Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã
hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Trong đó, vấn đề
tình hình an ninh trật tự được nhiều đại biểu quan tâm phân tích, cho ý
kiến.
TRẬT TỰ AN TOÀN XÃ HỘI CÓ CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC
Ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các đại biểu Nguyễn Thị
Phúc (Bình Thuận), Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh),
Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)... bày tỏ hài lòng và ấn tượng với những kết
quả đã đạt được. Các đại biểu đánh giá, bức tranh kinh tế-xã hội đất
nước với nhiều “gam màu sáng” đã thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống
chính trị, sự chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt của Chính phủ và các
bộ ngành, địa phương.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, trong những nỗ lực chung
của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo ra sự
chuyển mình của đất nước, có sự đóng góp rất to lớn của các lực lượng vũ
trang trong việc giữ gìn, bảo đảm nền quốc phòng an ninh vững chắc,
phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đối ngoại của đất nước.
Khẳng định việc đảm bảo an ninh trật tự là một trong những yếu tố
quan trọng góp phần làm nên môi trường hòa bình, ổn định của mỗi quốc
gia, đại biểu đánh giá, năm 2018, Bộ Công an đã quyết tâm, chủ động,
tiên phong trong thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; triển
khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, thu được nhiều kết quả tích cực,
cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng,
tình hình trong nước luôn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, nhưng lực lượng công
an luôn chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ
xa, từ sớm các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và
phản động, không để tác động chuyển hóa vào trong nước; đấu tranh quyết
liệt, có hiệu quả với các hoạt động chống phá, chống đối.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng đánh giá cao việc lực lượng công an đã
phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương bảo vệ tuyệt đối, an toàn
các sự kiện chính trị, ngoại giao quan trọng, điển hình như Hội nghị
Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai; qua đó thể hiện năng lực, vị thế, vai trò
của Việt Nam qua hình ảnh một đất nước hòa bình, thân thiện, phát triển.
Về trật tự an toàn xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng “có
chuyển biến tích cực". Đại biểu nhận định, Việt Nam đã phần nào kiềm chế
được tình trạng gia tăng tội phạm, không để tội phạm lộng hành, nhiều
vụ án đặc biệt nghiêm trọng được điều tra, phá án nhanh, dư luận đánh
giá cao. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án hình sự đạt và vượt chỉ tiêu
Quốc hội đề ra. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng,
kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện điều
tra xử lý nghiêm minh, công khai và đúng pháp luật, được cử tri, nhân
dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân cũng ghi nhận những kết quả trong công
cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, công tác đấu tranh với
tội phạm ma túy đạt được nhiều chiến công rất xuất sắc, đã đánh đúng,
đánh trúng nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn xuyên quốc
gia, thu giữ nhiều số lượng lớn ma túy các loại chưa từng có từ trước
tới nay.
TĂNG MỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI BẠO LỰC, XÂM HẠI TÌNH DỤC
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, Báo cáo
đánh giá của Chính phủ đã chỉ ra 11 nhóm tồn tại, hạn chế, trong đó nhóm
thứ 11 đã đề cập đến tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực an ninh trật tự.
Đồng tình với đánh giá này, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng
chỉ rõ, nhiều cử tri lo lắng trước tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng
lãi, đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen ngày càng tăng. Theo đại biểu,
tình trạng này diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn mà đã xuất hiện cả ở
nông thôn, các vùng xa xôi, hẻo lánh, gây hệ lụy khiến nhiều gia đình
tán gia, bại sản, gây mất trật tự an ninh, xã hội, trong khi pháp luật
của Việt Nam hiện nay “chưa gọi tên để xử lý được loại tội phạm này”,
đại biểu khẳng định.
“Có cử tri đã đề xuất Chính phủ phải nghiên cứu xem lại việc cho ra
đời các tổ chức mang danh tài chính, nhưng thực chất là huy động trá
hình cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê, đồng thời đề xuất với Chính phủ
phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để xử lý tình trạng tín
dụng đen", đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu ý kiến.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân, nhiều ý kiến cử tri cũng bày tỏ sự
quan ngại về tình hình phạm pháp hình sự tăng, có lúc, có nơi gây bức
xúc dư luận. Tình trạng mua bán, sử dụng chất ma túy, nạn nghiện hút, sử
dụng chất gây nghiện trong thanh thiếu niên, các vụ trộm cắp, cướp tài
sản, giết người man rợ, trong đó có nhiều vụ án, trọng án nguyên nhân chủ yếu từ người
nghiện ma túy gây ra có xu hướng tăng, gây tâm lý bất an trong nhân dân.
Tiếp nối phần trình bày của mình, đại biểu Nguyễn Thị Xuân bày tỏ băn
khoăn về sức nặng, tính răn đe của các mức xử phạt đối với các hành vi
bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng diễn biến phức tạp. Theo
đại biểu Nguyễn Thị Xuân, “cần sớm tập trung chỉ đạo giải quyết rõ nét,
quyết liệt hơn nữa để cho mọi người dân có quyền được sống trong môi
trường xã hội thật sự an bình, hạnh phúc".
Nêu thực tế thời gian qua, báo chí, phương tiện truyền thông tốn khá
nhiều công sức, giấy mực để phản ánh về việc xử lý vi phạm hành chính ở
một số lĩnh vực, theo đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), nhiều cách xử
lý “đã trở thành những câu chuyện hài hước trong xã hội".
