Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 14/7/2011 22:48'(GMT+7)

Tạo bước ngoặt từ đổi mới toàn diện giáo dục

Học sinh Trường THCS Cư Ðrăm, huyện Krông Bông (Ðác Lắc) sau buổi học.

Học sinh Trường THCS Cư Ðrăm, huyện Krông Bông (Ðác Lắc) sau buổi học.

Ða dạng các giải pháp

Những năm qua, chất lượng giáo dục và đào tạo (GD và ÐT)  luôn thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Ðiều đó đòi hỏi việc đổi mới quản lý giáo dục giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Ngành GD và ÐT triển khai đổi mới quản lý giáo dục bằng nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho thủ trưởng các đơn vị giáo dục. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, nhiều đơn vị đã sử dụng các phần mềm quản lý tài chính, nhân sự; quản lý thời khóa biểu, quản lý hồ sơ tuyển sinh đại học, cao đẳng, quản lý thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh, thi học sinh giỏi... Mặt khác, toàn ngành thực hiện ba công khai, nhất là với các khoản thu, chi nhằm từng bước đánh giá kết quả thực hiện của các nhà trường.

Bên cạnh đó, trong năm năm qua, cuộc vận động 'Hai không' đã đi vào chiều sâu, đạt được những kết quả cụ thể, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục hiện tượng học sinh ngồi sai lớp, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém và học sinh bỏ học, tăng tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Việc kiểm tra, cho điểm đúng quy định giúp học sinh xác định đúng đắn thái độ, động cơ học tập; chú trọng bồi dưỡng học sinh khá, giỏi. Bộ GD và ÐT đã hướng dẫn xây dựng chương trình theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ với thời lượng thực hành từ khoảng 50% đến 75% tổng thời lượng của chương trình.

Mặt khác, để huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong và ngoài trường học xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phong trào thi đua 'Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực' (XDTHTT, HSTC) được toàn ngành thực hiện một cách sáng tạo. Qua ba năm triển khai, năm học nào, phong trào này cũng mang lại một điểm nhấn riêng. Năm thứ nhất là triển khai trên diện rộng, tạo chuyển biến căn bản về cơ sở vật chất nhà trường và cảnh quan môi trường giáo dục; năm thứ hai tập trung cho nội dung đổi mới phương pháp dạy học và chuẩn hóa giáo viên, cán bộ quản lý; năm thứ ba là đẩy mạnh tính tích cực của học sinh. Ðiển hình như tại Hà Tĩnh, theo Giám đốc Sở GD và ÐT Nguyễn Khắc Hào, sau ba năm thực hiện phong trào THTT, HSTC, chất lượng dạy học đại trà và mũi nhọn Hà Tĩnh tiếp tục giữ vững và đẩy mạnh. Số lượng học sinh giỏi quốc gia ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm; hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng bỏ học. Theo TS Trần Ðình Châu, thường trực ban chỉ đạo phong trào XDTHTT, HSTC, đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố tham gia, trong đó 54/63 tỉnh, thành phố có 100% cơ sở giáo dục tham gia.

Ðáng chú ý, công tác xã hội hóa, chung tay góp sức phát triển GD và ÐT được thực hiện hiệu quả. Từ 2008 đến năm 2010, với phương châm tỉnh giúp tỉnh, huyện giúp huyện, trường giúp trường, đội ngũ nhà giáo, lao động đã thực hiện có hiệu quả cuộc vận động 'Hỗ trợ xây dựng nhà ở công vụ giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa' với hơn 104 tỷ đồng xây dựng 59.796m2 nhà ở; đồng thời quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên được 112 tỷ đồng, gần bảy triệu quyển sách giáo khoa, sách tham khảo, vở viết...

Cần thêm những "cú huých"

Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng thực tế cho thấy, một số cán bộ, giáo viên chưa mạnh dạn phát hiện, phản đối các hiện tượng tiêu cực trong thi cử và bệnh chạy theo thành tích ở một số địa phương. Vẫn tồn tại tình trạng lệch lạc trong định hướng các giá trị trong hoạt động dạy và học; thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương, các trường trong việc thực hiện nâng cao chất lượng thật. Việc huy động học sinh ra lớp và duy trì tỷ lệ đi học chuyên cần vẫn còn nhiều khó khăn khi tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học trong học kỳ một năm học 2010-2011 vẫn còn 0,43%. Mặt khác, hệ thống cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu. Ðác Lắc đến đầu năm 2011 vẫn còn 300 buôn đồng bào dân tộc thiểu số chưa có nhà lớp học mầm non; mới có 44,7% phòng học bậc mầm non, 72,5% phòng học bậc phổ thông được kiên cố hóa. Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Ðồng có 64,6%; Gia Lai có 50,2% nhà lớp học được kiên cố hóa...

Theo các chuyên gia giáo dục, cần có thêm những chuyển biến mạnh mẽ trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi cán bộ, giáo viên nói riêng và trong toàn ngành nói chung. Nhất là hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và đa dạng hóa, bảo đảm tính phân luồng rõ rệt và liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục bằng việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu phát triển giáo dục. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, đạo đức của học sinh theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của người học, chuyển trọng tâm đánh giá nội dung học tập sang đánh giá phẩm chất và năng lực của người học, biến quá trình truyền thụ tri thức một chiều của giáo viên thành quá trình tự học có hướng dẫn và quản lý của giáo viên. Phát triển đa dạng các hình thức chăm sóc giáo dục trẻ dưới năm tuổi. Rà soát lại toàn bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông, khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành. Chú trọng thực hiện các hoạt động: giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục giá trị, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh... nhằm tạo bước ngoặt trong nâng cao chất lượng toàn diện GD và ÐT.

Theo Xuân Kỳ/ Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất