Chủ Nhật, 29/9/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 26/1/2011 20:29'(GMT+7)

Tạo bước ngoặt trong đào tạo lực lượng y, bác sỹ

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Bài toán nâng cao số lượng chất lượng nguồn nhân lực y tế là bài toán khó, cần một giải pháp tổng thể, đồng bộ với sự đầu tư, vào cuộc của tất cả các ngành, địa phương.

Nhu cầu ở cấp số nhân, khả năng ở cấp số cộng

Hiện cả nước có 26 cơ sở đào tạo y dược trình độ đại học (2 cơ sở đang chuẩn bị thành lập) trong đó 18 cơ sở công lập, 1 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Quốc phòng, còn lại là cơ sở đào tạo ngoài công lập với chuyên ngành đào tạo chủ yếu là điều dưỡng viên.

Mỗi năm chúng ta đào tạo ra 6.700 bác sĩ, 2.800 dược sĩ, 5.000 cử nhân điều dưỡng, kỹ thuật y học và y tế công cộng và 5.100 cán bộ y tế ở trình độ sau đại học (tính ở thời điểm 2010).

Theo dự báo của Vụ Khoa học đào tạo (Bộ Y tế), với tốc độ tăng dân số hiện nay, thì tới năm 2015 Việt Nam cần tới 372 ngàn cán bộ y tế, số cần bổ sung từ nay cho đến 2015 là gần 283 ngàn nhân lực. Như vậy, số cần đào tạo hàng năm là gần 29 ngàn người, trong đó mỗi năm chúng ta cần thêm 5,8 ngàn bác sĩ, 1,6 ngàn dược sĩ và hơn 145 ngàn điều dưỡng các bậc.

Với khả năng đào tạo như hiện tại và không có bổ sung gì về cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ hay điều động cán bộ thì tới năm 2020 dù lượng sinh viên ra trường có gấp 2 lần như hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về nhân viên y tế theo dự kiến.

Đổi mới cơ chế tuyển sinh và loại hình đào tạo

Hiện, ngoài tuyển sinh hệ chính quy, các trường ngành y còn được phép triển khai nhiều loại hình đào tạo khác nhằm đáp ứng nhanh chóng, kịp thời nhu cầu của các địa phương như hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, hệ liên thông, bồi dưỡng bác sĩ chuyên khoa.

Tại hội nghị Trực tuyến về đào tạo nguồn nhân lực ngành y tế do Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu chủ trì với 7 đầu cầu đại diện cho 7 vùng miền, trung tâm đào tạo y tế trong cả nước (ngày 26/1), nhiều đại diện của các trường đại học y dược, sở y tế địa phương đã kiến nghị Bộ một số giải pháp về các loại hình đào tạo.

Đào tạo liên thông, bồi dưỡng bác sĩ chuyên khoa và đào tạo theo địa chỉ là những loại hình đào tạo được đánh giá là đảm bảo chất lượng đầu ra và phù hợp với nhu cầu thực tế. Việc tăng số lượng đầu vào hệ đào tạo theo địa chỉ và liên thông sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nhân lực vùng trũng.

Trong khi đó, Phó hiệu trưởng Đại học Y Dược Cần Thơ (từ đầu cầu Cần Thơ) Phạm Hùng Lực cho biết, chất lượng đầu vào của hệ cử tuyển tại trường rất thấp nên chất lượng đầu ra cũng không được đảm bảo.

 Để nâng cao hơn chất lượng đào tạo hệ này, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên ở đầu cầu Tây Nguyên-Nam Trung Bộ cho rằng cần sàng lọc sớm chất lượng học sinh hệ cử tuyển trước khi gửi lên trường đào tạo. Còn Phó hiệu trưởng ĐH Y Dược Huế Cao Ngọc Thành thì cho rằng thời gian đào tạo với hệ cử tuyển cần dài hơi.

Các đại biểu từ các đầu cầu cũng đề cập tới chú trọng và đẩy mạnh đào tạo nâng cao ngoại ngữ, tin học bên cạnh nâng cấp tay nghề, chuyên môn để chúng ta có thể hội nhập được với y học thế giới.

Huy động mọi nguồn lực cho đào tạo

Với chủ trương huy động mọi loại hình đầu tư để có nguồn đầu tư cho giáo dục, hiện Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch Đầu tư đã triển khai khá nhiều giải pháp huy động vốn để đầu tư cho nguồn nhân lực y tế.

Ngoài nguồn trái phiếu Chính phủ theo Đề án nâng cấp cơ sở vật chất của 15 trường ĐH và 65 trường cao đẳng, trung cấp y dược công lập trong cả nước, ngành Y tế còn tiếp tục huy động nguồn vốn từ dự án vay vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) "Chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế", nguồn vốn vay ưu đãi từ dự án FDI và huy động xã hội hóa đầu tư cho ngành.

Từ 2011-2015, sẽ triển khai Đề án thành lập hai ĐH Sức khỏe, một ở phía Bắc trên cơ sở ĐH Y Hà Nội ; một ở phía Nam trên cơ sở ĐH Y Dược Tp Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch thành lập trường ĐH Y Dược Tây Nguyên trên cơ sở khoa  Y Dược của  ĐH Tây Nguyên; thành lập ĐH Kỹ thuật Y tế Đà Nẵng trên cơ sở trường Cao Đẳng Y tế II (Bộ Y tế); nâng cấp các trường trọng điểm của ngành như Trường ĐH Y Dược Huế, Thái Nguyên…

Một số bệnh viện đầu ngành có đội ngũ thầy thuốc đông, tay nghề cao, thiết bị hiện đại đã được Bộ giao trách nhiệm tích cực phối hợp với địa phương đào tạo bác sĩ chuyên khoa theo lát cắt dọc. Chẳng hạn như bệnh viện Việt Đức đang thực hiện hỗ trợ 26 khoa ngoại tại 25 bệnh viện các tỉnh phía Bắc.

“Chúng ta cần cố gắng, tăng cường đầu tư để đào tạo lực lượng bác sĩ “ra tấm ra món”. Tương lai ngành y tế Việt Nam có ngang tầm thế giới, khu vực hay không thì chất lượng nguồn nhân lực là quyết định và công tác đào tạo đóng vai trò quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu kết luận hội nghị./.

(Nguyệt Hà/VGP News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất