căn cứ cho việc triển khai Chiến lược xây dựng xã hội học tập phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước và hội nhập với quốc tế./.
Đến cuối năm 2018 số gia đình học tập cả nước đạt 12.785.063 gia đình học tập và 66.171 dòng họ học tập. Số lượng hội viên giai đoạn 2011-2015 cũng gia tăng, và đến tháng 11-2018, số hội viên đã lên tới 18.505.407 hội viên, chiếm 19,93% dân số cả nước. |
GS. TSKH. Phạm Tất Dong
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam