Hai dự án đường cao tốc của nước ta vừa hoàn thành đầu tháng 9/2018 đều mang những dấu ấn đặc biệt. Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng tạo cơ sở quan trọng để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, còn cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi là tuyến cao tốc đầu tiên của miền Trung, kết nối những đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả vùng.
Lần đầu tiên địa phương làm đường cao tốc
Đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng dài hơn 25km vừa đưa vào sử dụng từ tháng 9/2018 là dự án giữ nhiều kỷ lục tại Việt Nam. Đáng chú ý, đây là tuyến cao tốc đầu tiên do địa phương làm chủ đầu tư.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã huy động nguồn vốn hơn 13.600 tỷ đồng để triển khai tuyến đường này bằng hình thức đối tác công tư (PPP). Cầu Bạch Đằng, điểm nối giữa cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Hạ Long-Hải Phòng là cây cầu dây văng đầu tiên do người Việt thiết kế, thi công với thời gian thực hiện nhanh nhất so với các dự án cầu dây văng khác tại Việt Nam.
Ngay sau khi tuyến đường thông xe, nhiều doanh nghiệp vận tải đã lên kế hoạch để hoạt động trên tuyến. Đại diện Công ty Vận tải Việt Thanh (doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Hà Nội-Quảng Ninh) nhìn nhận, sử dụng đường cao tốc là xu hướng tất yếu khi quãng đường được rút ngắn, thời gian di chuyển nhanh, độ an toàn cao. Doanh nghiệp này đang chờ cơ quan chức năng công bố tuyến mới để làm cơ sở tính toán lộ trình, cung cấp dịch vụ cho hành khách.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp vận tải, với những lợi ích đường cao tốc mang lại, hành khách sẽ nhanh chóng đón nhận dịch vụ mới, nhu cầu đi lại trên tuyến dần tăng cao, đây là yếu tố thúc đẩy nhiều đơn vị lựa chọn khai thác trên tuyến đường này.
Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu về tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh: "Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng sẽ liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động, phát huy được lợi thế thu hút đầu tư, tạo động lực mang tính chiến lược đối với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói riêng cũng như phát triển kinh tế vùng, liên vùng quốc tế".
Bên cạnh đầu tư cho đường bộ, Quảng Ninh cũng đang triển khai nhiều dự án, như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018. Tỉnh cũng đang tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công hơn 80km đường cao tốc nối tiếp từ sân bay Vân Đồn đến TP. Móng Cái, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành đầu tư gần 200km đường cao tốc, đóng góp 1/10 chiều dài đường cao tốc của cả nước.
Nếu ở miền Bắc đã hình thành nhiều tuyến đường cao tốc kết nối liên vùng như Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, Hà Nội-Ninh Bình, thì đường cao tốc đầu tiên ở miền Trung rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi chỉ còn hơn một giờ, được kỳ vọng tạo cơ hội cho các tỉnh Trung Trung Bộ phát triển đột phá, thu hút đầu tư, thúc đẩy sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái ven biển.
Thực tế khảo sát tại nhiều dự án đường cao tốc đã đi vào hoạt động cho thấy hiệu quả đạt được rất lớn trong việc gia tăng sản lượng, giảm giá thành vận tải. Ví dụ, đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, từ khi thông xe vào năm 2014 đến nay, lưu lượng trung bình đạt 18.000-19.000 lượt xe/ngày đêm, tiết kiệm được 20-30% chi phí vận tải cho chủ phương tiện.
Giao thương thuận lợi góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các địa phương dọc tuyến.
Cân đối nguồn lực đầu tư
Cơ sở hạ tầng giao thông là lĩnh vực luôn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư toàn xã hội. Nhu cầu vốn cho các dự án giao thông rất lớn, để đáp ứng kịp thời cần phải đa dạng hóa các hình thức huy động, không thể chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước.
Kinh nghiệm từ triển khai các dự án hạ tầng giao thông ở Quảng Ninh cho thấy, hình thức đầu tư PPP đã giải quyết được bài toán nguồn vốn cho nhu cầu hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực ngoài ngân sách, tổng số vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn đạt hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ xã hội hóa (chiếm 3/4 tổng vốn đầu tư), còn lại vốn ngân sách tỉnh tập trung thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng".
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hiện đang tích cực triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Trong số 11 dự án thành phần của đường bộ cao tốc Bắc-Nam chỉ có 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công, còn lại 8 dự án theo hình thức PPP.
Nguồn vốn Nhà nước cũng dành phục vụ công tác giải phóng mặt bằng nhằm tăng sức hấp dẫn, bảo đảm tính khả thi trong phương án tài chính của dự án.Theo đánh giá của Bộ GTVT, huy động nguồn lực xã hội không chỉ giúp giảm áp lực vốn Nhà nước mà còn tận dụng được thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ khối tư nhân, phân chia rủi ro hợp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, khai thác, bảo đảm tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đối với từng dự án.
Ngoài lĩnh vực đường bộ, để bảo đảm tính đồng bộ của hạ tầng giao thông, nhiều loại hình vận tải cũng cần được quan tâm đầu tư. Hiện nay, bên cạnh dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai. Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, dự kiến trình Quốc hội trong năm 2019. Đây đều là những "siêu dự án" với số vốn hàng tỷ USD. Do vậy, cần tính toán kỹ phân kỳ đầu tư để cân đối nguồn lực hợp lý, tránh đầu tư dàn trải, vừa gây lãng phí, vừa tạo gánh nặng cho nền kinh tế. TS Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam, cho rằng: "Dự án đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc Bắc-Nam và dự án phát triển hàng không cần được đặt trong tổng thể, có sự gắn kết chặt chẽ với nhau, đặc biệt đối với dự báo nhu cầu vận tải để từ đó đưa ra đề xuất phù hợp".
Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ tiếp tục là một trong những mục tiêu ưu tiên của nước ta trong thời gian tới nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực tăng trưởng. Sự tham gia tích cực của các địa phương cũng như đa dạng hóa các hình thức đầu tư hứa hẹn là cơ sở quan trọng để mục tiêu đó được thực hiện hiệu quả./.
Mạnh Hưng (qdnd.vn)