Các hoạt động, sự kiện tôn vinh tiếng Việt với nhiều hình thức
đa dạng, nội dung phong phú đã được tổ chức rộng khắp trong và ngoài
nước; qua đó ghi nhận nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo nền móng vững
chắc trong dạy, giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài.
Sáng 6/9, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam
ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức Gặp gỡ báo chí thông tin về Ngày
Tôn vinh tiếng Việt 2024 và Gala tiếng Việt thân thương.
GÓP PHẦN TẠO NỀN MÓNG VỮNG CHẮC TRONG DẠY, GIỮ GÌN VÀ LAN TỎA TIẾNG VIỆT
Thông tin kết quả triển khai Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024, Phó Chủ
nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Mạnh Đông
cho biết, các hoạt động, sự kiện tôn vinh tiếng Việt với nhiều hình thức
đa dạng, nội dung phong phú đã được tổ chức rộng khắp trong và ngoài
nước; qua đó ghi nhận nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo nền móng vững
chắc trong dạy, giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người
Việt Nam ở nước ngoài.
Tiêu biểu, Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt, được tổ chức ở nước
ngoài năm 2024, góp phần tuyên truyền rộng rãi về Đề án cũng như thu hút
sự hưởng ứng, tham gia của nhân dân trong và ngoài nước. Số lượng thí
sinh tham gia cuộc thi tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt năm 2024 tăng so với
năm 2023, với sự tham gia của 158 bài dự thi từ 14 địa bàn (trong đó một
số thí sinh là người nước ngoài yêu mến tiếng Việt). Cuộc thi nhằm tìm
kiếm những nhân tố mang sứ mệnh quan trọng là quảng bá văn hóa, truyền
cảm hứng, tạo động lực học tập và sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng
người Việt Nam ở nước ngoài.
“Trong số 5 thí sinh xuất sắc đạt danh hiệu “Sứ giả tiếng Việt ở nước
ngoài năm 2024”, có một thí sinh kiều bào 8 tuổi và một thí sinh người
Lào yêu tiếng Việt. Việc lựa chọn thí sinh nhí đạt danh hiệu nhằm gửi
gắm thông điệp của Cuộc thi năm 2024 tới cộng đồng người Việt Nam ở nước
ngoài; khuyến khích thế hệ trẻ học tập và gìn giữ tiếng Việt để trở
thành điểm tựa vững chắc trong cầu nối văn hóa Việt Nam tới thế giới”,
ông Nguyễn Mạnh Đông nói.
Theo ông Nguyễn Mạnh Đông, hoạt động "Tri ân" do Bộ Ngoại giao phối hợp
với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đại sứ quán, các hội đoàn người Việt
Nam ở nước ngoài tổ chức hiệu quả tại Pháp, Séc và đang tiếp tục được
triển khai ở một số địa bàn trọng điểm, có đông người Việt Nam sinh
sống, làm việc và học tập... nhằm khuyến khích, vinh danh các cá nhân,
tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho hoạt động
gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng.
Thông tin thêm về hoạt động xây dựng Tủ sách tiếng Việt, ông Nguyễn Mạnh
Đông cho biết, tủ sách được coi là "nguồn tài nguyên" quý giá trong
khuyến khích dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài, đặc biệt tại các địa
bàn chưa có chương trình giảng dạy tiếng Việt chính thức. Đến nay, Bộ
Ngoại giao phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cung cấp 5 tủ
sách cho các địa bàn và cung cấp sách phục vụ cộng đồng tại Áo, Lào,
Hungary, Slovakia, Bỉ, Qatar.
Bám sát các nhiệm vụ đề ra, các bộ, ngành, cơ quan đại diện, Trung
tâm Văn hóa Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chủ động
triển khai hoạt động hướng đến ngày tôn vinh tiếng Việt như: tổ chức
diễn đàn, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy và
học tiếng Việt ở nhiều quốc gia, mời các diễn giả, chuyên gia trong nước
tham gia. Cùng với đó là lồng ghép hoạt động tôn vinh tiếng Việt với
các hoạt động đối ngoại, hoạt động của cộng đồng tại địa bàn như: Xuân
Quê hương; Quốc khánh 2/9; lễ khai giảng, tổng kết năm học tại các điểm
trường; ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6; Tết Trung thu... Song song đó là
kiện toàn bộ máy của các Hội đoàn người Việt như thành lập Ban tiếng
Việt chuyên trách, mở rộng quy mô và thành lập các trường, lớp dạy và
học tiếng Việt như trường Lạc Long Quân (Ba Lan), Trung tâm tiếng Việt
(Budapest, Hungary), lớp tiếng Việt vui, chương trình trại hè… tạo môi
trường giao lưu văn hóa, ngôn ngữ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết,
các hoạt động trên góp phần hỗ trợ nhu cầu rất lớn việc dạy tiếng Việt,
không chỉ cho trẻ em người Việt mà cả người lớn, được kiều bào đánh giá
cao, để lại ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng người Việt, bạn bè quốc tế
và sở tại.
Xác định việc quảng bá tiếng Việt, văn hóa Việt ra nước ngoài là
nhiệm vụ quan trọng, ông Nguyễn Mạnh Đông cũng cho biết, trong thời gian
qua, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông luôn đồng hành cùng
các hoạt động tôn vinh tiếng Việt do Bộ Ngoại giao chủ trì; tích cực
đồng hành đưa tin bài về hoạt động tôn vinh tiếng Việt ở cả trong nước;
phát huy tối đa ưu thế trên các nền tảng sẵn có để tuyên truyền hoạt
động tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
VINH DANH CÁ NHÂN CÓ NHIỀU ĐÓNG GÓP TRONG GÌN GIỮ VÀ LAN TỎA TIẾNG VIỆT
Thông tin về Gala tiếng Việt thân thương, bà Trần Thị Thu Hà, Phó
trưởng Ban Truyền hình đối ngoại, Đài truyền hình Việt Nam cho biết, tối
8/9 tới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với
Ban Truyền hình Đối ngoại (VTV4) và Công ty cổ phần Truyền thông VietArt
tổ chức Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt
Nam ở nước ngoài năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương,
tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Lễ Tổng kết và Gala nhằm tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt
Nam ở nước ngoài; dự kiến có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu - đại
diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, chuyên gia
ngôn ngữ và văn hóa, cơ quan thông tấn, báo chí và đại biểu kiều bào.
Tại Lễ Tổng kết, 5 thí sinh xuất sắc đạt danh
hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài trong Cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả
tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024” sẽ được trao tặng Kỷ niệm chương. Đây
là một trong những hoạt động tiêu biểu của Đề án, nhằm vinh danh những
cá nhân có nhiều đóng góp đối với công tác gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt
cũng như giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam trong cộng
đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Chương trình Gala tiếng Việt thân thương 2024 với chủ đề “Lời Quê
hương, Lời sắt son” là món quà tinh thần, ý nghĩa dành cho cộng đồng
người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời thể hiện tri ân các cá nhân, tổ
chức ở trong và ngoài nước đã đóng góp tích cực cho hoạt động tôn vinh
tiếng Việt, cũng như hoạt động thiết thực thúc đẩy việc học tập và sử
dụng tiếng Việt trong cộng đồng.
Gala là chương trình nghệ thuật tổng hợp, gồm các tiết mục kịch hình
thể, ca nhạc...; kết hợp với giao lưu tương tác trực tiếp và trực tuyến
với khán giả kiều bào. Chương trình được phát trực tiếp trên sóng VTV1,
VTV4 và trên các nền tảng số của Đài truyền hình và của Ủy ban Nhà nước
về người Việt Nam ở nước ngoài./.
TTXVN