Đại biểu cho rằng, nguyên nhân là do vấn đề về xử phạt vi phạm hành
chính một số hành vi hiện nay đã không còn phù hợp, không theo kịp quá
trình xã hội hóa. Các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính ở một số
lĩnh vực đang có rất nhiều vấn đề bất cập. Nhiều hành vi vi phạm mới
nhưng không có quy định để xử lý đang làm bó tay các cơ quan quản lý.
Đại biểu Võ Thị Như Hoa đánh giá, những bất cập này không chỉ gây bức
xúc trong xã hội mà còn tạo sức ép cả cho cơ quan thực thi pháp luật.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ ĐỂ ĐẨY LÙI TỆ NẠN MA TÚY
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) khẳng định, nhân dân đặc biệt đánh giá
cao lực lượng công an nhân dân, các cơ quan chức năng trong thời gian
qua đã nỗ lực hết mình, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng, xương máu, kiên
quyết đấu tranh với tội phạm ma túy.
Các cấp, ngành đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đấu
tranh phòng chống tội phạm về ma túy. Pháp luật cũng đã quy định khung
hình phạt cao nhất đối với phạm tội phạm này.
Tuy nhiên, trước những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đi đôi với
sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, đại biểu đặt câu hỏi về nguyên
nhân khiến các loại tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp: “Số người
nghiện ma túy vẫn gia tăng, nguyên nhân chính là lý do đâu, Chính phủ có
giải pháp nào căn cơ, hiệu quả hơn các giải pháp đó, có thể như bản cam
kết trước cử tri và nhân dân để quyết tâm đẩy lùi tệ nạn này?”
Phản ánh sự lo lắng, bất an của nhân dân và cử tri khi chỉ trong ít
tháng đầu năm 2019 đã xảy ra hàng loạt vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng,
thương tâm liên quan đến ma túy, "ngáo đá", đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc
Liêu) điểm lại một số vụ án mà theo đại biểu là “khi nhắc lại khiến ai
cũng lạnh người", như vụ cô gái giao gà chiều 30 Tết ở Điện Biên, vụ phó
phòng ngân hàng truy sát cả nhà ở Nghệ An, vụ sát hại bà ngoại bạn gái
cùng bà nội, bố đẻ ở Long An và gần đây là vụ cãi nhau với mẹ, con trai
ra tay sát hại dì, mẹ đẻ và bà ngoại mình tại Thành phố Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp. Nhiều vụ buôn bán,
vận chuyển, tàng trữ chất ma túy với số lượng lớn, quy mô xuyên quốc
gia, có thủ đoạn và hoạt động hết sức tinh vi được phát hiện. Chỉ trong
quý 1/2019, số vụ án ma túy phát hiện được lên tới hơn 6.500 vụ, lớn hơn
cả năm 2018, trong đó có những vụ án lớn như triệt phá tập đoàn ma túy,
bắt giữ 1,1 tấn ma túy đá tại Thành phố Hồ Chí Minh; vụ 700kg ma túy đá
bị vứt bên lề đường nhằm phi tang tại Nghệ An…
Chỉ riêng tháng 4/2019, cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 6 tấn
ma túy. Mới đây, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã công bố phát hiện
nhiều chất ma túy mới hiện chưa có trong danh mục các chất ma túy theo
Nghị định 73 của Chính phủ, có những chất có tác dụng gây ảo giác cực
mạnh lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam.
Đáng sợ hơn nữa, bằng thủ đoạn tinh vi, tội phạm còn dùng dẫn xuất
của một chất ma túy, phối trộn tạo ra viên nén để sau khi uống vào cơ
thể, viên nén chuyển hóa giải phóng ra chất ma túy.
Trước tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức đáng lo ngại, số
người nghiện ma túy tiếp tục gia tăng, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, cần
gióng lên hồi chuông cảnh báo thực trạng đáng lo ngại về ma túy và hiểm
họa do ma túy gây ra.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cần khẩn cấp tổ chức các hoạt động
giám sát để công tác phòng chống ma túy trong giai đoạn hiện nay nhận
được sự quan tâm đặc biệt hơn nữa của Chính phủ, các cấp, ngành để tăng
cường hiệu quả tích cực, vì tương lai của dân tộc, sự phát triển của
giống nòi, vì một xã hội thanh bình, thịnh vượng.
Đồng tình với nỗi lo của đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu), Đại biểu
Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đặt vấn đề về các đường dây mua bán, vận
chuyển ma túy lớn: “Mặc dù lực lượng công an đã phát hiện, triệt phá
nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, tuy nhiên có cử tri thắc
mắc liệu Việt Nam đã trở thành địa bàn buôn bán ma túy xuyên quốc tế hay
chưa? Tại sao một khối lượng rất lớn ma túy bị lọt vào trong nội địa Việt Nam? Trách nhiệm của các bộ, ngành liên
quan trong việc kiểm tra, ngăn chặn ma túy tổng hợp trong nước như thế
nào?”
Để từng bước tạo sự chuyển biến rõ nét về an ninh trật tự xã hội trên
từng địa bàn, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo
Bộ Công an tập trug nắm, phân tích, dự báo sát tình hình, thực hiện
đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phát hiện điều
tra, xử lý tội phạm, mở các đợt cao điểm công tác truy quyét tội phạm
với mục tiêu kiềm chế sự gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội./.
(TTXVN)